Động lực nào cho thị trường chứng khoán tháng 3?
Thị trường chứng khoán đã trải qua tháng 2 điều chỉnh giảm mạnh và xu hướng này vẫn chưa kết thúc. Nhiều dự đoán cho thấy, dù gam màu trầm vẫn chủ đạo, song cơ hội cho thị trường chứng khoán tháng 3 có thể sẽ khả dĩ hơn, nhất là giai đoạn cuối tháng.
Thị trường điều chỉnh giảm trong tháng sau Tết
Trong tháng 2/2023, thị trường chứng khoán trong nước nói chung diễn biến không tích cực khi xu hướng điều chỉnh giảm ngày càng rõ nét. Số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cho thấy, tháng đầu tiên sau kỳ nghỉ tết, cả điểm số và thanh khoản của thị trường cổ phiếu đều giảm khá mạnh.
Theo đó, số liệu từ HOSE cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.024,68 điểm, giảm -7,78% so với tháng 1/2023 và tăng +1,75% so với cuối năm 2022.
Các chỉ số khác trên HOSE cũng điều chỉnh giảm, như: Chỉ số VNAllshare đạt 966,19 điểm, giảm -10,05% so với tháng 1/2023 và giảm 0,46%% so với cuối năm 2022. Chỉ số VN30 đạt 1,014.96 điểm, giảm -9,79% so với tháng 1/2023 và tăng 0,97% so với cuối năm 2022. Các chỉ số ngành cũng giảm điểm trong tháng gồm: ngành bất động sản (VNREAL) giảm 13,43%; ngành hàng tiêu dùng (VNCOND) giảm 12,38%; ngành công nghiệp (VNIND) giảm 11,45%.
Không chỉ điểm số, thanh khoản thị trường cũng giảm trong tháng 2 vừa qua. Theo số liệu từ HOSE, thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 2 trên HOSE ghi nhận khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt gần 567,7 triệu cổ phiếu và 10.014 tỷ đồng, tương ứng giảm lần lượt 2,14% về khối lượng bình quân và 4,60% về giá trị bình quân so với tháng 1/2023.
Cũng trong tháng 2, trên HOSE, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 48.419 tỷ đồng, chiếm hơn 12,08% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 571,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 2, khối ngoại vẫn mua ròng 4.570 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Thái Hữu Công - chuyên viên chiến lược đầu tư Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, kể từ giữa tháng 11/2022, trước sự hỗ trợ từ dòng tiền khối ngoại, VN-Index đã trải qua một nhịp hồi phục tích cực từ vùng đáy 870 điểm lên vùng 1.120 điểm.
“Về tổng thể, VN-Index vận động theo mẫu hình cái nêm hướng lên trong suốt 3 tháng vừa qua. Tuy nhiên, trước những lo ngại của nhà đầu tư về các yếu tố ngoại biên (lạm phát Mỹ tăng, rủi ro FED nâng lãi suất 50 điểm, chỉ số DXY và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ phục hồi từ vùng đáy,…), cùng với việc nhiều doanh nghiệp trong nước thông báo chậm trả lãi trái phiếu, đã kích hoạt một đợt bán mạnh và khiến cho thị trường trải qua một nhịp điều chỉnh sâu, phá vỡ mẫu hình trước đó” - ông Công phân tích thêm.
Tháng 3, các yếu tố tác động vẫn chưa thuận chiều
Thị trường chứng khoán trong nước bước vào những phiên đầu tháng 3/2023 diễn biến có phần tích cực hơn. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, thị trường vẫn chưa thoát được xu thế giảm điểm kéo dài từ đầu tháng 2. Trong tháng 3, thị trường chứng khoán trong nước chịu tác động đan xen cả yếu tố tích cực và tiêu cực, song “gam màu trầm” vẫn chiếm ưu thế.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia phân tích cho hay, hiện tại việc dự báo xu hướng ngắn hạn cho thị trường chứng khoán là khó, nhưng dữ liệu lịch sử cho thấy, xác suất tăng điểm trong tháng 3 khá cao. Thống kê trong 22 năm, chỉ số VN-Index có 16 lần tăng điểm trong tháng 3, mặc dù biên độ tăng điểm không quá lớn.
Khả năng VN-Index sẽ kiểm lại vùng đáy một lần nữa
Theo phân tích kỹ thuật, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định, VN-Index kết tháng 2 với cây nến giảm mạnh bao phủ gần hết cây nến tăng giá tháng trước đó, đi kèm thanh khoản giao dịch ở vùng thấp nhất hiện tại cho thấy, khả năng cao VN-Index sẽ phải kiểm tra lại vùng đáy trước đó một lần nữa. Thị trường chứng khoán tháng 3 vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chỉ số VN-Index sẽ khó chạm lại vùng đỉnh 1.085 – 1.125 điểm trước đó. Xu hướng ngắn hạn vẫn là giảm điểm.
Theo ông Thái Hữu Công, thị trường chứng khoán trong nước sẽ nhận được sự hỗ trợ từ một vài thông tin tích cực xuất hiện trong thời gian gần đây. Thông tin đầu tiên có thể kể đến là việc các ngân hàng sẽ có đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động kể từ ngày 6/3. Điều này sẽ góp phần giảm lãi suất cho vay và áp lực chi phí vốn lên các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc đề xuất triển khai hai gói tín dụng nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng của Chính phủ và gói tín dụng 120.000 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp phần nào tháo gỡ được những khó khăn về thanh khoản mà các doanh nghiệp đang gặp phải, cũng như kích thích tăng trưởng kinh tế. “Đây là những yếu tố được đánh giá sẽ giúp giải tỏa tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư cũng như hỗ trợ thị trường chứng khoán trong ngắn hạn” – chuyên gia của KBSV nói.
Tuy nhiên, theo ông Thái Hữu Công, những rủi ro đến từ trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một yếu tố cần phải theo dõi sát sao. Theo số liệu thống kê, giá trị trái phiếu đáo hạn trong hai năm 2023 - 2024 đạt xấp xỉ 120.000 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với năm 2022. Bên cạnh đó, những yếu tố ngoại biên như lạm phát và việc lãi suất của FED, cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định và áp lực lãi suất, tỷ giá, thanh khoản trong năm 2022 có thể sẽ quay trở lại.
Chính vì vậy, “trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại bán ròng, chúng tôi đánh giá triển vọng của thị trường chứng khoán trong tháng 3 là không thực sự tích cực và VN-Index đang đứng trước rủi ro tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh giằng co trong ngắn hạn” - chuyên gia của KBSV nhấn mạnh./.