Động lực mới, cơ chế mới để tỉnh Đồng Nai phát triển nhanh hơn, bền vững hơn Kỳ vọng vào sự phát triển đột phá của tỉnh Đồng Nai mới

Ngày 1-7-2025 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng khi 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai chính thức sáp nhập thành tỉnh Đồng Nai mới. Việc này không chỉ đơn thuần thay đổi địa giới hành chính, mà còn mở ra không gian phát triển mới, thu hút đầu tư, tối ưu hóa bộ máy hành chính và tăng cường kết nối vùng; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả địa phương và khu vực.

Toàn cảnh cầu An Hảo hướng từ Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nhìn sang cù lao Phố, thuộc phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai mới. Ảnh: M.Thành

Toàn cảnh cầu An Hảo hướng từ Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nhìn sang cù lao Phố, thuộc phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai mới. Ảnh: M.Thành

Nhân sự kiện trọng đại này, Báo Đồng Nai đã ghi nhận ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đa phần đều đồng tình với chủ trương sáp nhập của Trung ương và bày tỏ kỳ vọng tỉnh Đồng Nai mới sẽ có sự phát triển đột phá trên các lĩnh vực, để tiếp tục giữ vị thế là một trong những tỉnh, thành phát triển trọng điểm của phía Nam.

Đại tá BÙI ĐĂNG NINH, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Quân sự, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai:

Xây dựng và giữ vững thế trận quốc phòng - an ninh

Từ ngày 1-7-2025, tỉnh Đồng Nai mới sẽ bao gồm tỉnh Đồng Nai (cũ) và tỉnh Bình Phước (cũ) với tổng cộng 95 đơn vị hành chính cấp xã. Riêng nhiệm vụ quân sự quốc phòng, lực lượng vũ trang đã hoàn thành các công việc, sẵn sàng đi vào hoạt động cùng cả hệ thống chính trị khi công bố sáp nhập tỉnh.

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng, mấu chốt nhất để cán bộ, quân nhân dù tiếp tục công tác hoặc đư giải quyết theo các chế độ chính sách đều vui vẻ với tâm thế sẵn sàng nhận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xác định, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tiếp tục bám sát chỉ đạo của cấp trên; bắt tay ngay vào công việc một cách liền mạch, không ngắt quãng; tham mưu hiệu quả cho tỉnh và Quân khu 7 nhiệm vụ quân sự quốc phòng; xây dựng và giữ vững thế trận quốc phòng - an ninh, nhất là các địa bàn vùng biên giới (trên 258km đường biên), vùng sâu, vùng xa; xây dựng, củng cố vững chắc khu vực phòng thủ; chủ động, kịp thời trong mọi tình huống; quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng với sự tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân.

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng:

Nhân dân đồng thuận thì mọi việc sẽ thành công

Việc tỉnh Bình Phước sáp nhập với tỉnh Đồng Nai thành tỉnh Đồng Nai mới là một chủ trương hết sức đúng đắn, bởi để thực hiện một cuộc cách mạng mới đòi hỏi phải mở rộng không gian: không gian về chính trị, về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và cả lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Vì chỉ có một tổ chức hành chính lớn thì chúng ta mới đủ dư địa để phát triển.

Để cuộc cách mạng đổi mới này thành công, cần quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vấn đề này hết sức quan trọng, bởi nhân dân đồng thuận thì mọi việc sẽ thành công. Bên cạnh đó, phải giải quyết tốt công tác cán bộ. Đây là “trụ cột của trụ cột” trong công cuộc cách mạng của ta. Đội ngũ cán bộ này phải có đầy đủ bản lĩnh, đạo đức, năng lực trí tuệ, đặc biệt chúng ta đang bước vào kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cán bộ phải thấy rằng, mình phải trở thành một công dân tốt, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ mới để góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Lệ Quyên (ghi)

Ông NGUYỄN DUY KHƯƠNG, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai:

Mở rộng thị trường, tăng cường kết nối sản xuất, lưu thông, tiêu dùng

Việc sáp nhập 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai không chỉ đơn thuần là sự điều chỉnh về địa giới hành chính, lãnh thổ, mà là một quyết sách mang tầm chiến lược cả về kinh tế lẫn chính trị. Trên phương diện phát triển vùng, đây là kế hoạch phù hợp với định hướng của Chính phủ về tái cơ cấu không gian phát triển quốc gia, hướng tới hình thành các cực tăng trưởng mới có khả năng điều phối và liên kết vùng hiệu quả.

