Vùng đất lửa trở thành đầu tàu kinh tế

Những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Đông Nam Bộ (ĐNB) là căn cứ cách mạng nổi danh với truyền thống 'miền Đông gian lao mà anh dũng'. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, ĐNB là chiến trường lớn. Sau ngày 30-4-1975, vùng đất từng trải qua những năm dài chiến tranh vô cùng ác liệt, hy sinh gian khổ không kể xiết đã dồn sức hàn gắn vết thương chiến tranh, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Khu Cảng Đồng Nai nhìn từ trên cao. Ảnh: B.Nguyên

Khu Cảng Đồng Nai nhìn từ trên cao. Ảnh: B.Nguyên

Sau nhiều đổi thay, từ năm 1997 đến nay, vùng ĐNB có một thành phố trực thuộc Trung ương - Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. ĐNB đã vươn mình trở thành khu vực kinh tế phát triển nhất Việt Nam, đóng góp hơn 30% GDP của cả nước, có tỷ lệ đô thị hóa 62,8%.

Chiến trường lớn với những chiến công oanh liệt

ĐNB là địa bàn chiến lược, nối liền với khu vực Nam Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và nối thông với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy, trong kháng chiến, vùng đất này có vai trò rất quan trọng góp phần vào thắng lợi lịch sử của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân miền Đông đã tiến hành những trận đánh oai hùng như: Trung Hưng - Ràng, Đất Cuốc, Đồng Xoài, La Ngà - Định Quán..., cùng nhân dân cả nước “chia lửa” với Điện Biên, giành thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ĐNB là chiến trường lớn với những trận đánh oanh liệt, lập những chiến công chói lọi với nhiều chiến dịch lịch sử: Bắc Tây Ninh đánh bại cuộc hành quân mang tên Junction City của đế quốc Mỹ; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đánh vào các sào huyệt của Mỹ - ngụy ở miền Nam; Chiến dịch Xuân Lộc - Long Khánh mở “cánh cửa thép” tiến vào Sài Gòn... Đặc biệt, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mảnh đất miền Đông và cả miền Nam đã hoàn thành chặng đường dài “đi trước về sau” đầy hy sinh gian khổ và chiến thắng vẻ vang, góp phần vào sự nghiệp thống nhất đất nước.

Sau chiến tranh, vùng đất lửa miền Đông bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế. Vùng đất năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm này tiếp tục dấn thân để “xé rào” sửa đổi các chính sách lỗi thời, “bung ra” các giải pháp táo bạo chưa có tiền lệ để phát triển kinh tế - xã hội. ĐNB khai thác tốt các lợi thế về vị trí địa lý, thu hút được lực lượng lao động dồi dào, trình độ cao, nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ...

ĐNB vươn mình trở thành vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, có trung tâm du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, logistics... lớn nhất cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng luôn cao hơn 1,3-1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.

Vùng còn có hệ thống đô thị, các khu công nghiệp phát triển mạnh, trở thành trung tâm kết nối các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, cũng như mở rộng các quan hệ kinh tế liên vùng và quốc tế. ĐNB hội tụ phần lớn các điều kiện và lợi thế nổi trội để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đặc biệt, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp dầu khí và sản phẩm hóa dầu. ĐNB giải quyết sinh kế cho hàng triệu lao động của cả nước. Đồng thời, hình thành các trung tâm cung ứng, chế biến, chuỗi logistics, xuất khẩu…

Năm 2024, ĐNB tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế với tổng thu ngân sách đạt hơn 733 ngàn tỷ đồng, chiếm 42,2% tổng thu quốc gia, vượt dự toán 3,6%. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch cả nước, tăng 11% so với năm trước. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực đạt trên 7.500 USD/năm, cao hơn gấp đôi mức trung bình cả nước.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2024, định hướng xây dựng ĐNB trở thành vùng văn minh, hiện đại, phát triển năng động; là trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Đồng Nai tận dụng sân bay để “cất cánh”

Năm 2025, nhiều địa phương trong vùng ĐNB đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP ở mức 2 con số, trong đó có tỉnh Đồng Nai.

Phó giám đốc Sở Tài chính Trần Vũ Hoài Hạ cho biết, Đồng Nai tiếp tục duy trì vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu về phát triển công nghiệp với 37 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, tổng diện tích đất hơn 13,1 ngàn hécta. Trong số đó, có 31 KCN đang hoạt động, 1 KCN đang trong giai đoạn thu hồi đất và đầu tư xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư, 5 KCN mới thành lập đang trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và chuẩn bị đầu tư xây dựng.

Năm 2024, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của tỉnh đạt hơn 260,2 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này cao hơn so với mặt bằng chung của nhiều tỉnh, thành trong khu vực ĐNB. Đồng Nai hiện có quy mô kinh tế lớn thứ 4 trong cả nước và là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời cũng nằm trong nhóm 5 địa phương có số thu ngân sách lớn nhất cả nước.

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Trần Sỹ Chương nhận xét, Đồng Nai đang đứng giữa trung tâm ĐNB với cơ hội phát triển tốt nhất, nhanh nhất cả nước. Trọng tâm phát triển với Đồng Nai là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, đô thị Sân bay quốc tế Long Thành, logistics chất lượng cao... Những mục tiêu phát triển trên phải kết nối với cả vùng ĐNB, tận dụng lợi thế đô thị sân bay để trở thành trung tâm kinh tế của cả vùng, cả nước. Nghĩa là, Đồng Nai có sân bay nên nghĩ đến việc phục vụ cho những tỉnh, thành lân cận với mục tiêu cùng có lợi và cùng phát triển. Ở đây không chỉ là giá trị của dự án sân bay, mà hàng trăm, hàng ngàn hécta xung quanh sân bay cần được khai thác để đem đến những giá trị không chỉ cho Đồng Nai, mà cho những tỉnh, thành lân cận và kinh tế cả nước.

Cùng quan điểm, tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, cho rằng các địa phương trong vùng ĐNB cần thay đổi quan điểm thu hút FDI là phải “vùng hóa” thay cho tư duy “địa phương hóa” trước đây. Trong đó, tăng trưởng của Đồng Nai nên nhìn trong tương quan tiểu vùng tứ giác kinh tế với Thành phố Hồ Chí Minh, với Bà Rịa - Vũng Tàu... Đồng Nai phải tận dụng tốt mối liên hệ này để phát triển, trở thành đầu tàu kinh tế cả nước. Tư duy mới khi làm đô thị Sân bay quốc tế Long Thành là xây dựng một tiểu vùng đô thị lấy sân bay làm trung tâm kết nối với những khu chức năng đô thị bao gồm: đô thị khu công nghiệp, khu đô thị sáng tạo, khu giáo dục, y tế... kết nối với nhiều tỉnh, thành của ĐNB. Sân bay quốc tế Long Thành hướng đến mục tiêu phục vụ 100 triệu khách/năm và phải phục vụ cho cả vùng đô thị ĐNB có tiềm lực kinh tế lớn nhất nước, đặc biệt là thị trường lớn Thành phố Hồ Chí Minh.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202504/vung-dat-lua-tro-thanh-dau-tau-kinh-te-fc11701/