Động lực mới cho vị thế đầu tàu

Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị được xem là bước ngoặt quan trọng, tạo chuyển biến rõ nét cho TP.HCM sau hai năm triển khai. Song, để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, các chuyên gia cho rằng thành phố cần tiếp tục đổi mới tư duy, tháo gỡ các nút thắt bằng các giải pháp cụ thể, tạo động lực mới cho vị thế đầu tàu.

TP. Hồ Chí Minh:

Định vị xung lực để phát triển bứt phá

Cách đây 50 năm, Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã cùng quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nửa thế kỷ qua, mang trên mình niềm tự hào được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực, từng bước khẳng định vị trí “đầu tàu kinh tế của cả nước”.

Và giờ đây, trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, TP. Hồ Chí Minh càng cần có thêm những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, định vị cho mình những xung lực mới để có thêm những bước phát triển bứt phá, để có thể tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa và đô thị thông minh của cả nước, đóng góp then chốt vào sự phát triển của đất nước. Loạt bài sau đây phần nào làm rõ thêm mục tiêu ấy.

Triển khai Quy hoạch để nâng cấp TP.HCM thành một siêu đô thị đúng nghĩa

Tuyến metro đầu tiên và giấc mơ 500 km đường sắt đô thị

“Chuyển đổi kép” - Lời giải cho bài toán tăng trưởng hai con số

Dần cởi trói cho “người khổng lồ”

Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ra đời như “chìa khóa vàng” cho lời giải về những tồn tại và thách thức mà TP.HCM đang đối mặt. Theo quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết 31, việc xây dựng và phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, với phương châm: “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”.

Sau hai năm triển khai, các chuyên gia đồng thuận cho rằng TP.HCM đã và đang có những bước chuyển mình rõ nét trên nhiều phương diện. Theo TS. Ngô Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), thành phố đã có những chủ trương mang tính đột phá về quy hoạch hạ tầng, chiến lược phát triển kinh tế và cải cách cơ chế quản lý.

Một trong những thay đổi quan trọng là định hướng phát triển TP.HCM theo mô hình đô thị gắn kết giao thông công cộng TOD (Transit-Oriented Development). “Hệ thống giao thông đang được quy hoạch đồng bộ với các tuyến đường vành đai, đường cao tốc, sân bay Long Thành, cảng biển Cần Giờ. Điều này tạo ra một mạng lưới hạ tầng kết nối chặt chẽ giữa TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm, mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ. Toàn bộ hạ tầng như được “nói chuyện” với nhau, kết nối và tạo thành động lực rất lớn cho tăng trưởng”, ông Hải phân tích.

Mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8%-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao. TP.HCM là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Những cây cầu kết nối Quận 1 và Quận 4 là những điểm nhấn đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của TP. HCM sau 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: T.L

Những cây cầu kết nối Quận 1 và Quận 4 là những điểm nhấn đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của TP. HCM sau 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: T.L

TP.HCM còn đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính toàn cầu, thúc đẩy tài chính số và ứng dụng công nghệ hiện đại như blockchain, AI, big data vào phát triển kinh tế. Quy hoạch đô thị cũng được định hình với các trung tâm và thành phố vệ tinh, giúp tạo ra một bức tranh tổng thể chặt chẽ thay vì phát triển rời rạc. Theo Phó Hiệu trưởng Đại học UEF, khi các yếu tố này được triển khai đồng bộ, động lực tăng trưởng của TP.HCM sẽ được tăng lên theo cấp số nhân.

Bên cạnh các giải pháp về hạ tầng và tài chính, điểm quan trọng giúp TP.HCM phát triển mạnh mẽ chính là cải cách cơ chế quản lý và ra quyết định. “Hiện nay, các lãnh đạo thành phố không còn tự đưa ra quyết định một cách áp đặt, mà có cơ chế đối thoại với người dân, chuyên gia và doanh nghiệp. Cơ chế thử nghiệm (sandbox) giúp phản biện nhanh và đưa ra quyết sách kịp thời hơn” -TS. Hải đánh giá. Những đổi mới này không chỉ giúp tăng tốc quá trình phê duyệt dự án mà còn tạo môi trường minh bạch, khuyến khích đổi mới sáng tạo và thu hút nhân tài tham gia vào hệ thống quản lý.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính thuộc khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH (Đại học Kinh tế TP.HCM) chỉ ra, các doanh nghiệp đang dần lấy lại đà tăng trưởng, xuất khẩu và du lịch khởi sắc, báo hiệu sự vận động trở lại trên nhiều lĩnh vực. “Một trong những điểm nhấn quan trọng của kinh tế TP.HCM hiện nay là sự phát triển mạnh mẽ của khu vực sản xuất và xuất khẩu. Đây không chỉ là động lực thúc đẩy tăng trưởng hiện tại mà còn được kỳ vọng trở thành trụ cột trong tương lai”, ông Huân nêu.

