Động lực nâng cao năng suất lao động, hiệu quả làm việc
Chiều 25.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024 và Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17.11.2020 của Quốc hội.
Phải xác định được vị trí việc làm
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, các nội dung đề xuất của Chính phủ trong việc thực hiện tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 1.7.2024 đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 83-KL/TW. Theo đó, thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp; thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công. Hiện nay, Chính phủ cũng đang quyết tâm, tích cực ban hành văn bản để bảo đảm thực hiện các nội dung này từ 1.7/2024.
Tuy nhiên, với những vấn đề mới, phức tạp Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để có cơ sở triển khai áp dụng, nhất là với quy định bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản và giao người đứng đầu xây dựng quy định chế độ tiền thưởng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý và “tránh trùng lặp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng” như Kết luận số 83-KL/TW đã nêu.
Đối với 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công chưa thực hiện là xây dựng bảng lương mới và cơ cấu sắp xếp lại thành 9 loại phụ cấp theo yêu cầu Nghị quyết số 27-NQ/TW, Ủy ban Xã hội, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cơ bản nhất trí việc trước mắt thực hiện 3 giải pháp để tăng lương khu vực công từ ngày 1.7.2024 như thể hiện tại Báo cáo số 329/BC-CP.
Đối với việc thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, đây là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc.
Tuy nhiên, cùng với việc tăng lương cơ sở, đề nghị Chính phủ quan tâm đến các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách. Tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát khác, bảo đảm chỉ tiêu tăng CPI bình quân năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2026 mà Quốc hội giao.
Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ sự nghiệp công; cần có cơ chế cấp bù ngân sách khi giá dịch vụ công thiết yếu chưa kịp điều chỉnh so với mức lương mới để các đơn vị thực hiện tự chủ chi thường xuyên cân đối được thu - chi và có tích lũy; bảo đảm quyền tự chủ thực chất khi thực hiện tự chủ tài chính.
Về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024, Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất với việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024.
Đồng thời, Ủy ban Xã hội kiến nghị Chính phủ định kỳ rà soát, xem xét nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội để từng bước tiến tới bảo đảm mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn và sớm thực hiện chính sách trợ cấp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo theo Nghị quyết số 42-NQ/TW và Nghị quyết số 108/2023/QH15.
Xem xét quy định mức trợ cấp hưu trí xã hội mới được bổ sung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025, một cách thỏa đáng và ở mức hợp lý để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tính toán, trình bổ sung trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 để triển khai thực hiện.
Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu tại Tổ 18 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam tán thành với các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, theo ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cần xác định lộ trình chắc chắn để thực hiện cải cách tổng thể tiền lương theo Nghị quyết 27. Và để làm được việc này vấn đề quan trọng là phải xác định được vị trí việc làm.
Có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn
Về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17.11.2020 của Quốc hội, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines (VNA).
Theo Nghị quyết số 135, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và VNA chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại VNA thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo VNA triển khai thực hiện.
Theo Tờ trình của Chính phủ, VNA đã hoàn tất thực hiện 2 giải pháp nêu trên theo Nghị quyết số 135, đã vượt qua khủng hoảng ngay trong năm 2021, duy trì được khả năng thanh khoản, củng cố niềm tin, uy tín, hình ảnh của VNA với cổ đông, đối tác, công chúng, thoát khỏi nguy cơ phá sản, duy trì hoạt động liên tục với vai trò là hãng hàng không quốc gia, bảo đảm việc làm cho hàng nghìn lao động.
Tuy nhiên, theo Tờ trình của Chính phủ, do hệ lụy kéo dài của dịch Covid-19, môi trường kinh doanh có nhiều khó khăn, biến động, không như dự báo tại thời điểm trình Quốc hội xem xét thông qua các giải pháp như tại Nghị quyết số 135, tình hình tài chính của VNA chưa được cải thiện. Dự kiến đến cuối năm 2024, VNA âm vốn lớn; vay ngắn hạn, tái cấp vốn và nợ quá hạn ở mức cao, trong đó khoản nợ các tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135 có thời hạn hoàn trả từ tháng 7.2024 là áp lực lớn đối với dòng tiền của VNA.
Trường hợp không được gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn, VNA sẽ đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán; có nguy cơ bị kiện, giảm uy tín với đối tác, khả năng Chính phủ phải trả nợ thay các khoản dư nợ có bảo lãnh; ảnh hưởng đến khả năng thu hồi khoản vay của các tổ chức tín dụng và tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của VNA.
Theo Ủy ban Kinh tế, tình thế đối với VNA hiện nay là cấp thiết và cần có những biện pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của VNA – là hãng hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này. Tuy nhiên, Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, tránh trường hợp quá gấp, không đúng thời hạn quy định để báo cáo Quốc hội xem xét điều chỉnh Chương trình Kỳ họp và cho ý kiến đối với nội dung này.
Thảo luận về nội dung này, các ĐBQH thuộc Tổ 18 tán thành với những vấn đề đã nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Cụ thể, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, việc gia hạn là biện pháp cần thiết. Tuy nhiên Vietnam Airlines cần có đề án tổng thể để tái cấu trúc. Ngoài ra cần làm rõ nhu cầu về vốn để phục hồi, phát triển trong thời gian tới…