Động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số - Bài 2: Thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn
Chuyển đổi số hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận tối đa các khách hàng tiềm năng trong cùng một khoảng thời gian.
Việc đẩy mạnh kết nối trên các sàn thương mại điện tử, áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất và tiêu thụ nông sản là xu thế tất yếu, qua đó giúp người dân tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Nông dân làm chủ công nghệ
Với 7 ha chuyên trồng các loại cây ăn quả, gia đình chị Vũ Thị Sử ở xã Bình Dương (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) không còn phải thuê hàng chục nhân công để tưới cây hàng ngày. Chỉ bằng chiếc điện thoại di động, giờ đây một mình chị Sử có thể vận hành cả hệ thống tưới tiêu thông minh. Hệ thống tưới này không chỉ giúp cung cấp nước mà toàn bộ phân bón sử dụng bằng chế phẩm sinh học và các loại phân hữu cơ khác cũng được hòa qua hệ thống tưới tự động để bón cho cây. Ngoài ra, toàn bộ khu vườn của chị đều gắn các thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của từng loại cây trồng.
Giống như chị Sử, anh Nguyễn Đình Hải ở xã Minh Tân (huyện Lương Tài, Bắc Ninh) cũng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển từ xa cho trang trại rau, củ quả sạch của gia đình. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây, nên cây trồng phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc.
Với chiếc điện thoại thông minh, anh Hải chỉ cần mở phần mềm là có thể xem độ ẩm, độ pH của đất, dinh dưỡng của rau, các thông số liên quan đến sinh trưởng của cây trồng liên tục được cập nhật. Với việc đầu tư hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, mô hình trồng rau của gia đình anh Hải có 4 sản phẩm góp mặt trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Ninh.
Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, trang trại 5 ha của gia đình anh Hải được quy hoạch hoàn chỉnh thành các khu trồng rau củ quả sạch, xây dựng gần 2 ha nhà màng, nhà kính chuyên sản xuất ứng dụng công nghệ cao và liên kết hơn 20 ha vùng nguyên liệu ngoài tỉnh, đã cho doanh thu bình quân đạt khoảng gần 20 tỷ đồng mỗi năm.
Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số áp dụng trong ngành nông nghiệp ở Bắc Ninh đã có những bước tiến vượt bậc. Hàng loạt chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, những nông dân thời đại 4.0 đã tạo ra nhiều đột phá trong sản xuất. Giờ đây, người nông dân không còn phải "trông mưa, trông nắng" như xưa nữa. Sự phát triển của khoa học hiện đại đã giúp người nông dân giảm phụ thuộc vào môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn và đặc biệt công nghệ đã giúp giảm thiểu sức lao động, tiết kiệm nguồn nhân lực.
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin thông minh vào sản xuất như: nhà kính có hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Những ứng dụng này giúp giảm bớt chi phí sản xuất và công sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%, từ đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân.
Xúc tiến nông sản trên nền tảng số
Những buổi livestream bán hàng đã trở nên quen thuộc với đội ngũ bán hàng của Công ty TNHH PTK 879 (huyện Tiên Du). Chỉ trong khoảng 15 phút livestream, sản phẩm mắm tép chưng thịt PTK đã thu hút hàng trăm lượt khách theo dõi và đặt hàng.
Bà Nguyễn Thị Huyên, Giám đốc Công ty TNHH PTK 879 chia sẻ, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Nhờ vậy, sản phẩm của công ty không chỉ có mặt tại thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Bà Huyên cũng khẳng định, nhờ công nghệ số chỉ cần ngồi ở một vị trí có thể tiếp cận được hàng triệu khách hàng trong nước và trên thế giới, không bó hẹp ở phạm vi nào. Cũng nhờ công nghệ số, khách hàng không phải di chuyển, chỉ cần một cái click chuột là sản phẩm được giao tận nhà. Theo phương pháp truyền thống, một năm có thể tiếp cận được hàng nghìn khách hàng. Còn theo công nghệ 4.0, trong một tuần có thể tiếp cận được hàng triệu khách hàng.
Sản phẩm nem sạch của Công ty TNHH Thương mại và Chế biến thực phẩm nem 99 Kinh Bắc được ra đời từ năm 2018. Nhờ công nghệ bán hàng trên nền tảng số, đến nay thương hiệu Nem 99 của công ty đã được "phủ sóng" khắp cả nước.
Anh Phạm Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Chế biến thực phẩm nem 99 Kinh Bắc cho biết, theo cách truyền thống rất khó tiếp cận được khách hàng ở xa, sàn thương mại điện tử đã khắc phục được điều đó. Nhờ đó, hoạt động quảng bá sản phẩm sẽ không còn bị bó hẹp trong một không gian địa lý nhất định, dễ dàng tiếp cận với khách hàng ở mọi miền. Đây là cơ hội tốt để các sản phẩm được lên sàn thương mại, quảng bá sản vật địa phương.
Hiện nay, việc quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đang được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tiếp cận. Sở Công Thương Bắc Ninh đã phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò cũng như những lợi ích của thương mại điện tử đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; phổ biến kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng khả năng, điều kiện của từng đơn vị.
Sở Công Thương Bắc Ninh cũng hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng các tiện ích, dịch vụ thanh toán của ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán trong giao dịch thương mại điện tử; khuyến cáo, cảnh báo các thủ đoạn, hành vi lừa đảo, gian lận thương mại và hàng giả, đánh cắp thông tin, tài khoản.
Đến nay, các doanh nghiệp trong tỉnh đều sử dụng internet, thư điện tử trong giao dịch với khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đăng ký website thực hiện các dịch vụ thương mại điện tử; tham gia cung ứng sản phẩm, hàng hóa, hỗ trợ và thông tin trực tiếp cho người tiêu dùng cá nhân trên internet. Một số doanh nghiệp xây dựng các kênh quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử quốc tế để mở rộng cơ hội tìm kiếm, kết nối với đối tác nước ngoài.
Hiện nay, Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh (www.ecombacninh.vn) hiện đăng thông tin quảng bá, giới thiệu hơn 1.000 sản phẩm, dịch vụ của gần 60 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh, giúp các đơn vị có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm và doanh thu.
Bài cuối: Mang nền tảng số đến từng người dân