Động lực mới từ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Trong những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và yếu là nguyên nhân chính dẫn tới thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Kạn chưa đạt yêu cầu. Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ qua, tỉnh xác định gỡ 'nút thắt' về giao thông tạo động lực cho phát triển là mục tiêu quan trọng và dành phần lớn nguồn lực đầu tư mở mới, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường.

Một đoạn tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) đang được thi công.

Một đoạn tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) đang được thi công.

Những dự án đã thi công, được quy hoạch bài bản, dài hơi, kết cấu giao thông trên địa bàn ngày càng cải thiện, tạo thêm những động lực mới, mang lại hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế-xã hội của Bắc Kạn.

Những tín hiệu tích cực

Tuyến đường cao tốc từ Thái Nguyên tới Chợ Mới (Bắc Kạn) đã mở ra vận hội mới cho các xã vốn là vùng sâu, vùng xa, cách trở của huyện Chợ Mới. Không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông từ Thái Nguyên tới Bắc Kạn chỉ còn khoảng một giờ, tuyến đường này đã tạo ra động lực thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Thanh Bình. Khi chưa có đường mới, Khu công nghiệp Thanh Bình có quá ít nhà đầu tư. Hiện nay, không khí sản xuất tại khu công nghiệp này đã có nhiều khởi sắc. Ông Liu Yu Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Leechenwood Việt Nam cho biết, bên cạnh vùng nguyên liệu dồi dào cho chế biến gỗ thì một trong những điều kiện để doanh nghiệp lựa chọn đầu tư tại Bắc Kạn chính là kết cấu hạ tầng giao thông đã được cải thiện. Hàng hóa của công ty chở xuống Cảng Hải Phòng hiện chỉ mất khoảng 5 giờ, tương đối thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

Khu công nghiệp Thanh Bình đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến gỗ; chế biến nông sản; chế biến khoáng sản. Riêng năm 2024, các nhà máy tại đây đạt tổng doanh thu 2.500 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu 69 triệu USD; tạo việc làm mới cho 2.300 lao động. Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Thương cho biết, kết nối giao thông thuận lợi cho nên việc thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Thanh Bình trong vài năm gần đây trở nên sôi động. Nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, đặt vấn đề đầu tư. Ban quản lý đang tiến hành các thủ tục để mở rộng khu công nghiệp, đồng thời, tham mưu tỉnh đầu tư thêm Khu công nghiệp Chợ Mới 1 và Chợ Mới 2.

Trước đây, từ Hà Nội đến Bắc Kạn chỉ có duy nhất một tuyến đường bộ là Quốc lộ 3. Tuy nhiên, tuyến đường này nhỏ, hẹp, nhiều đèo, dốc, vách đá nguy hiểm, xe chở hàng hóa rất khó lưu thông. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư khi đến tìm hiểu đều lắc đầu quay về, do lợi nhuận từ đầu tư không cao khi phải chi trả nhiều cho chi phí logistics. Sau khi tuyến đường từ Thái Nguyên đến Chợ Mới hoàn thành và dự kiến cuối tháng 12/2024, Bộ Giao thông vận tải khởi công xây dựng đường cao tốc Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn, nhiều nhà đầu tư đã chủ động triển khai các dự án để đón đầu.

Dự án sản xuất, gia công giày dép, đế giày xuất khẩu do Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye Bắc Kạn-Việt Nam chính thức được khởi công xây dựng tại Cụm công nghiệp Huyền Tụng vào tháng 6/2024. Nhà máy có công suất 10 triệu đôi giày, dép/năm với tổng mức đầu tư khoảng 25 triệu USD, thu hút số lượng công nhân lên tới 5.000 người (lớn nhất trong tỉnh Bắc Kạn). Sau gần sáu tháng triển khai, đến nay dự án đã đạt 70% khối lượng, một số hạng mục chính cơ bản hoàn thành. Định hướng tới đây, công ty đầu tư thêm nhà máy sản xuất, gia công giày dép xuất khẩu tại hai huyện Ngân Sơn và Na Rì với công suất tại mỗi điểm khoảng 1,5 triệu đôi giày, dép/năm, tổng mức đầu tư 15 triệu USD, thu hút khoảng 1.500 đến 2.000 lao động.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn Trần Công Hòa cho biết, sự cải thiện đáng kể về kết cấu hạ tầng giao thông đang là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nhất là thu hút đầu tư của tỉnh. Trong tương lai gần, khi mạng lưới các trục giao thông ngang kết nối với các trục chính được nâng cấp cải tạo, mở mới, chắc chắn Bắc Kạn sẽ có thêm động lực tăng trưởng mới.

