Động lực giúp phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên

Tiếp tục tạo điều kiện phát triển các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ sẽ góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho chị em, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Phụ nữ Giẻ Triêng đã biết trồng cà phê hữu cơ khi tham gia vào HTX. Ảnh: Phương Liên

Phụ nữ Giẻ Triêng đã biết trồng cà phê hữu cơ khi tham gia vào HTX. Ảnh: Phương Liên

Triển khai Đề án hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 (Đề án) do Thủ tướng Chính phủ ban hành, lần đầu tiên, tại xã Xốp - xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có tới 98% là người DTTS, thuộc huyện Đắc Glei, tỉnh Kon Tum đã hình thành mô hình HTX Nông nghiệp sinh thái Phượng Hoàng do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum hỗ trợ thành lập và hoạt động.

Tham gia HTX, ngoài Giám đốc Huỳnh Thị Phượng là người dân tộc Kinh, còn lại, các thành viên đều là các chị em người dân tộc Giẻ Triêng. Họ cùng nhau trồng cà phê Arabica, mắc ca, gạo lứt đỏ, sâm Ngọc Linh, nấm linh chi... và liên kết với các hộ đồng bào DTTS ở các xã lân cận để phát triển vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ. Hiện nay, HTX đã sở hữu được vùng nguyên liệu 45ha. Tham gia HTX, phụ nữ DTTS đã biết cách trồng, chăm sóc, thu hái nguyên liệu sao cho đảm bảo tiêu chuẩn để bán được giá, từ đó có thu nhập cao và ổn định hơn. Tuy vậy, theo chị Phượng, khó khăn nhất với HTX khi muốn mở rộng sản xuất kinh doanh là các thành viên người Giẻ Triêng chỉ có thể góp công mà không có điều kiện góp vốn. Chị Phượng rất mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi nào đó để HTX có thể phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cho hàng hóa nông sản.

Về vấn đề này, theo bà Trần Thị Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum, ngân hàng đang có gói cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. HTX là một đối tượng được vay vốn theo chính sách này nếu đáp ứng các yêu cầu. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (hiện nay là 7,92%/năm). Lãi suất 3,96%/năm được áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, hoặc người DTTS hoặc vừa có cả người khuyết tật và người DTTS. Mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho một người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Nghiên cứu của ông Đặng Đức Thắng, Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam về kết quả tạo việc làm từ các chương trình tín dụng chính sách tại ngân hàng này cho thấy, số lượng việc làm được tạo ra tương đối lớn và có xu hướng tăng. Cả 3 khu vực (Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên, Nam Bộ) đều có sự gia tăng đáng kể. Khu vực tạo được nhiều việc làm nhất là Nam Bộ với khoảng trên 6.000 đến gần 9.000 gia đình được hỗ trợ có việc làm mỗi năm.

Theo bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thời gian qua, các cấp Hội luôn chú trọng lồng ghép triển khai tín dụng chính sách xã hội với các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, đề án, đặc biệt là 2 đề án được Chính phủ giao cho Hội chủ trì thực hiện, đó là Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) và Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”.

Thu hái chè ở Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Phương Liên

Thu hái chè ở Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Phương Liên

Kết quả là, trong 9 năm qua, hơn 13,6 triệu hội viên, phụ nữ đã được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập 4.747 tổ hợp tác/HTX do phụ nữ quản lý; hỗ trợ 63.864 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ cho 50.665 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập phát triển doanh nghiệp, kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các gian hàng, các điểm giới thiệu sản phẩm an toàn do phụ nữ sản xuất...

Trong số hơn 29.000 HTX của cả nước, hiện mới có khoảng 10% số HTX do phụ nữ tham gia quản lý, song nhiều HTX đang khẳng định ưu điểm, thế mạnh qua các con số ấn tượng như: 39% chủ thể sản phẩm OCOP, 80% lao động trong các HTX nông nghiệp và hầu hết lao động trong các HTX, tổ hợp tác phi nông nghiệp là nữ... Toàn quốc có trên 8 triệu người DTTS tham gia lực lượng lao động, trong đó, nữ giới chiếm gần 50%. Vì thế, thúc đẩy phát triển loại hình tổ hợp tác/HTX do phụ nữ quản lý, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ có tác động mạnh mẽ tới tạo việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống cho chị em và đằng sau họ là gia đình, con cái... Tiếp đến là giải quyết nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra cho phụ nữ xuất phát từ nguyên nhân không có hoặc thiếu việc làm, thu nhập ổn định. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Hoa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nghèo về kinh tế, ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản là những rào cản quan trọng dẫn tới phụ nữ DTTS đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Với mục tiêu đến năm 2025, củng cố, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 750 HTX, 5.000 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành đã được các cấp Hội hỗ trợ thành lập; tạo việc làm ổn định cho 15.000 thành viên, lao động nữ trong HTX, 40.000 lao động nữ trong tổ hợp tác. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 200 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ (trên 50% lao động HTX là nữ); tạo việc làm mới cho 4.000 lao động nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang chứng tỏ vị thế là cơ quan chủ lực góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho chị em, nhất là tại những địa bàn có quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa ở nông thôn, miền núi, vùng có hội viên, phụ nữ DTTS, ở địa bàn biên giới, khu vực đặc biệt khó khăn... để chị em có cơ hội từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng gia đình hạnh phúc, đồng thời đóng góp hiệu quả và nhiều hơn nữa vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-luc-giup-phu-nu-dan-toc-thieu-so-vuon-len-post483835.html