Động lực khiến thị trường tiền tệ 'bừng tỉnh'
Các nhà giao dịch và đầu tư đang kỳ vọng xu hướng cắt giảm lãi suất toàn cầu và cuộc bầu cử căng thẳng ở Mỹ sẽ giúp thị trường tiền tệ thế giới thoát khỏi tình trạng 'ngủ đông' trong gần 4 năm.
Các thước đo về biến động giá trong lịch sử và biến động giá dự kiến đã giảm xuống trong những tháng gần đây, khi các ngân hàng trung ương trên lớn nhất thế giới tạm chuyển sang chế độ “đóng băng”, khiến giới đầu tư mất đi cơ hội giao dịch trên thị trường trái phiếu. Trong đó, thước đo biến động của Deutsche Bank ghi nhận mức thấp nhất trong hai năm và ở không xa mức trước đại dịch.
Chuyên gia Andreas Koenig, người đứng đầu mảng ngoại hối toàn cầu tại Amundi - công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Âu, cho biết: “Lợi tức trái phiếu của Mỹ biến động lên xuống nhưng các lãi suất khác đều theo sau nên chúng tôi không nhận thấy nhiều sự chênh lệch". Theo chuyên gia này, những yếu tố tác động đến thị trường ngoại hối là ngân hàng nào sẽ cắt giảm lãi suất, mức độ cắt giảm là bao nhiêu, và cuộc bầu cử Mỹ.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên hạ lãi suất, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ thực hiện điều này vào cuối năm nay.
* Biến động chính trị
Cựu Tổng thống Donald Trump đã gây chú ý lớn. Năm ngoái, ông đã đưa ra ý tưởng sẽ áp thuế nhập khẩu phổ thông lên đến 10% nếu ông trở lại Nhà Trắng.
Chuyên gia Themos Fiotakis, người đứng đầu mảng chiến lược ngoại hối toàn cầu tại Barclays, cho biết: “Thuế quan, thuế bổ sung có nghĩa là đồng USD có thể mạnh hơn”. Ông nói thêm rằng đồng euro và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Ngân hàng Barclays dự đoán đồng USD có thể tăng 3% do những biến động về thuế quan trong trường hợp ông Trump làm Tổng thống. Trong khi đó, giá trị đồng euro có thể giảm xuống ngang bằng với đồng tiền Mỹ.
Ông Oliver Brennan, chiến lược gia về biến động ngoại hối tại BNP Paribas, cho biết các nhà giao dịch đang chuẩn bị cho biến động của đồng peso Mexico, đồng zloty Ba Lan và đồng nhân dân tệ. Tất cả đều đã sụt giảm sau chiến thắng năm 2016 của cựu Tổng thống Donald Trump.
Ông nói: “Biến động trong khoảng thời gian từ 9 tháng đến một năm tới (đối với ba loại tiền tệ đó) thực sự rất cao”.
* Biến động lãi suất
Hiện tại, việc thị trường đóng băng đang hạn chế những cơ hội. Điều đó đặc biệt đúng ở một số cặp tiền tệ nhất định. Chuyên gia Yusuke Miyairi, chiến lược gia tại Nomura cho biết: “Hiện tại không đáng để giao dịch hai cặp tiền tệ là đồng euro và đồng bảng. Biến động của cặp tiền tệ này đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2006".
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy kỳ vọng điều chỉnh lãi suất đang bắt đầu tạo ra nhiều biến động. BoJ đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm vào tháng Ba, nhưng điều đó không ngăn được đồng yen giảm xuống gần mức thấp nhất kể từ năm 1990 khi các nhà giao dịch nhận ra chi phí đi vay của Nhật Bản vẫn ở mức gần bằng 0. Các chiến lược gia cho rằng điều này dẫn đến sự biến động của các loại tiền tệ châu Á, bao gồm cả đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, cho thấy sức mạnh lan tỏa của thị trường.
Tại châu Âu, việc cắt giảm lãi suất của Thụy Sỹ đã giúp đồng euro đạt mức tăng hàng quý lớn nhất so với đồng franc kể từ khi đồng tiền chung được tạo ra.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-luc-khien-thi-truong-tien-te-bung-tinh/328911.html