Động lực mới từ phúc bồn tử công nghệ cao

Được chính quyền tỉnh Lâm Đồng chính thức công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng diện tích hơn 5 ha ở xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng, thương hiệu chuyên canh phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân đón nhận như tạo thêm nguồn động lực mới để mở rộng diện tích, nâng cấp dây chuyền công nghệ chế biến những sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng.

Giá trị thu nhập đối với cây phúc bồn tử đỏ của Trang trại Huỳnh Trung Quân hiện đạt khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm

Giá trị thu nhập đối với cây phúc bồn tử đỏ của Trang trại Huỳnh Trung Quân hiện đạt khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm

Cúp Vàng thương hiệu An toàn vì sức khỏe cộng đồng

Theo đó, Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân (số 18B, Tổ 9, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng) được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2020 về nhân giống, sản xuất và chế biến phúc bồn tử với diện tích 2 ha trang trại và 3,2 ha liên kết sản xuất với nông dân các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt. Hàng năm trồng cây phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân trong nhà kính công nghệ cao, thu hoạch bình quân đạt tổng sản lượng 60 tấn quả tươi, gieo ươm và xuất vườn 20.000 cây giống, chế biến 20.000 lít rượu, 4.000 lít mật, nước cốt cùng khối lượng đáng kể các dòng sản phẩm trà, mứt…

Phóng viên trở lại Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân sau khi được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận doanh nghiệp ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vừa nêu. Lúc này vào thời điểm chớm hè năm 2020, mỗi ngày, trang trại 2 ha phúc bồn tử ở đây thu hái quả tươi đạt từ 80-100 kg, cộng với khoảng 100 kg thu mua từ nông dân liên kết đưa về sơ chế, phân phối đến các kênh tiêu thụ ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Toàn sản lượng phúc bồn tử quả tươi thu hái và sơ chế trong buổi sáng mỗi ngày thông qua hệ thống vận hành các công đoạn đảm bảo an toàn thực phẩm gồm: xử lý ozon rửa sạch quả rồi phân loại, đóng gói, bảo quản mát, đưa vào xưởng chế biến… Đang trong mùa dịch COVID-19, việc vận chuyển lưu thông sản phẩm phúc bồn tử tươi đến các thị trường trong nước phải giảm xuống 30% sản lượng hàng ngày so với thời điểm cuối năm 2019 trở về trước. Nhờ duy trì hoạt động nhà xưởng với dây chuyền tự động khép kín, toàn bộ nguyên liệu phúc bồn tử tươi - thay vì tồn kho đã đưa vào chế biến tại chỗ nên doanh thu và lợi nhuận vẫn giữ mức ổn định và phát triển đi lên. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân mỗi ngày thu hoạch và thu mua của hộ nông dân liên kết tổng cộng khoảng 200 kg phúc bồn tử tươi, trong đó gồm 40-50 kg cung cấp ra thị trường bán lẻ; còn lại 150-160 kg đưa vào bảo quản, làm nguyên liệu chế biến với các dòng sản phẩm mật, nước cốt, rượu, trà… đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Chủ nhân Huỳnh Trung Quân đưa phóng viên tham quan quy trình chế biến các dòng sản phẩm phúc bồn tử trong nhà xưởng hàng trăm mét vuông tại trang trại đạt chuẩn quốc gia QCVN: 2010/BYT, được Hội Khoa học Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận và trao Cúp Vàng thương hiệu An toàn vì sức khỏe cộng đồng, tạo việc làm cho 50 lao động địa phương, trong đó chiếm 40% là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên. Phóng viên ghi nhận từng dây chuyền tự động chế biến phúc bồn tử bảo đảm an toàn thực phẩm như: lên men, tách dịch, lên men phụ, đóng chai thành phẩm (rượu vang phúc bồn tử); cắt khúc, rửa sạch thân, hoa lá, sấy khô (trà phúc bồn tử); xử lý ozon rửa sạch quả, nấu cô đặc, để nguội (mứt phúc bồn tử); xử lý ozon, lọc, đóng chai (mật phúc bồn tử)…

Sản phẩm phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân đạt tiêu chuẩn quốc gia QCVN: 2010/BYT, được Hội Khoa học Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận và trao Cúp Vàng thương hiệu An toàn vì sức khỏe cộng đồng.

Sản phẩm phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân đạt tiêu chuẩn quốc gia QCVN: 2010/BYT, được Hội Khoa học Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận và trao Cúp Vàng thương hiệu An toàn vì sức khỏe cộng đồng.

Vùng nguyên liệu 30 ha phúc bồn tử đen và đỏ

Bên cạnh khu nhà xưởng chế biến là khu nhà cấy mô giống cây phúc bồn tử được xây dựng và đưa vào hoạt động trong nhiều năm vừa qua. “Hàng năm công ty chọn những cây phúc bồn tử đầu dòng khỏe mạnh, khả năng kháng bệnh cao, năng suất và chất lượng vượt trội tại trang trại để khai thác đỉnh sinh trưởng đưa vào nhân cấy mô. Sau 12 tháng trong phòng cấy mô, cây con phúc bồn tử trồng vào trong bịch ni lông ngoài trời thêm 8 tháng. Cuối cùng chuyển từng cây giống có chiều cao từ 1-1,5 m từ vườn ươm đưa ra trồng, chăm sóc trong nhà kính, nhà lưới thêm khoảng 6 tháng nữa là bước vào thu hoạch quanh năm…”, chủ nhân Huỳnh Trung Quân cho biết.

Đặc biệt, từ phòng cấy mô này, Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân đã nhân giống thành công cây phúc bồn tử quả đen nguồn gốc từ châu Âu. Đồng thời bố trí 100 m2 trồng thử nghiệm đạt chất lượng quả thu hoạch khá cao, năng suất khoảng 30 tấn/ha/năm, cao gấp đôi năng suất phúc bồn tử quả đỏ cùng trồng tại khu vực trang trại đã 10 năm qua. Thời điểm giữa tháng 4/2020, phóng viên trực tiếp ghi nhận Trang trại Huỳnh Trung Quân đang xuống giống trồng mới đồng loạt gần 1 ha phúc bồn tử đen, dự kiến thu hoạch lứa quả đầu tiên vào khoảng giữa tháng 10/2020.

Hạch toán với giá thị trường tiêu thụ ổn định trên dưới 300.000 đồng/kg, lợi nhuận đối với mỗi ha phúc bồn tử đen và đỏ mỗi năm bình quân đạt lần lượt 2 tỷ đồng và 1 tỷ đồng.

“Từ nay đến năm 2025, Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân phát triển vùng nguyên liệu phúc bồn tử đen và đỏ từ 25-30 ha ở địa bàn các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, thành phố Đà Lạt. Toàn bộ sản phẩm thu hoạch được chứng nhận sản xuất công nghệ cao theo quy trình VietGAP. Đồng thời Công ty chúng tôi đầu tư mở rộng nhà xưởng chế biến tăng công suất lên gấp 5-6 lần các dòng sản phẩm rượu, rượu vang, nước cốt, mật, mứt, trà phúc bồn tử... theo quy trình HACCP, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm toàn cầu…”, Giám đốc Huỳnh Trung Quân thông tin.

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202004/dong-luc-moi-tu-phuc-bon-tu-cong-nghe-cao-3000407/