Động lực mạnh mẽ để ASEAN củng cố vai trò trung tâm và thúc đẩy thương mại đa phương
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia ra thông cáo chung, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, có thể dự đoán trước, minh bạch, toàn diện, tự do, công bằng và bền vững, với Tổ chức Thương mại thế giới đóng vai trò cốt lõi.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58). (Ảnh: BNG)
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt những khó khăn, các nước chủ động mở rộng hợp tác, nỗ lực đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại để thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và phát triển.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt những khó khăn, các nước ASEAN chủ động mở rộng hợp tác, nỗ lực đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại để và phát triển.
Những thập kỷ qua, hệ thống thương mại đa phương giữ vai trò là nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giúp các nền kinh tế ở mọi quy mô hưởng lợi từ các quy tắc có thể tiên đoán được, giảm bớt các rào cản và có cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả.
Với những nền kinh tế đang phát triển, hệ thống thương mại đa phương còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách cơ cấu, thu hút đầu tư và giảm đói nghèo. Trong những chiến lược mà các nước ASEAN theo đuổi để ứng phó tác động tiêu cực do căng thẳng thương mại gây ra hiện nay là tăng cường thương mại khu vực, hợp tác với các đối tác thân thiện và tối đa hóa việc sử dụng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trước bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, ngoài việc đẩy mạnh thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên, các nước ASEAN chủ động mở rộng hợp tác với nhiều đối tác thông qua các hiệp định thương mại tự do và khuôn khổ hợp tác đa phương.
Theo chuyên gia Sharon Seah (Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak), các nước ASEAN đang trở nên thực dụng và tự chủ hơn trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, thông qua việc đa phương hóa và cân bằng quan hệ đối ngoại.
Trong khi đó, nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản hay Liên minh châu Âu (EU) cũng đề cao vai trò quan trọng của thương mại đa phương. Nhằm tăng cường với ASEAN, Bắc Kinh đẩy mạnh các sáng kiến trong lĩnh vực hàng hải, giao thông, kinh tế xanh và trí tuệ nhân tạo (AI), nhất là tại các thị trường năng động như Đông Nam Á. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3, Trung Quốc cam kết tiếp tục đóng góp vào Quỹ Hợp tác kinh tế-kỹ thuật của RCEP để hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực thể chế và hội nhập khu vực.
Tại cuộc họp với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong khuôn khổ AMM-58 và các cuộc họp liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeshi Iwaya mới đây kêu gọi duy trì một trật tự kinh tế quốc tế tự do, công bằng và rộng mở. Đánh giá ASEAN là trung tâm của tăng trưởng toàn cầu và vai trò của ASEAN ngày càng quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng khu vực, người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản cho biết, Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương, lấy Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) làm nòng cốt.
Cơ quan Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố báo cáo, trong đó ước tính thương mại toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng 300 tỷ USD, mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại. Đây là tín hiệu tích cực, song triển vọng thương mại toàn cầu trong nửa cuối năm 2025 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những căng thẳng địa chính trị và cuộc chiến thương mại tiếp tục đặt nền kinh tế toàn cầu, vốn còn chật vật phục hồi sau các “cú sốc” liên tiếp, trước nhiều khó khăn. Nguy cơ từ căng thẳng địa chính trị, các chính sách thương mại khó đoán và tín hiệu tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại đang phủ bóng lên những con số tích cực ban đầu.
Trước mối quan ngại ngày một tăng về “làn sóng đơn phương hóa” trong thương mại quốc tế, việc các nước ASEAN tôn vinh vai trò của thương mại đa phương nhằm đa dạng hóa đối tác thương mại, tăng cường khả năng tương tác và mở ra các cơ hội kinh tế mới.
ASEAN cam kết hợp tác mang tính xây dựng với tất cả đối tác, thúc đẩy hoặc nâng cấp Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác bên ngoài và tối đa hóa việc sử dụng RCEP, từ đó khẳng định vai trò trung tâm, giữ vững đồng thuận nội khối và thúc đẩy các sáng kiến khu vực do ASEAN dẫn dắt.