Việc sáp nhập sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực quản trị, khắc phục tình trạng chia cắt nguồn lực giữa các đơn vị hành chính lân cận, từ đó tăng tính thống nhất trong điều hành và tổ chức phát triển.

Việc sáp nhập 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước để thành tỉnh Đồng Nai mới nếu được quy hoạch hợp lý sẽ mở rộng thị trường, tăng cường kết nối sản xuất, lưu thông, tiêu dùng. Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai nhìn thấy rõ cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khi không gian thị trường, đầu tư và thể chế được hợp nhất.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa những cơ hội này, việc sáp nhập phải đi kèm với cải cách thể chế đồng bộ. Trong đó, cần điều chỉnh quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối, cải tiến thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư ổn định và đặc biệt là áp dụng cơ chế đặc thù để thí điểm các mô hình phát triển mới. Trong bối cảnh kinh tế tư nhân đang được coi trọng, các doanh nghiệp sẽ là lực lượng nòng cốt trong thực hiện liên kết vùng sau sáp nhập dưới một hành lang pháp lý minh bạch, ổn định và thúc đẩy đối thoại công - tư…

Kiến trúc sư LÊ BÍCH LONG, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai:

Kiến trúc đóng vai trò tiên phong, kiến tạo các không gian đô thị

Tỉnh Đồng Nai mới hình thành không chỉ là sự kiện chính trị, hành chính quan trọng, mà còn mở ra cơ hội hình thành một vùng kinh tế động lực mới tại cửa ngõ Đông Nam Bộ với nhiều kỳ vọng sẽ có sự thay đổi tích cực về kiến trúc, hướng tới sự hài hòa, hiện đại và bản sắc hơn, đồng thời vẫn giữ gìn được những giá trị văn hóa, lịch sử.

Trên cơ sở quy hoạch bài bản, khoa học, thống nhất, cần xác định cụ thể các dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư để thúc đẩy cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo như: Khu trung tâm Chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai mới đang triển khai (chuyển đổi từ Khu công nghiệp Biên Hòa 1), khu thương mại tự do, khu thương mại cửa khẩu, trung tâm công nghệ thông tin tập trung, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, các khu đô thị mới...

Các công trình trên sẽ là những điểm nhấn đô thị, đặc trưng của kiến trúc Đồng Nai trong tương lai. Do vậy, để có được một Đồng Nai mới với diện mạo mới thì kiến trúc đóng vai trò tiên phong, kiến tạo các không gian đô thị phong phú: phát triển theo hướng kiến trúc hiện đại, kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu tái tạo kết hợp những nét đặc trưng văn hóa, lịch sử, bản sắc của địa phương.

Sự thay đổi về kiến trúc, quy hoạch đô thị trong tương lai sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân Đồng Nai, tạo ra một môi trường sống, làm việc, vui chơi giải trí, sinh hoạt an toàn, tiện nghi và văn minh hơn.

Để đạt được những kỳ vọng trên, Đồng Nai cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, các nhà quản lý, nhà quy hoạch, các đơn vị tư vấn kiến trúc và cộng đồng người dân khu vực. Để có được tác phẩm kiến trúc đẹp cần tiếp tục duy trì việc thi tuyển phương án kiến trúc công trình đối với các vị trí quan trọng. Mặc khác, việc quản lý, giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng, cũng như nâng cao ý thức của cộng đồng về kiến trúc, quy hoạch là rất quan trọng.

