Động lực nâng cao chất lượng giáo dục

Ngày 5/9, 21,2 triệu em học sinh mầm non và phổ thông trên cả nước sẽ bước vào năm học mới 2024-2025 với những kết quả quan trọng ngành giáo dục đạt được trongtriển khai thực hiện Kết luận 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Nhiều điểm sáng quan trọng để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực... Tuy nhiên, ngành giáo dục đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn một số bất cập. Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, đặc biệt là chất lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu mới thời đại công nghệ 4.0. Các chính sách, chế độ và đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chức đội ngũ viên, nhất là các thành phố lớn và các địa bàn khó khăn...

Đáng lo ngại là việc qui hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng thiếu trường lớp, nhất là tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT.

Thực tế cho thấy, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại các trường học chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ở các trường học khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa... Cả nước hiện có 38.260 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công với hơn 610.000 phòng học nhưng mới có có gần 522.000 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ 84,5%. 15,5% số phòng học chưa được kiên cố hóa tập trung ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn do khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hạn chế.

Thời gian qua, các địa phương đã và đang nỗ lực trong công tác thực hiện kiên cố hóa, song còn gặp nhiều khó khăn do ngân sách bố trí cho giáo dục còn hạn chế, việc huy động đóng góp từ các cá nhân, tổ chức còn chưa nhiều. Bởi, kinh tế - xã hội các địa bàn miền núi còn chậm phát triển, mật độ dân cư thưa thớt, không tập trung, hệ thống giao thông chưa đồng bộ, dẫn tới khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hạn chế.

Để khắc phục bất cập trên, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Trong năm học này, ngành giáo dục cũng như các địa phương tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học ở vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới, tổ chức lại các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú phù hợp quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Kết luận số 91 nêu rõ mục tiêu: Triển khai chương trình đầu tư kiên cố hóa trường học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, nhất là ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%.

Đây cũng là mong mỏi của các thầy, cô giáo, phụ huynh học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Những ngôi trường mới được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, bảo đảm cảnh quan sư phạm là động lực quan trọng để các thầy, cô giáo yên tâm bám trường, bám lớp, phụ huynh học sinh yên tâm khi con em được sinh hoạt và học tập trong điều kiện đảm bảo nhất, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực giúp nâng cao chất lượng giáo dục.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-luc-nang-cao-chat-luong-giao-duc-post480306.html