Song song đó, TP.HCM cũng chú trọng đẩy mạnh chi tiêu công, góp phần cải thiện hạ tầng và tạo ra động lực tăng trưởng mới. Hệ thống metro, các tuyến đường vành đai và kết nối vùng đang được đẩy nhanh tiến độ, hứa hẹn thay đổi lớn về diện mạo.

Theo vị chuyên gia, không chỉ từ Nghị quyết 31, sự phát triển của TP.HCM còn được thúc đẩy bởi nhiều chính sách quan trọng khác như Nghị quyết 98 về tăng cường quyền tự chủ và Nghị quyết 57 về đổi mới, cải cách khoa học – công nghệ. Những nghị quyết này không hoạt động đơn lẻ mà bổ trợ lẫn nhau, tạo nên những thay đổi mang tính hệ thống về thể chế và chính sách.

Chế biến nông sản xuất khẩu, công nghiệp điện tử, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp chế biến gỗ là những lĩnh vực kinh tế nổi bật của TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: T.L

Chế biến nông sản xuất khẩu, công nghiệp điện tử, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp chế biến gỗ là những lĩnh vực kinh tế nổi bật của TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: T.L

“Trước đây, TP.HCM được ví như một “người khổng lồ” nhưng vẫn bị ràng buộc bởi nhiều hạn chế về thể chế. Sự ra đời của các nghị quyết mang tính đột phá đã mở ra cơ hội tháo gỡ những rào cản này, giống như chúng ta đang cởi trói cho người khổng lồ vậy. Tiềm năng bật dậy và vươn lên của TP.HCM rất lớn, chắc chắn sẽ thay đổi rất nhiều trong thời gian tới”, PSG.TS. Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Huân cũng lưu ý, các chính sách chỉ vừa được triển khai trong 1-2 năm nên chưa thể tạo ra sự thay đổi rõ rệt ngay lập tức. “Chúng ta cần ít nhất 5 năm để thấy được những thay đổi đó. Đặc biệt, những lĩnh vực như khoa học – công nghệ hay đổi mới sáng tạo đòi hỏi thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển hóa thành kết quả cụ thể. Vì vậy, việc đánh giá đầy đủ tác động của các chính sách này cần thêm thời gian để có cái nhìn toàn diện hơn”, vị chuyên gia nêu ý kiến.

Nhiều cơ chế còn vướng mắc

Dù đã có những chuyển biến tích cực, quá trình hiện thực hóa Nghị quyết 31 vẫn gặp không ít thách thức. Theo TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, một trong những rào cản lớn nhất là sự thiếu đồng bộ giữa các chủ trương, chính sách và khung pháp lý hiện hành, đòi hỏi những điều chỉnh phù hợp để đảm bảo tính khả thi trong thực tế.

“Nghị quyết 31 đã tạo cơ sở quan trọng để TP.HCM xác định các định hướng chiến lược và nhận được sự đồng thuận từ Trung ương trong việc áp dụng cơ chế mở. Tuy nhiên, việc thực thi hiệu quả Nghị quyết này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về mặt pháp lý. Hiện tại, nhiều cơ chế còn vướng mắc do chưa có sự thay đổi kịp thời trong khung pháp lý”, ông Sơn đánh giá.
Đơn cử, trong công tác giải phóng mặt bằng, TP.HCM đang gặp khó khăn khi giá đền bù vẫn áp dụng theo bảng giá Nhà nước, thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Điều này khiến người dân không đồng thuận, làm chậm tiến độ các dự án trọng điểm.

“Nếu có cơ chế đền bù theo giá thị trường, quá trình giải tỏa sẽ diễn ra nhanh hơn, đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng như tuyến metro số 1. Dù phải chi trả cao hơn ban đầu, song việc hoàn thành sớm các dự án này sẽ mang lại nguồn thu lớn hơn cho thành phố. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, cần có sự điều chỉnh từ Trung ương đối với các quy định pháp luật hiện hành”, vị chuyên gia phân tích.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, TP. Thủ Đức chính là cửa ngõ phía Đông của TP.HCM kết nối với 3 tỉnh có nguồn ngân sách và nguồn lực rất mạnh là Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu liên kết tốt với 3 tỉnh này sẽ tạo nên nguồn lực rất mạnh, mang lại lợi thế lớn không chỉ cho TP.HCM mà còn cho cả khu vực Đông Nam Bộ.

Song, trên thực tế, TP. Thủ Đức dù đã được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba quận nhưng chưa có sự bứt phá rõ rệt. Hiện tại, cơ chế trao quyền cho địa phương này vẫn còn hạn chế, Chủ tịch TP. Thủ Đức vẫn chỉ có quyền tương đương với người đứng đầu quận, huyện khác. “Để phát huy hết tiềm năng, cần có cơ chế đặc thù trao quyền nhiều hơn cho TP. Thủ Đức, giúp địa phương này đóng vai trò thực sự như một thành phố trong lòng TP.HCM”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cùng với đó, TS. Ngô Minh Hải đánh giá, cơ chế phê duyệt hiện nay còn chậm, quy trình phê quyệt còn kéo dài, yêu cầu sự đồng thuận của nhiều bên, làm trì hoãn tiến độ, dẫn đến đội chi phí lên rất nhiều. “TP.HCM cần cơ chế linh hoạt hơn, trao quyền quyết định nhanh chóng cho các nhóm phụ trách dự án, tránh tình trạng “tắc từng chút”, TS. Ngô Minh Hải chỉ ra.

