Động lực thúc đẩy Đông Nam Á hướng đến năng lượng hạt nhân
Các chính phủ trên khắp Đông Nam Á đang chú trọng phát triển năng lượng hạt nhân, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng đồng thời đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.

Nhà máy điện hạt nhân Bataan tại Philippines. Ảnh: ABS-CBN News
Theo DW (Đức), nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Đông Nam Á hiện nằm ở tỉnh Bataan của Philippines, cách thủ đô Manila khoảng 64 km.
Nhà máy điện hạt nhân tại Bataan được xây dựng từ tháng 7/1976 và hoàn thành vào năm 1984 với chi phí 1,9 tỷ USD. Tuy nhiên, do các vấn đề tài chính và lo ngại an toàn liên quan đến động đất, nhà máy không bao giờ được nạp nhiên liệu hoặc vận hành. Sau thảm họa Chernobyl vào tháng 4/1986, Tổng thống Philippines khi đó Corazon Aquino đã quyết định đóng cửa nhà máy.
Sau gần 4 thập niên, kế hoạch khôi phục hoạt động nhà máy điện hạt nhân Bataan bỏ hoang đã được đề xuất với lập luận rằng đây là cách nhanh nhất để Philippines đưa năng lượng hạt nhân vào lưới điện. Nếu được đưa vào hoạt động, nhà máy điện hạt nhân Bataan có thể đóng góp tới 5% nguồn cung cấp năng lượng hiện tại của Philippines.
Theo DW, Philippines đang quan tâm đến năng lượng hạt nhân, coi đây là giải pháp để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và do đó hạn chế khí thải nhà kính có hại.
Vào tháng 2, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Raphael Lotilla xác nhận nước này đang mở đường cho một chương trình năng lượng hạt nhân an toàn, bền vững và có trách nhiệm. Bộ trưởng Lotilla khẳng định: “Chương trình này sẽ đảm bảo tương lai năng lượng của quốc gia".
Theo tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember trụ sở tại Anh, Philippines và Indonesia đang dẫn Đông Nam Á về gia tăng phụ thuộc vào than. Với nỗ lực toàn cầu nhằm cắt giảm khí thải nhà kính, sức hấp dẫn của năng lượng hạt nhân là rõ ràng. Bản thân năng lượng hạt nhân gần như không tạo ra carbon dioxide hoặc các khí nhà kính khác.
Philippines đang hướng đến mục tiêu dần đưa năng lượng hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của quốc gia này. Philippines bắt đầu với mục tiêu đạt công suất 1.200 megawatt (MW) vào năm 2032, và 4.800 MW vào năm 2050.
Không chỉ Philippines, hầu hết các nước Đông Nam Á khác cũng đang “để mắt” nhiều hơn đến năng lượng hạt nhân bởi tiềm năng phát điện của nó và mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Trong 15 năm tới, Indonesia đặt mục tiêu sản xuất 75% điện năng từ các nguồn năng lượng "sạch", bao gồm cả hạt nhân. Nhưng những kế hoạch này vẫn còn trong giai đoạn thai nghén. Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân được lên kế hoạch bắt đầu vào năm 2032 và khuôn khổ quản lý hạt nhân vẫn chưa được ban hành.