Động lực nào giúp tín dụng tăng tốc nửa cuối năm 2023?

Tín dụng sẽ tăng tốc nhanh hơn trong nửa cuối năm 2023 dựa trên một số yếu tố tích cực như: Xuất khẩu sẽ phục hồi tăng trưởng dương, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân, chính sách tài khóa như giảm thuế VAT từ 10% về 8%, … sẽ phát huy tác dụng kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Thông tư 02 về giãn, hoãn nợ đã phát huy tác dụng

Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng nhà nước, tính đến cuối tháng 7/2023, dư nợ tín dụng toàn ngành đạt xấp xỉ 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm và 8,7% so với cùng kỳ. Kết quả này chưa bằng một nửa, so với con số tăng trưởng 9,4% cùng kỳ năm ngoái, cũng như còn cách khá xa so với mục tiêu 14% - 15% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho cả năm.

Báo cáo về ngành ngân hàng mới công bố của công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định, tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với kỳ vọng chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân chính như ảnh hưởng từ tổng cầu thế giới suy yếu, kinh tế Việt Nam giảm tốc rõ nét trong hai quý đầu năm với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,7%.

Ngoài ra, thị trường bất động sản, khu vực thu hút nguồn vốn tín dụng lớn nhất, vẫn tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm khi số lượng giao dịch giảm 40%; số lượng dự án hoàn thành xây dựng giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kỳ vọng kinh tế khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2023, nhiều công ty chứng khoán kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ có sự cải thiện.

Với kỳ vọng kinh tế khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2023, nhiều công ty chứng khoán kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ có sự cải thiện.

Bên cạnh đó, mặc dù lãi suất tạo đỉnh trong quý II song mặt bằng hiện nay vẫn còn khá cao, do đó chưa thể kích thích nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Công ty chứng khoán DSC (DSC) cho rằng, sau 4 lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cũng đã giảm 1,5-2% trên các khoản vay. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để khơi thông dòng vốn tín dụng.

DSC phân tích, điểm sáng trong bức tranh quản lý rủi ro tín dụng là nợ nhóm 2 đã không còn tăng sốc trong quý II/2023. Đây là bằng chứng cho thấy, Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02) đã phát huy tác dụng, phần nào giúp giảm thiểu rủi ro tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện nửa cuối năm

Theo công ty chứng khoán VNDirect, bên cạnh dư địa tín dụng còn lại, các chuyên gia tại đây kỳ vọng những ngân hàng có tỷ lệ cao về cho vay bán lẻ như VIB, ACB... sẽ có nhiều cơ hội để cải thiện tăng trưởng tín dụng.

Ngược lại, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao có thể sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng tín dụng khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi một số điều về quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sửa đổi một số điều TT 39/2016) có hiệu lực từ tháng 9/2023.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng nhận định rằng, để tín dụng có thể chảy vào bất động sản, việc cần kíp là sửa đổi Thông tư 06 (sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2019 về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng). Thêm vào đó, một số thủ tục về bất động sản cần được tháo gỡ khó khăn như cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng cấp sổ đỏ cho người dân... để dòng tín dụng khơi thông.

Với kỳ vọng kinh tế khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2023, DSC kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ có sự cải thiện. “Chúng tôi cũng đánh giá sẽ có sự phân hóa trong kết quả kinh doanh của các ngân hàng do nhiều ngân hàng vẫn có khả năng cho vay tốt như MB, Techcombank”, các chuyên gia tại DSC nhận định.

MBS dự báo tín dụng sẽ tăng tốc nhanh hơn trong nửa cuối năm 2023 dựa trên một số yếu tố tích cực như xuất khẩu sẽ phục hồi tăng trưởng dương trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái, cũng như cầu tiêu dùng của Trung Quốc khôi phục lại mạnh mẽ hơn sau khi mở cửa.

Ngoài ra, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa như giảm thuế VAT từ 10% về 8%, sẽ phát huy tác dụng kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của MBS không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh tín dụng từ nay đến cuối năm. Như đề cập ở trên, một số ngân hàng thương mại đang khá thận trọng khi cân nhắc các quyết định cho vay cũng như đảm bảo chất lượng tín dụng.

Cũng theo khảo sát gần đây của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể của khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định tăng nhanh hơn so với kỳ trước và cùng kỳ năm trước ở hầu hết các lĩnh vực. Theo đó, các tổ chức tín dụng có xu hướng “không đổi” hoặc “thắt chặt” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng.

Vì vậy, MBS cho rằng những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp tại thời điểm cuối quý 2/2023 sẽ là những ngân hàng có dư địa đẩy mạnh tín dụng vào nửa cuối năm hơn. Nhìn chung, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt khoảng 12% - 13% cho cả năm 2023.

Thanh Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/dong-luc-nao-giup-tin-dung-tang-toc-nua-cuoi-nam-2023-1094665.html