Bên cạnh đó, yếu tố con người cũng là một điểm nghẽn. Mặc dù TP.HCM có tiềm năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng vẫn chưa có cơ chế thực sự hiệu quả để thu hút và giữ chân nhân tài. “Những người giỏi cần một môi trường phù hợp để phát huy năng lực, cần có cơ chế thử nghiệm và sai, tránh tâm lý e ngại trách nhiệm khi đưa ra quyết sách” ông Hải nhận định.

Thêm vào đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nếu không có chiến lược phát triển doanh nghiệp nội địa hợp lý, TP.HCM có thể đối mặt với nguy cơ phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài. “Chúng ta phải xem xét doanh nghiệp của mình đứng ở đâu trong hệ sinh thái, chuỗi giá trị toàn cầu. Cần nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước, tạo cơ chế công bằng giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại. Không thể để doanh nghiệp nước ngoài tận dụng nguồn lực Việt Nam nhưng lại chuyển phần lớn lợi nhuận ra nước ngoài”, Phó Hiệu trưởng Đại học UEF nêu.

Ba trụ cột quan trọng mà TP.HCM cần tập trung trong thời gian tới: cải thiện cơ chế quản lý, thu hút nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.

Ba trụ cột quan trọng mà TP.HCM cần tập trung trong thời gian tới: cải thiện cơ chế quản lý, thu hút nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.

Động lực cho TP.HCM “cất cánh”

Để vượt qua thách thức và tận dụng tối đa cơ hội từ Nghị quyết 31, TS. Ngô Minh Hải nhấn mạnh ba trụ cột quan trọng mà TP.HCM cần tập trung trong thời gian tới: cải thiện cơ chế quản lý, thu hút nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.

Thứ nhất, về quản lý, TP.HCM cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, trao quyền quyết định nhanh hơn cho các cơ quan chức năng, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công và phát triển hạ tầng. Cơ chế đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, người dân và giới chuyên gia cũng cần được duy trì, giúp chính sách được phản biện và điều chỉnh linh hoạt hơn.

Thứ hai, TP.HCM cần có chính sách thu hút nhân tài bài bản hơn, không chỉ giới hạn trong nước mà còn mở rộng ra cộng đồng chuyên gia quốc tế. “Những người giỏi có thể là Việt kiều, chuyên gia từ các trung tâm nghiên cứu quốc tế hoặc các doanh nghiệp thành công. TP.HCM cần tạo môi trường hấp dẫn để họ đóng góp trí tuệ vào các dự án trọng điểm”, TS. Ngô Minh Hải nhấn mạnh.

Thứ ba, TP.HCM cần tận dụng sức mạnh của công nghệ để rút ngắn khoảng cách với các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới. Việc tích hợp AI, dữ liệu lớn, fintech... không chỉ giúp tăng hiệu quả quản lý mà còn tạo ra những động lực tăng trưởng mới. “Nhiều nước đã đi trước chúng ta hàng chục năm, nếu muốn đuổi kịp, TP.HCM phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ theo hướng “đi tắt đón đầu”, vị chuyên gia khuyến nghị.

Cùng với đó, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân cũng lưu ý, một yếu tố quan trọng có thể tác động đến định hướng phát triển của TP.HCM trong thời gian tới là khả năng sáp nhập với một số tỉnh thành lân cận. Nếu điều này diễn ra, địa giới hành chính của thành phố sẽ được mở rộng, kéo theo sự thay đổi trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

“Trong bối cảnh đó, việc vận dụng Nghị quyết 31 và các cơ chế đặc thù khác cần có sự điều chỉnh phù hợp. TP.HCM sẽ cần xác định lại những khu vực trực thuộc, từ đó hoạch định chính sách phát triển đồng bộ, đảm bảo tận dụng hiệu quả các lợi thế mới, tìm ra động lực tăng trưởng”, ông Huân nêu.

Có thể thấy, với sự quan tâm đặc biệt từ Trung ương và những chính sách mang tính đột phá như Nghị quyết 31, TP.HCM đang đứng trước cơ hội để lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ. “Với định hướng đúng đắn và sự vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ, kỳ vọng rằng trong vòng 5 năm tới, diện mạo TP.HCM sẽ có sự thay đổi vượt bậc. Không chỉ giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, lan tỏa tác động đến cả vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, thành phố còn có tiềm năng vươn mình trở thành trung tâm tài chính - kinh tế của khu vực và quốc tế”, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân kỳ vọng.

Công Quang – Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-luc-moi-cho-vi-the-dau-tau-10287473.html