Động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 53/CĐ-TTg ngày 26/5/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành 4 luật quan trọng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các Tổ chức tín dụng.
Đất đai đã và đang chứng minh là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước; quyền sử dụng đất là hàng hóa đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Ngày 18/1/2024, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều điểm mới về chính sách đất đai; người dân và DN được hưởng lợi, nhất là với các nội dung thiết thực liên quan quyền của người sử dụng đất, việc tiếp cận quỹ đất với DN…
Công điện mới đây của Thủ tướng khẳng định, nếu các chính sách mới của 4 luật (nói trên) sớm được triển khai trong thực tiễn, sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN, người dân.
Chính vì thế, ngày 17/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 72/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 như đề nghị của Bộ TN&MT. Điều đó có nghĩa là, Luật Đất đai (sửa đổi) có thể sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, thay vì ngày 1/1/2025.
Mọi việc đang chờ ở Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đang diễn ra ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Nếu Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, một số quy định mới sẽ đi vào thực tế như cho phép DN linh hoạt trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất hàng năm. Với các DN nhỏ và vừa cũng được tiếp cận quỹ đất cho phát triển sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Luật Đất đai mới có nhiều quy định tiến bộ nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, nhất là việc mở rộng quyền sử dụng đất, tiếp cận đất đai của người dân; tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc đang tồn tại, mở rộng cơ chế thỏa thuận, mở rộng quỹ đất, xây dựng nhà ở xã hội… Những nội dung liên quan đến tài chính đất đai tách bạch rõ ràng và có một số chính sách ổn định với lĩnh vực tiền thuê đất. Một số thủ tục hành chính cũng được tinh giản, rút gọn, tạo thuận lợi cho người dân. Động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội chính là ở những điểm như vậy.