PGS- TS NGUYỄN QUỐC DŨNG, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II (Thành phố Hồ Chí Minh):

Tạo không gian mới để phát triển

Việc tỉnh Bình Phước sáp nhập với tỉnh Đồng Nai thành tỉnh Đồng Nai mới là điều hợp lý và đó không phải là gánh nặng của nhau, mà nhờ có Bình Phước, Đồng Nai có một không gian mới để phát triển. 2 địa phương sẽ tổng hợp được nguồn lực cho sự phát triển mới và tôi tin chắc rằng, Đồng Nai mới sẽ có điều kiện để “cất cánh” vươn lên”.

Thạc sĩ LẠI THỊ NGỌC DUYÊN, giảng viên Khoa Tiểu học - mầm non, Trường đại học Đồng Nai:

Mở ra nhiều cơ hội phát triển mang tính chiến lược cho khu vực

Với góc nhìn của một người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu, tôi cho rằng, chủ trương sáp nhập Bình Phước và Đồng Nai thành tỉnh Đồng Nai mới sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mang tính chiến lược cho khu vực. Đồng Nai hiện có nền công nghiệp phát triển mạnh, hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối trực tiếp với Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống cảng biển và đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được xây dựng. Đây là lợi thế lớn về logistics và thu hút đầu tư.

Trong khi đó, tỉnh Bình Phước lại sở hữu quỹ đất lớn, tài nguyên rừng và khoáng sản phong phú - một điều kiện thuận lợi để phát triển nông - lâm nghiệp và mở rộng các khu công nghiệp mới trong dài hạn. Khi 2 tỉnh được sáp nhập, sẽ hình thành một vùng kinh tế tổng hợp có đủ cả nền tảng công nghiệp - dịch vụ lẫn tiềm năng tài nguyên và không gian phát triển.

Về mặt quy hoạch, đây có thể trở thành một cực tăng trưởng mới, bổ sung cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, từ đó thúc đẩy phát triển cân bằng hơn trong toàn vùng. Tuy nhiên, quá trình sáp nhập cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, quản lý và đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân 2 địa phương.

Ông BÙI ĐÌNH NINH, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Miền Đông (đóng tại phường Bình Phước):

Cơ hội phát triển lớn

Trường cao đẳng Miền Đông đã xác định đây là cơ hội rất thuận lợi cho trường phát triển. Chúng tôi sẽ tiếp cận các thị trường lao động lớn hơn, các doanh nghiệp nhiều hơn, địa bàn tỉnh rộng lớn hơn. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi và nhà trường đang xây dựng kế hoạch chi tiết để đón sự thuận lợi này, đồng thời sẽ triển khai thực hiện trong những ngày tới.

Cựu chiến binh BÙI VĂN HÒA (ngụ xã Lộc Tấn):

Mong có thêm nhiều chương trình an sinh xã hội ở khu vực biên giới

Tôi là cán bộ biên phòng hàng chục năm công tác tại khu vực biên giới của tỉnh Bình Phước (cũ). Chúng tôi cùng ăn, cùng ở với nhân dân, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Tỉnh Đồng Nai mới diện tích rộng hơn, tạo ra một không gian phát triển mới, lớn hơn, thuận lợi hơn cho thu hút đầu tư, mở rộng quy hoạch thay vì manh mún, bị giới hạn bởi ranh giới nhỏ như trước.

Tôi rất mong chờ thời gian tới, người dân ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa sẽ được quan tâm, đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các chính sách để phát triển kinh tế ở khu vực này. Từ đó nâng cao thu nhập của các hộ dân, rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.

Người dân chúng tôi cũng kỳ vọng sau sáp nhập, với nguồn lực lớn từ ngân sách và sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm, sẽ tạo điều kiện thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội ở khu vực biên giới, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần thúc đẩy khu vực biên giới phát triển giàu đẹp, là những cột mốc vững chãi nơi biên cương Tổ quốc.

Già làng ĐIỂU PLÔ (dân tộc S’tiêng, ngụ xã Tân Tiến):

Tiếp tục quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số

Tôi mừng vì tỉnh mới chắc chắn sẽ mạnh hơn, có thêm điều kiện đầu tư cho vùng sâu, vùng xa. Nhưng mong mỏi lớn nhất của tôi lại đến từ những điều rất đời thường. Đó là làm sao người dân không còn thiếu nước vào mùa khô, làm sao con cháu đi học không phải lội bùn mùa mưa, làm sao có đường đi thông suốt cho nông sản bán được giá.

