Động lực mới cho thị trường xuất khẩu Bình Thuận khi quan hệ Việt - Trung nâng tầm cao mới
Chuyến thăm Trung Quốc của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã kết thúc thành công tốt đẹp.
2 bên đạt được những nhận thức chung về tiếp tục củng cố, thúc đẩy và phát triển, đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao chiến lược và tầm nhìn dài hạn theo phương châm 16 chữ "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, toàn diện. 2 bên ký kết 13 văn kiện hợp tác trên tất cả các lĩnh vực vì sự phát triển của 2 quốc gia và lợi ích của nhân dân 2 nước, vì hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân Bình Thuận cùng nhân dân cả nước vui mừng đón nhận kết quả tốt đẹp đã tạo nền tảng sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, kinh tế và vạch ra lộ trình cho quan hệ Việt - Trung trong tương lai, mở ra triển vọng về hợp tác trên nhiều cấp độ từ bộ, ngành, địa phương đến các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, thúc đẩy mở cửa thị trường trên nguyên tắc hợp tác, bình đẳng, các bên cùng có lợi.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Thị trường rộng lớn với khoảng 1,4 tỷ dân đã mang lại cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu của chúng ta, đặc biệt là các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản. Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên: “Chỉ riêng kinh tế, thương mại, 2 bên đã ký kết được 3 văn kiện thỏa thuận hợp tác, trong đó đáng lưu ý là Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam”.
Sơ chế thanh long xuất khẩu. Ảnh: K. Hằng
Những năm qua, hàng xuất khẩu sang Trung Quốc mặc dù có lúc xảy ra những trục trặc, nhất là khi nước bạn thực hiện chính sách “Zero Covid” nên phải thực hiện những thủ tục nghiêm ngặt khi nhập khẩu, đã gây ùn tắc, nhưng đây chỉ là trước mắt còn về lâu dài xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Bình Thuận lựa chọn. Bởi thị trường này có những lợi thế về khoảng cách gần hơn, tiêu chuẩn hàng hóa có phần “dễ tính” hơn so với thị trường các nước phát triển, về phương tiện vận chuyển cũng tiện lợi, được thực hiện trên cả 3 phương diện: đường bộ, đường sắt, đường biển, do vậy tiết kiệm được chi phí vận chuyển. Hơn nữa, cùng lúc có thể kết hợp được trao đổi thương mại 2 chiều. Những lợi thế đó sẽ là động lực mới thúc đẩy thị trường Bình Thuận, bởi chúng ta đang có lợi thế xuất khẩu hàng nông sản, trong đó chủ lực nhất là thanh long và hàng hải sản. Hàng chục năm qua các mặt hàng này của Bình Thuận thâm nhập vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn, mang lại không ít lợi ích cho doanh nghiệp và người dân, giải quyết việc làm cho người lao động. Nay trước vận hội mới cần được tận dụng để khai thác thế mạnh của địa phương.
Với ngư trường rộng lớn, Bình Thuận xác định thủy sản là một trong những nhóm hải sản xuất khẩu của tỉnh đạt 171,5 triệu USD, và nhóm hàng nông sản là 19,8 triệu USD, trong số đó phần lớn xuất sang thị trường Trung Quốc. Trong chuyến thăm và làm việc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 2 bên nhất trí kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và không mở rộng tranh chấp. Điều đó ngư dân Bình Thuận sẽ an tâm hơn khi xa khơi bám biển, tăng cường năng lực đánh bắt và sản lượng khai thác. Tuy vậy điều đáng quan tâm là phải tăng cường khâu chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 730 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản, trong số đó chỉ khoảng 25 doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu thủy sản. Như vậy còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của ngư trường Bình Thuận. Tỉnh cần có chính sách khuyến khích đầu tư cho lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản. Các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến cũng cần nắm bắt cơ hội thuận lợi này.
Bình Thuận là thủ phủ sản xuất thanh long của cả nước với diện tích trên 33.000 ha, sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 15% sản lượng, còn 85% tập trung cho xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Nhưng những năm gần đây, trước tình hình Trung Quốc tăng diện tích trồng thanh long đã làm cho các nhà vườn thanh long ở Bình Thuận có phần dè dặt, không dám mở rộng đầu tư. Tuy vậy, theo chị Lê Thị Thanh Hồng, một chủ vựa thanh long ở Hàm Thuận Nam chuyên xuất hàng sang Trung Quốc cho biết, sức cạnh tranh của thanh long nội địa Trung Quốc hạn chế, vì được trồng ở vùng ôn đới, chất lượng không ngon bằng thanh long Việt Nam được trồng ở vùng nhiệt đới. Điều đó cho thấy vẫn còn rộng cửa để thanh long Bình Thuận vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên hiện nay không ít người trồng thanh long đã chặt bỏ, chuyển đổi sang cây trồng khác, bởi thời gian qua Trung Quốc thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 nghiêm ngặt, khiến việc xuất khẩu thanh long sang thị trường này gặp nhiều khó khăn, giá thành giảm mạnh, nông dân thua lỗ. Trước thực trạng đó Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Bình Thuận khuyến cáo nông dân cần bình tĩnh, cân nhắc kỹ việc chặt bỏ thanh long. Lời khuyến cáo đó rất đúng, bởi việc xuất khẩu gặp khó khăn có thể chỉ diễn ra trong thời gian nhất định, khi thị trường ổn định, muốn khôi phục vườn thanh long là rất tốn kém và mất nhiều thời gian, công sức.
Cơ hội mới đã mở, nhưng để tạo sức bật mạnh mẽ hơn, người dân và doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ chính quyền các cấp địa phương. Những năm qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1009 ngày 26/3/2021 về thực hiện “Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh trong 5 năm 2021-2025. Đầu năm 2022, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp - PTNT, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối nông sản trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ bảo quản nông sản chờ thời điểm thuận lợi để xuất khẩu. Đồng thời UBND tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nông sản bằng đường biển nhằm giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ. Chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định của thị trường nhập khẩu (nhất là đối với thanh long). Song điều cần thêm nữa là cần có chính sách hỗ trợ vốn, đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế, để cho “dòng chảy phương Bắc” có thêm nhiều chuyến hàng xuất khẩu của Bình Thuận.