Động lực then chốt phát triển kinh tế - xã hội

Nhận thức rõ vai trò của khoa học - công nghệ (KH-CN) đối với sự phát triển của đất nước, Đảng ta đã sớm ban hành nhiều nghị quyết về KH-CN. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các quyết định về chiến lược phát triển KH-CN. Tháng 4-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 418/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định: 'Phát triển KH-CN cùng với GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. KH-CN phải đóng vai trò chủ đạo để tạo được bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước'.

Tháng 12-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2245/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành KH-CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế.

Tại Đồng Nai, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, KH-CN đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội” là một trong 4 nhiệm vụ trụ cột...

Đó chính là những cơ sở nền tảng vững chắc để cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đẩy mạnh phát triển KH-CN, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động KH-CN của tỉnh đã bám sát những văn bản chỉ đạo, thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực, đưa ra được những giải pháp phù hợp, thiết thực để áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một trong những thành quả hoạt động KH-CN dễ nhận thấy trong nhiệm kỳ vừa qua là sự gia tăng về số lượng, chất lượng của công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH-CN. Các giải pháp, tiến bộ KH-CN đã hiện diện trong mọi mặt của đời sống xã hội, trong tất cả các ngành kinh tế. Điều đáng mừng là tỉnh đã có chính sách phù hợp để thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân tham gia phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập; tích cực tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Về tổ chức KH-CN, so với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, Đồng Nai có các tổ chức khoa học và phát triển công nghệ khá đồng bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật đã được xây dựng và trang bị theo hướng hiện đại; đội ngũ nhân lực có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ... Công tác cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử trong lĩnh vực KH-CN đạt được các thành quả đáng khích lệ. Các hoạt động KH-CN nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cũng phát huy được hiệu quả...

Tuy nhiên, nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động KH-CN của tỉnh cũng không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế như: thị trường KH-CN ở Đồng Nai chỉ mới ở mức hình thành, chưa tạo được môi trường cho thị trường phát triển. Giữa nghiên cứu ứng dụng và triển khai ra diện rộng còn có khoảng cách nhất định. Các vườn ươm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được hình thành, từ đó các ý tưởng, dự án khởi nghiệp chưa được hỗ trợ ươm tạo kịp thời để ươm tạo phát triển và thương mại hóa...

Trong nhiệm kỳ tới, những hạn chế nêu trên cần được khắc phục. Theo xu hướng chung, ngành KH-CN sẽ thực hiện đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý KH-CN và đổi mới sáng tạo, phù hợp với cơ chế thị trường; đồng thời thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm... Việc tập trung phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

H.Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202009/dong-luc-then-chot-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-3023542/