Động lực tăng trưởng mới từ Trung tâm tài chính quốc tế

Ngày 1/7, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 222/2025/QH15 về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/9/2025. Đây là bước đi chiến lược trong phát triển kinh tế-tài chính, với nhiều cơ chế đột phá, cạnh tranh, phù hợp thông lệ quốc tế.

Cơ chế, chính sách đột phá của Trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng tạo “thỏi nam châm” hút các nhà đầu tư quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THÀNH ĐẠT)

Cơ chế, chính sách đột phá của Trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng tạo “thỏi nam châm” hút các nhà đầu tư quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THÀNH ĐẠT)

Trung tâm này không chỉ nhằm thu hút đầu tư, mà còn góp phần đưa Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình, hướng tới tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2045.

Theo Nghị quyết, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng được chọn là hai địa điểm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò trung tâm động lực, dẫn dắt thị trường tài chính Việt Nam hội nhập sâu hơn với hệ thống tài chính toàn cầu.

ĐỘT PHÁ KHUNG CHÍNH SÁCH

Với định hướng lấy chất lượng thể chế làm nền tảng, Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng vận hành theo chuẩn mực quốc tế, kết nối với các thị trường tài chính hàng đầu, hình thành hệ sinh thái tài chính hiện đại, tích hợp các lĩnh vực then chốt như ngân hàng, thị trường vốn, tài chính phái sinh, Fintech, sàn hàng hóa, tài sản số và tài chính xanh. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, trung tâm sẽ là cầu nối giữa các sàn giao dịch trong nước và quốc tế, thúc đẩy dòng vốn đầu tư, phát triển dịch vụ tài chính công nghệ cao, đồng thời thu hút nguồn nhân lực tài chính chất lượng, tạo môi trường làm việc và sinh sống chuyên nghiệp cho chuyên gia, doanh nhân toàn cầu.

Đáng chú ý, Nghị quyết thông qua nhiều cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như: Ngoại hối, ngân hàng, ưu đãi thuế, tài chính, đất đai, thị trường vốn, lao động-việc làm và cơ chế sandbox cho Fintech, đổi mới sáng tạo. Các dự án ưu tiên trong trung tâm tài chính quốc tế có thể được giao hoặc cho thuê đất tối đa 70 năm - khung thời hạn đặc biệt thuận lợi cho nhà đầu tư chiến lược, nhất là các dự án dài hạn trong lĩnh vực tài chính.

Một điểm nhấn quan trọng trong chính sách vận hành trung tâm tài chính quốc tế là ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trình độ cao, cả trong và ngoài nước. Theo Nghị quyết, cá nhân làm việc tại trung tâm sẽ được miễn thuế thu nhập từ lương, công đến hết năm 2030. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp hoặc quyền góp vốn tại các thành viên của trung tâm cũng được miễn thuế đến thời điểm này. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài là chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, nhà quản lý cấp cao làm việc lâu dài tại tổ chức thuộc trung tâm sẽ được xem xét cấp thẻ thường trú, kèm ưu đãi và thủ tục hành chính đơn giản. Các chuyên gia chia sẻ, đây là “thỏi nam châm” thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố quyết định cho thành công của Trung tâm tài chính quốc tế.

TẠO SỨC HÚT NHÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98 Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao Nghị quyết số 222 vừa được Quốc hội ban hành. Ông cho rằng nghị quyết này tạo nên hệ sinh thái tài chính hoàn chỉnh, đủ sức hút dòng vốn toàn cầu, là bước tiến mạnh mẽ, đặc biệt về tài phán và thu hút nhà đầu tư chiến lược trong ngành tài chính. Ông Lịch cũng nhấn mạnh vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương do Chính phủ thành lập để triển khai trung tâm tài chính quốc tế, cho rằng cách tổ chức lần này thể hiện quyết tâm chính trị cao, là bước đột phá thực chất chứ không chỉ dừng ở khẩu hiệu.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Huy Hoàng, chuyên gia tài chính, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường đại học Văn Hiến: Việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh là bước đi chiến lược nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, hướng tới mô hình tăng trưởng dựa trên chất lượng, công nghệ và dịch vụ giá trị cao, không chỉ là dự án hạ tầng hay mô hình thử nghiệm. Ông nhận định trung tâm sẽ giúp thành phố tăng khả năng huy động vốn trong và ngoài nước; phát triển các ngành dịch vụ mũi nhọn như tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, fintech; đào tạo đội ngũ chuyên gia tài chính đẳng cấp quốc tế; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao vị thế thành phố trên trường quốc tế. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Huy Hoàng, để hiện thực hóa các cơ hội này, Thành phố Hồ Chí Minh cần thận trọng, tập trung hoàn thiện khung pháp lý, đầu tư đồng bộ hạ tầng, nhất là hạ tầng số và logistics tài chính-phát triển nhân lực chất lượng cao, cùng cơ chế quản lý linh hoạt, minh bạch, phù hợp chuẩn mực toàn cầu.

(Còn nữa)

ANH TUẤN và HOÀNG LIÊM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-luc-tang-truong-moi-tu-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-post893689.html