Tạo động lực bền vững

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, trong những giai đoạn trước, nguồn lực đầu tư cho giao thông còn hạn hẹp. Cụ thể, giai đoạn 2010-2015, tổng số vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông do cấp tỉnh quản lý là 3.574 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 3.480 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, tỉnh đã được tập trung ưu tiên, bố trí nguồn lực khá lớn đầu tư cho hạ tầng giao thông, với tổng số vốn 5.310 tỷ đồng cho 17 dự án đã hoàn thành quyết toán và 42 dự án chuyển tiếp, khởi công mới. Cùng với đó, nguồn vốn Trung ương bố trí cho dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn là 5.700 tỷ đồng. Như vậy tổng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông ở giai đoạn này gấp hơn ba lần so với các giai đoạn trước, đồng thời, nguồn vốn do huyện quản lý cũng tập trung đầu tư cho lĩnh vực này, từ đó góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ.

Có thể kể đến các công trình giao thông trọng điểm lớn của Bắc Kạn hiện đang được triển khai như: Đường thành phố Bắc Kạn-hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang); hạ tầng giao thông khu vực chung quanh hồ Ba Bể; đường Quảng Khê-Khang Ninh; tuyến Chợ Mới-Bắc Kạn quy mô cao tốc bốn làn xe đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để khởi công trong tháng 12/2024; tuyến cao tốc Bắc Kạn-Cao Bằng đang nỗ lực thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn Nghiêm Văn Thép, tỉnh tập trung lập quy hoạch, xây dựng tầm nhìn chiến lược và chủ động đề xuất Chính phủ về sự cần thiết và cấp bách của việc đầu tư cho lĩnh vực giao thông. Trong giai đoạn 2020-2025, lần đầu tỉnh triển khai những công trình giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thời gian tới, tỉnh xác định tiếp tục hoàn thiện mạng lưới kết nối ngang với các trục dọc đã đầu tư, đồng thời, tập trung xây dựng đường cao tốc Bắc Kạn-Cao Bằng.

Phát triển hạ tầng giao thông là mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn. Vì vậy, lần đầu tỉnh Bắc Kạn thành lập Ban Chỉ đạo Các dự án giao thông trọng điểm do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Một số công trình giao thông trọng điểm được đưa vào diện giám sát đặc biệt về tiến độ và chất lượng. Nhiều cuộc kiểm tra đôn đốc được Ban Chỉ đạo thực hiện ngay tại công trường xây dựng nhằm nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời. Giai đoạn 2025-2030 được Bắc Kạn xác định là thời điểm tăng tốc hoàn thiện cơ bản mạng lưới giao thông. Tỉnh đặt mục tiêu đầu tư tuyến cao tốc Thái Nguyên-Bắc Kạn-Cao Bằng (CT.07) đạt quy mô bốn làn xe, trong đó đoạn tuyến Thái Nguyên-Chợ Mới và đoạn tuyến Chợ Mới-Bắc Kạn có quy mô bốn làn xe, lộ trình đầu tư trước năm 2030; xây dựng năm nút giao khác mức liên thông trên đoạn tuyến cao tốc Thái Nguyên-Chợ Mới-Bắc Kạn.

Theo Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn, tỉnh đề xuất bổ sung danh mục đầu tư công giai đoạn 2026-2030. Trong đó, đường cao tốc Bắc Kạn-Cao Bằng đề xuất đầu tư hơn 18.300 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Đối với các dự án khác, tỉnh đề xuất đầu tư hơn 11.900 tỷ đồng cho giao thông trong giai đoạn 2026-2030. Các dự án đề xuất mang tính liên vùng, động lực, kết nối trục ngang như: Kết nối Khu du lịch Ba Bể với Khu du lịch Phia Oắc-Phia Đén (Cao Bằng) và xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang); đường liên kết, kết nối giữa Bắc Kạn với Lạng Sơn… Với lộ trình và quy hoạch như vậy, trong giai đoạn tới, mạng lưới giao thông của Bắc Kạn sẽ hoàn thiện, kết nối liên vùng góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho tỉnh miền núi hiện còn nhiều khó khăn này.

Bài và ảnh: TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-luc-moi-tu-phat-trien-ket-cau-ha-tang-giao-thong-post852192.html