Động lực phát triển vùng Đông Nam Bộ

Bài 4:
BÌNH PHƯỚC VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CHUNG

BPO - Là địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước có nhiều bất lợi hơn so với các tỉnh, thành trong vùng để kết nối thông thương, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và vai trò, trách nhiệm của một tỉnh trong vùng, Bình Phước đã trở thành một mắt xích quan trọng kéo đoàn tàu kinh tế Đông Nam Bộ chuyển bánh.

Bình Phước vì vùng

Nhận thức vai trò, trách nhiệm của một tỉnh trong vùng, cửa ngõ của miền Đông Nam Bộ, thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Bình Phước đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Quyết định số 103/2006/QĐ-UBND ngày 16-10-2006 về Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 53-NQ/TW. Hằng năm, Tỉnh ủy đều ban hành nghị quyết nhiệm vụ, UBND tỉnh ban hành chương trình hành động nhằm triển khai thực hiện các nhóm giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách theo nghị quyết của Chính phủ, trong đó lồng ghép nhiệm vụ của địa phương với nhiệm vụ phát triển vùng.

Đối với các hoạt động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giai đoạn 2007-2015, Bình Phước đã triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp. Các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu được triển khai đồng bộ, gắn với trách nhiệm của từng cấp, ngành, đơn vị; định kỳ 5 năm, tỉnh rà soát, điều chỉnh mục tiêu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Bình Phước cũng đã tham gia góp ý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng; Quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2020; quy hoạch giao thông vận tải, điện, y tế, thương mại, công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và các tỉnh trong vùng; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Phước; Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia giai đoạn 2010-2020, có xét đến năm 2025. Bám sát quy hoạch ngành và các sản phẩm chủ yếu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước đã lập và rà soát, điều chỉnh các quy hoạch trên địa bàn cho phù hợp nhằm tăng tính kết nối, phát triển vùng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án giao thông trên địa bàn huyện Bù Gia Mập

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án giao thông trên địa bàn huyện Bù Gia Mập

Bình Phước đã tham gia xây dựng một số nội dung phát triển vùng như: Phát triển nguồn nhân lực của vùng; cơ chế tạo vốn phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; xây dựng và hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển liên kết vùng; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thực phẩm giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…

Về đầu tư phát triển liên tỉnh trong vùng, Bình Phước đã hỗ trợ, phối hợp với Trung ương trong giải phóng mặt bằng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh; giải phóng mặt bằng hồ thủy lợi Phước Hòa; đầu tư, nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 (từ giáp ranh tỉnh Bình Dương đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, huyện Lộc Ninh) để kết nối các tỉnh, thành trong vùng với các tỉnh vùng Đông Bắc Campuchia; phối hợp đầu tư, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 kết nối các tỉnh trong vùng với các tỉnh Tây Nguyên; đầu tư, nâng cấp mở rộng đường Sao Bọng - Đăng Hà (huyện Bù Đăng) kết nối với tỉnh Lâm Đồng và đang triển khai dự án đường Đồng Phú - Bình Dương…

Đặc biệt, Bình Phước là đơn vị đầu tiên của Quân khu 7 hoàn thành công tác cắm mốc biên giới. Tỉnh cũng đã xây dựng hàng chục điểm dân cư liền kề, chốt dân quân biên giới. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Viễn thông Bình Phước (VNPT Bình Phước) đã xây dựng được 38 trạm phát sóng trên tuyến biên giới theo đề án của tỉnh. Qua đó, tình hình quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh biên giới được chú trọng, tăng cường, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương và của vùng.

Đến nay, Bình Phước cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23-11-2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị với những mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế của tỉnh và của vùng; đăng cai tổ chức thành công hội nghị sơ kết liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ và hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Bình Phước đã làm việc với tỉnh Bình Dương về phối hợp triển khai dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và các điểm kết nối giao thông chính giữa 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết, để phát huy hiệu quả các lợi thế chiến lược, nhất là đất đai và vị trí địa lý, trong xu hướng dịch chuyển và lan tỏa của vùng, đồng thời giải quyết những “nút thắt” chiến lược để đưa Bình Phước từ vị trí “dự trữ” thành một “động lực” tăng trưởng và phát triển của vùng Đông Nam Bộ, Bình Phước sẽ tiếp tục kết nối phát triển với các tỉnh, thành trong vùng thông qua những định hướng quan trọng như: Tập trung cao độ để hoàn thành Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Song song với quy hoạch, tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành 58 đề án, chương trình, kế hoạch có tính định hướng quan trọng trong các ngành - lĩnh vực như: Kết cấu hạ tầng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, khoa học - công nghệ, đô thị, chuyển đổi số, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, huy động nguồn lực đầu tư, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bình Phước sẽ tăng cường thúc đẩy các dự án giao thông kết nối vùng. Những năm qua, kết nối giao thông liên vùng có cải thiện, nhưng Bình Phước vẫn cách sân bay và cảng biển khoảng 3 giờ và chưa có kết nối cao tốc. Bình Phước đang nỗ lực khắc phục sự bất lợi về vị trí địa lý thông qua các dự án như cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); đường Đồng Phú - Bình Dương...

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
TRẦN TUYẾT MINH

Vùng vì Bình Phước

Tăng cường hợp tác liên kết vùng, Bình Phước đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Đến nay, Bình Phước có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh, với số vốn đăng ký 19.739 tỷ đồng; có 2 siêu thị Co.op Mart tại TP. Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, 71 cửa hàng tiện ích Bách Hóa Xanh đã và đang phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Các hoạt động hợp tác về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và an sinh xã hội ngày càng đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Bình Phước với TP. Hồ Chí Minh đã góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bình Phước đã và đang đẩy mạnh triển khai, nâng cấp, mở rộng các dự án giao thông nội tỉnh và kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng

Bình Phước đã và đang đẩy mạnh triển khai, nâng cấp, mở rộng các dự án giao thông nội tỉnh và kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng

Về liên kết hợp tác phát triển với tỉnh Bình Dương, đến nay Bình Phước thu hút được 50 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 2.900 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu tập trung vào ngành nghề như: Đầu tư khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trang trại chăn nuôi, nhà máy sản xuất, chế biến nông sản, khai thác khoáng sản và một số dự án lớn.

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bình Phước đã và đang tiếp tục triển khai các công trình, phần việc liên quan đến trách nhiệm của địa phương - một mắt xích quan trọng trong chuỗi các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ. Tăng tính kết nối, mở rộng giao lưu, hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch là những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm Bình Phước hướng đến vì sự phát triển chung của vùng và cả nước.

Những năm gần đây, Bình Phước nổi lên rất mạnh, điều này khẳng định từ vị trí dự trữ phát triển, Bình Phước đang dần trở thành động lực phát triển, trọng tâm là phát triển chăn nuôi quy mô lớn và các đô thị Đồng Xoài, Chơn Thành. Đặc biệt, Bình Phước có những thế mạnh riêng, đó là vùng nguyên liệu, là tiềm năng du lịch, lại ở vị trí trung tâm kết nối vùng… Vì vậy, đẩy mạnh liên kết sẽ góp phần khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển vùng.

PGS. TS TRẦN ĐÌNH THIÊN
thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

M.Nhâm - M.Luận - H.Thu

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/142487/dong-luc-phat-trien-vung-dong-nam-bo