Tôi mong tỉnh mới tiếp tục quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số ở những thôn, ấp xa xôi ít người biết đến. Tôi cũng mong các chính sách phát triển phải đến đúng người, đúng chỗ. Có như vậy, bà con mới thực sự cảm nhận được lợi ích từ sự thay đổi lớn này.

Bà ĐỖ THỊ LINH (ngụ phường Biên Hòa):

Nâng cao hiệu quả và quản lý nhà nước tinh gọn

Tỉnh Bình Phước sáp nhập với tỉnh Đồng Nai thành tỉnh Đồng Nai mới sẽ tạo ra một đơn vị hành chính có quy mô, tầm vóc lớn hơn, hài hòa giữa công nghiệp - nông nghiệp, giữa phát triển hiện tại và dư địa tương lai. Bởi, Đồng Nai (cũ) là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa nhanh và hệ thống hạ tầng kết nối vùng mạnh mẽ, đặc biệt là với dự án trọng điểm quốc gia là Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong khi đó, Bình Phước (cũ) sở hữu quỹ đất rộng lớn, tài nguyên phong phú, giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ.

Tôi tin tưởng khi bộ máy hành chính được tinh gọn sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm chồng chéo chức năng, đồng thời tối ưu hóa việc hoạch định chính sách và điều phối nguồn lực vùng. Một chính quyền hợp nhất sẽ dễ dàng đưa ra các quyết sách đồng bộ về quy hoạch, đầu tư hạ tầng, quản lý đất đai, môi trường…

Mong rằng, sau hợp nhất, các thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa, nhất là việc cấp đổi giấy tờ tùy thân, giấy tờ nhà đất, kinh doanh…, nhằm giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Nếu thực hiện đồng bộ, minh bạch và lấy người dân làm trung tâm thì việc sáp nhập không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh Đồng Nai mới.

Bà NGUYỄN THỊ HOÀNG HÀ (ngụ xã An Phước):

Cán bộ cần gắn bó, gần gũi với người dân

Người dân chúng tôi rất kỳ vọng vào một bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phục vụ sát nhu cầu thực tế. Do phần lớn lãnh đạo xã mới được điều động từ cấp huyện, tỉnh về nên tôi mong các đồng chí dành nhiều thời gian gắn bó, gần gũi hơn với người dân, thậm chí công khai số điện thoại để dân dễ tiếp cận. Bởi lẽ, khi các kiến nghị, nguyện vọng được lắng nghe và giải quyết kịp thời, người dân sẽ yên tâm, tin tưởng vào lãnh đạo và sự đổi mới.

Là bí thư kiêm trưởng ban công tác Mặt trận ấp nhiều năm, tôi cho rằng việc gom các hội, đoàn thể về một đầu mối là Ủy ban MTTQ là cần thiết và hợp lý. Như vậy sẽ tránh tình trạng mạnh ai nấy làm. Ví dụ, trong hoạt động vận động từ thiện, một đầu mối đại diện sẽ thuận lợi hơn cho các nhà hảo tâm, đồng thời phân bổ nguồn lực đúng đối tượng, tránh trùng lặp hoặc bỏ sót, qua đó củng cố lòng tin của người dân.

Tôi kỳ vọng tỉnh Đồng Nai mới sẽ có thêm không gian phát triển, mang đến cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Xã Bình Tân được hợp nhất từ 3 xã: Long Bình, Long Hưng và Bình Tân của huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước cũ) đã sẵn sàng đi vào hoạt động.Ảnh: Văn Đoàn

Xã Bình Tân được hợp nhất từ 3 xã: Long Bình, Long Hưng và Bình Tân của huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước cũ) đã sẵn sàng đi vào hoạt động.Ảnh: Văn Đoàn

Nhóm PV (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202507/dong-luc-moi-co-che-moi-de-tinh-dong-nai-phat-trien-nhanh-hon-ben-vung-hon-ky-vong-vao-su-phat-trien-dot-pha-cua-tinh-dong-nai-moi-6d200dc/