Mới: Bộ Công an đề xuất điều kiện hưởng, mức lương hưu hàng tháng đối với công an

Bộ Công an vừa đề xuất nhiều quy định mới về đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu, mức lương hưu hàng tháng… đối với cán bộ chiến sỹ công an.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc với sĩ quan, hạ sĩ quan công an nêu rõ, đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định 157/2025/NĐ-CP, trong đó:

Lộ trình tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 157 thực hiện theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

Lộ trình tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 15 thực hiện theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

Người lao động được cộng dồn các khoảng thời gian để làm căn cứ giải quyết chế độ hưu trí, cụ thể như sau:

Thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của cấp có thẩm quyền; thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên trước ngày 1-1-2021 và thời gian công tác tại các chiến trường B, C trước ngày 30-4-1975 và chiến trường K trước ngày 31-8-1989 mà bị ngắt quãng thì được cộng dồn làm căn cứ xét điều kiện để giải quyết chế độ hưu trí.

Thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của cấp có thẩm quyền; thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên trước ngày 1-1-2021 mà người lao động phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động do bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp và thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của cấp có thẩm quyền; thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên trước ngày 1-1-2021…

Về mức lương hưu hằng tháng, Điều 12 dự thảo quy định, mức lương hưu hằng tháng của người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này được thực hiện theo Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội và Điều 13 Nghị định 157, trong đó: Khi tính tỉ lệ lương hưu nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 1-đủ 6 tháng được tính là nửa (1/2) năm, từ 7-11 tháng được tính là một năm.

Mốc để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi đối với trường hợp nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động thực hiện theo khoản 4 Điều 13 Nghị định 157 và hướng dẫn sau:

Với người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường thì lấy tháng sinh tương ứng theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư.

Với người lao động có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do cấp có thẩm quyền ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1-1-2021 thì lấy tháng sinh tương ứng Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm được ghi trong quyết định nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành khi người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật.

Ngọc Minh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/moi-bo-cong-an-de-xuat-dieu-kien-huong-muc-luong-huu-hang-thang-doi-voi-cong-an-post617462.antd