Động lực mới thúc đẩy hợp tác xã phát triển
UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt Đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Đây được coi là 'cú hích' quan trọng, gỡ khó cho các hợp tác xã trên địa bàn thành phố; đồng thời tạo động lực mới cho khu vực kinh tế tập thể phát triển mạnh mẽ, bền vững, xứng tầm.
Vẫn còn nhiều bất cập
Thành phố Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác, với 2.395 hợp tác xã; trong đó có 1.401 hợp tác xã nông nghiệp, 895 hợp tác xã phi nông nghiệp, 98 quỹ tín dụng nhân dân. Trong thời gian vừa qua, nhiều hợp tác xã đã được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động. Không ít hợp tác xã đã tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP... gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm…, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, đóng góp vào Tổng sản phẩm nội địa (GDP) còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch đánh giá, phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng hợp tác xã tuy tăng, song số lượng thành viên có xu hướng giảm... Nhiều hợp tác xã hoạt động mang tính phục vụ, chưa mạnh dạn trong triển khai các dịch vụ cung cấp cho thành viên; phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ của hợp tác xã chậm đổi mới, chủ yếu vẫn là kinh doanh dịch vụ truyền thống, mang tính tự sản, tự tiêu, tính cạnh tranh không cao.
Phó Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất trà Anh Thị Đặng Văn Được tại xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) nhận định, việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, nên hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ của hợp tác xã còn thấp.
Bên cạnh đó, sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu. Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Dương Thị Thanh Hải cho biết, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội… thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, nhất là ở các địa phương.
Hỗ trợ cụ thể, tạo đà bứt phá
Trước thực trạng nêu trên, ngày 5-9, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4381/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu của đề án đến năm 2025 là: 100% hợp tác xã trên địa bàn thành phố hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; 70% hợp tác xã hoạt động hiệu quả; thành lập mới 300 hợp tác xã, 10 liên hiệp hợp tác xã… Đề án tập trung hỗ trợ vào 12 nội dung: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã; nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế hợp tác; thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã; hỗ trợ hợp tác xã, quỹ tín dụng chuyển đổi số; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền, hỗ trợ về kinh tế tập thể; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp cận nguồn vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh; đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể và Liên minh Hợp tác xã thành phố.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh thương mại tổng hợp Dương Liễu (huyện Hoài Đức) Nguyễn Phi Đức cho rằng, hạn chế lớn nhất của hợp tác xã là mở rộng dịch vụ, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đề án này sẽ từng bước giúp các đơn vị khắc phục được điểm yếu để phát triển bền vững hơn. Còn Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh bày tỏ, việc Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí đi lại, tổ chức và mua tài liệu; 90% chi phí ăn, ở đối với các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 80% đối với các tổ chức kinh tế tập thể ở lĩnh vực khác của các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ cho thành viên, cán bộ hợp tác xã là sự ưu ái rất lớn, giúp khu vực kinh tế tập thể phát triển tốt hơn.
Đặc biệt, chính sách lương, chế độ đãi ngộ để thu hút nhân tài về hoạt động cho khu vực kinh tế tập thể cũng được quan tâm. Giám đốc Trung tâm Đào tạo, hỗ trợ và phát triển hợp tác xã doanh nghiệp vừa và nhỏ (Liên minh Hợp tác xã Hà Nội) Nguyễn Quang Hải thông tin, đối với lao động trở về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể, ngân sách hỗ trợ hằng tháng ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, tối đa 3 năm/người và tối đa 2 người/tổ chức kinh tế tập thể/năm. Với mức hỗ trợ như vậy, Hà Nội từng bước thu hút được lao động trẻ về làm việc, thành lập các hợp tác xã kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, việc chuyển đổi số đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là chìa khóa để các hợp tác xã phát triển theo cả chiều sâu và chiều rộng. Đề án đã chỉ rõ các phần việc như xây dựng tài liệu, cẩm nang, công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân; hỗ trợ kết nối với các đơn vị cung ứng giải pháp công nghệ số vào nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, cải tiến đổi mới mô hình kinh doanh trên nền tảng số… Đây là cơ sở quan trọng để địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ hợp tác xã bài bản hơn trong thời gian tới.
Các chính sách hỗ trợ cụ thể của đề án sẽ tạo đà cho khu vực kinh tế tập thể bứt phá và phát triển bền vững.
Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền:
Các chương trình hỗ trợ sát với thực tiễn
Thực tiễn phát triển kinh tế nông thôn ở Ứng Hòa ngày càng khẳng định, kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn là mô hình hoạt động hiệu quả. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, huyện Ứng Hòa đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã; đồng thời, tạo điều kiện và khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, đẩy mạnh tổ chức liên kết với các doanh nghiệp xây dựng thành chuỗi giá trị, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp. Đề án đã đặt ra 12 hạng mục hỗ trợ hợp tác xã: Chuyển đổi số, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; chính sách về đào tạo nhân lực…
Hy vọng rằng, với từng mục hỗ trợ, sở, ngành và các đơn vị được giao sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với huyện để xây dựng các chương trình hỗ trợ cụ thể, sát với thực tiễn của mỗi địa phương. Đối với huyện Ứng Hòa, việc hỗ trợ củng cố, sáp nhập hợp tác xã nông nghiệp yếu kém, hình thành các hợp tác xã chuyên ngành hoạt động hiệu quả là việc làm cấp thiết hiện nay.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Nguyễn Tiến Phong:
Chính sách trúng, đúng, kịp thời
Tôi cho rằng, việc ban hành Đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Trung ương và thành phố về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế tập thể là thành phần nòng cốt thực hiện công tác tái cơ cấu ngành. Các mô hình hợp tác xã, liên minh hợp tác xã đã góp phần hình thành các khu sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn và các chuỗi liên kết sản xuất….
Tuy nhiên, để đề án đi vào cuộc sống, các hợp tác xã, tổ hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn được hưởng thụ các chính sách trúng, đúng, kịp thời này ở mức tối đa, các sở, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực cụ thể hơn. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân cũng cần tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh chuyển đổi số, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng dịch vụ… đưa kinh tế tập thể phát triển lên một tầm cao mới.
Ông Bùi Văn Lập, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Bài (huyện Ba Vì):
Mong sớm được tiếp cận với những hỗ trợ
Là một trong hơn 100 thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Bài, gia đình tôi có 300 gốc bưởi Diễn trồng theo quy trình VietGAP. Mỗi năm, vườn bưởi cho thu hoạch khoảng 3 vạn quả. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với gia đình tôi và các hộ thành viên khác trong hợp tác xã chính là đầu ra cho sản phẩm. Vào vụ thu hoạch bưởi, số lượng tiêu thụ theo chuỗi chỉ chiếm khoảng 20% sản lượng; số còn lại các hộ vẫn phải tiêu thụ qua nhiều kênh bán lẻ và thương lái, nên giá cả bấp bênh và thấp.
Thành phố đã phê duyệt Đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030, với nhiều hỗ trợ cụ thể. Trong đó, tôi rất quan tâm và mong sớm được tiếp cận với những hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong đề án, như: Hỗ trợ tổ chức hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo…; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ các điểm bán và giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ các sàn thương mại điện tử…
Thanh - Mai ghi
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dong-luc-moi-thuc-day-hop-tac-xa-phat-trien-640717.html