Người ươm mầm những nghiên cứu công nghệ sinh học

Với đam mê công nghệ sinh học, đến nay, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hiếu, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cùng cộng sự đã sở hữu gần 100 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học, trong đó có tạp chí khoa học quốc tế uy tín, có sức lan tỏa lớn.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hiếu (giữa) trong lễ bổ nhiệm chức danh Giáo sư. (Ảnh CTV)

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hiếu (giữa) trong lễ bổ nhiệm chức danh Giáo sư. (Ảnh CTV)

Ngay từ thời trung học, Trần Văn Hiếu đã có năng khiếu về môn sinh học qua các lần mổ tiêu bản, từ đó anh bén duyên và gắn bó với con đường nghiên cứu công nghệ sinh học một cách tự nhiên. Là sinh viên khóa đầu tiên của ngành Công nghệ sinh học, Trường đại học Khoa học tự nhiên, sau khi tốt nghiệp, Trần Văn Hiếu tiếp tục học thạc sĩ, sau đó học tiếp tiến sĩ tại Trường đại học Würzburg (Đức), chuyên ngành miễn dịch-nhiễm trùng. Anh được phong Phó Giáo sư năm 2016, và Giáo sư năm 2024 khi 44 tuổi. Hiện anh là Trưởng phòng thí nghiệm cảm biến sinh học, Khoa Sinh học- Công nghệ sinh học, Trường đại học Khoa học tự nhiên. Trong quá trình nghiên cứu, Giáo sư Hiếu đã có những phát hiện mới, tạo tiềm năng ứng dụng từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm cao.

“Nghiên cứu là để có sản phẩm”, Giáo sư Hiếu nói. Và với quan niệm này, anh cùng cộng sự tham gia Chương trình Nghiên cứu Tây Nam Bộ, giai đoạn 2018-2020, với sản phẩm que test nhanh bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm. Đây là loại bệnh có mối nguy hại lớn đối với nghề nuôi tôm tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đến thời điểm này, chưa có thuốc trị bệnh hiệu quả, mà chủ yếu đưa ra các biện pháp phòng bệnh để hạn chế thiệt hại tôm nuôi. Để phát hiện bệnh sớm, giảm thiệt hại cho nông dân, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Hiếu đã nghiên cứu thành công que test phát hiện bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm, có cơ chế hoạt động như que test Covid-19, chỉ 15 phút sau cho kết quả. Ưu điểm của que test này là rất tiện dụng, tiết kiệm được thời gian, chi phí, thay vì người nuôi tôm đưa mẫu đi xét nghiệm, mất hai hoặc ba ngày sau mới biết kết quả. “Phương pháp này giúp chủ ao nuôi xác định mầm bệnh ngay trong giai đoạn tôm giống để loại bỏ chúng. Nếu không may tôm bị nhiễm bệnh, chủ ao sẽ thực hiện ngay các biện pháp cách ly để phòng tránh lây lan gây tốn kém chi phí”, Giáo sư Hiếu cho biết. Nghiên cứu này tạo nền tảng cho việc phát triển bất kỳ que thử nhanh cho bất kỳ bệnh mới nổi nào không chỉ trong thủy sản mà cả trong thú y nói chung.

Bên cạnh các nghiên cứu trong ngành thủy sản, Giáo sư Hiếu cùng cộng sự luôn trăn trở với việc tạo ra vắc-xin thế hệ mới. Anh nói, các vắc-xin hiện nay chủ yếu dạng tiêm. Tuy nhiên, với những bệnh đường hô hấp, vắc-xin dạng tiêm không đáp ứng tại vị trí nhiễm ở phổi. Do đó, cần có loại dạng hít để tăng khả năng đáp ứng, tiêu diệt và loại bỏ virus tốt hơn. Theo Giáo sư Hiếu, rào cản trong nghiên cứu vắc-xin hiện nay là dạng tiêm được xây dựng theo quy trình truyền thống, cho nên việc phát triển các loại vắc-xin đường hít sẽ gặp khó khăn do đây là hướng tiếp cận khác biệt. Mặt khác, vắc-xin dạng hít sẽ gặp vấn đề là trong phổi có lớp màng nhầy và luôn di chuyển, thay mới liên tục. Khi vắc-xin được đưa vào nó có khả năng bị loại bỏ, nên phải tính toán liều lượng phù hợp và nghiên cứu bào chế vắc-xin đi vào đúng nơi cần tiêu diệt virus gây bệnh theo cơ chế nhắm trúng đích. “Đây là quá trình nghiên cứu rất dài với nhiều giai đoạn khác nhau để cho ra kết quả cuối cùng”, Giáo sư Hiếu nhấn mạnh.

Một nghiên cứu khác của nhóm nghiên cứu của anh là chế tạo ra một dạng gel giúp da liền nhanh hơn sau bỏng. Thử nghiệm trên chuột ở độ bỏng mức 3 cho thấy, tốc độ liền vết thương khi sử dụng gel nhanh hơn nhiều lần so với chuột không sử dụng. Bệnh nhân khi bị bỏng rất ngại thay băng, với khu vực bị bỏng càng rộng thì tiết dịch ngày càng nhiều. Vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu sản phẩm vừa có khả năng hút dịch, vừa có thể giúp liền da nhanh, giảm đau đớn cho bệnh nhân. Dạng gel nhóm nghiên cứu chế tạo xuất phát từ cơ chế con người bị tổn thương ngoài da sẽ tự sản sinh ra dạng protein có khả năng kích thích liền da. Từ cơ sở này, nhóm nghiên cứu tự tạo ra lượng protein này ở lượng lớn hơn và cấy trở lại trên da dạng gel bôi hoặc miếng dán trong suốt bằng polymer phân hủy sinh học hoặc dạng phun tùy theo nhu cầu người dùng. Ngoài nhanh lành vết thương, sản phẩm còn giúp không để lại sẹo lồi, tăng tính thẩm mỹ khi hoàn thành điều trị. Hiện nhóm nghiên cứu đang phối hợp một bệnh viện để xây dựng mô hình thử nghiệm nhằm tiến tới các bước tiếp theo.

Hơn 20 năm nghiên cứu khoa học, đến nay, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hiếu cùng cộng sự có gần 100 công bố khoa học (có 40 công bố trên các tạp chí uy tín thế giới). Anh còn là tác giả duy nhất của một cuốn sách chuyên khảo, hai giáo trình, một sách hướng dẫn và giành nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học. Là người có đam mê nghiên cứu khoa học, nhất là lĩnh vực sinh học, Giáo sư Hiếu luôn trăn trở và mong muốn nghiên cứu của nhà khoa học sẽ được thương mại hóa, giải quyết những vấn đề bức thiết của xã hội. “Nhà khoa học nào cũng muốn nghiên cứu của mình được ứng dụng, không ai muốn cất ngăn kéo cả. Nhưng muốn vậy, các cơ chế thủ tục hành chính, xác định quyền sở hữu, định giá sản phẩm… cần được thực hiện với quy định thuận lợi hơn cho nhà khoa học”, Giáo sư Hiếu chia sẻ.

PHÚC UYÊN – KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguoi-uom-mam-nhung-nghien-cuu-cong-nghe-sinh-hoc-post869959.html