Động lực thúc đẩy Nhật Bản tham gia liên minh tình báo Ngũ Nhãn

Trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tiếp tục gia tăng, Nhật Bản đang xúc tiến việc gia nhập liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes).

Nếu được tất cả các thành viên đồng ý, đặc biệt là với sự khuyến khích từ Mỹ, thì việc Nhật Bản chính thức tham gia Ngũ Nhãn (Five Eyes) sẽ khá thuận lợi. (Nguồn: Globaltimes)

Nếu được tất cả các thành viên đồng ý, đặc biệt là với sự khuyến khích từ Mỹ, thì việc Nhật Bản chính thức tham gia Ngũ Nhãn (Five Eyes) sẽ khá thuận lợi. (Nguồn: Globaltimes)

Tuần này, Đại sứ Nhật Bản tại Australia Shingo Yamagami đã chia sẻ với tờ The Sydney Morning Herald rằng ông “lạc quan” về việc Nhật Bản sắp tham gia liên minh này.

Quyết định trên được đưa ra khi New Zealand lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc lợi dụng Five Eyes để gây áp lực với Trung Quốc. Vậy liên minh gián điệp này là gì? Đâu là những lợi ích và rủi ro khi Nhật Bản tham gia Five Eyes?

Five Eyes là gì?

Five Eyes có nguồn gốc từ một thỏa thuận trao đổi thông tin tình báo giữa Mỹ và Vương quốc Anh năm 1943, sau đó chính thức trở thành Thỏa thuận Anh - Mỹ năm 1946. Năm 1948, đến lượt Canada tham gia liên minh này, tiếp đó là Australia và New Zealand vào năm 1956.

Sự hợp tác lâu dài này đặc biệt hữu ích cho việc chia sẻ thông tin tình báo qua tín hiệu (SIGINT), hoặc thông tin tình báo thu thập được từ các cơ quan thông tin và liên lạc. Theo thời gian, trọng tâm của nhóm này đã thay đổi, từ việc hướng mục tiêu vào Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sau đó chuyển sang chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, và đến thách thức ngày càng lớn từ Trung Quốc hiện nay.

Cơ sở hạ tầng tình báo của Nhật Bản

Nhật Bản hiện sở hữu năng lực tình báo truyền thống đặc biệt. Sau cuộc Duy tân Minh Trị thế kỷ XIX, quân đội, hải quân và Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phát triển các mạng lưới tình báo rộng rãi. Những mạng lưới này đã giúp đế quốc Nhật Bản trỗi dậy trong các cuộc chiến với Trung Quốc, Nga và cuối cùng là các đồng minh phương Tây trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Sau chiến tranh, các cơ quan tình báo của Nhật Bản đã được cải tiến dưới sự giám sát của Mỹ. Kể từ đó, Nhật Bản trở thành một căn cứ quan trọng cho các hoạt động tình báo của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là các hoạt động của tình báo quân sự, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Cộng đồng tình báo Nhật Bản hiện gồm nhiều cơ quan, trong đó có Cục Tình báo Tín hiệu của Bộ Quốc phòng, cung cấp thông tin tình báo tín hiệu trong khu vực. Do nằm gần Trung Quốc, Triều Tiên và Nga, nên Nhật Bản có thể sẽ là một sự bổ sung quan trọng cho Five Eyes.

Nhật Bản cũng dành sự ưu tiên cho việc chia sẻ thông tin tình báo chính thức với phương Tây. Giống như việc hợp tác lâu dài với Mỹ, Nhật Bản đã ký một Thỏa thuận An ninh Thông tin với Australia vào năm 2012. Cuối năm 2016, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã ký một thỏa thuận 3 bên tương tự nhằm tăng cường hợp tác an ninh bí mật.

Mối quan hệ thân thiết Nhật - Mỹ được thể hiện trong chuyến thăm Washington của Thủ tướng Yoshihide Suga vào tuần trước. Các cuộc đàm phán ở Washington tập trung chủ yếu vào vấn đề Trung Quốc. Ông Suga cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Tổng thống Joe Biden tiếp đón.

Sự lưỡng lự trong việc mở rộng nhóm

Mặc dù Five Eyes thường hợp tác với các cơ quan tình báo của Nhật Bản trên cơ sở đặc biệt - giống với Pháp, Đức và Israel - nhưng cho đến nay, các thành viên của nhóm này vẫn ngần ngại trong việc chính thức mở rộng liên minh này.

Trước đây, Mỹ đặc biệt nghi ngờ về độ bảo mật và tin cậy của cộng đồng tình báo Nhật Bản. Đáng lưu ý, điều này bắt nguồn từ mối lo ngại về sự thiếu kinh nghiệm của cộng đồng tình báo Nhật Bản ở nước ngoài.

Năm 2013, chính quyền cựu Thủ tướng Abe đã đưa ra quyết định gây tranh cãi khi thông qua Luật Bí mật Nhà nước Chỉ định nhằm khắc phục những điểm yếu nói trên và biến Nhật Bản trở thành một đối tác an ninh có giá trị hơn. Sau đó, các cơ quan tình báo Nhật Bản đã tiếp tục được cải tổ dưới sự chỉ đạo tập trung chặt chẽ hơn của Hội đồng An ninh Quốc gia, qua đó giúp nâng tầm năng lực tình báo của nước này lên một mức nhất định.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề phức tạp hơn đã nảy sinh khi New Zealand thể hiện sự do dự trong việc tận dụng Five Eyes để gây áp lực với Trung Quốc. Điều này có nguy cơ làm suy yếu sự thống nhất và ổn định của liên minh, thậm chí làm tăng khả năng New Zealand rời khỏi Five Eyes.

Quan hệ với Trung Quốc

Mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc - quốc gia láng giềng và là đối tác thương mại chính của nước này - có thể là một trở ngại. Mối quan hệ này đã được kiểm soát tương đối thành công dưới thời chính quyền Abe khi các lợi ích chung về thương mại và đầu tư được ưu tiên. Đến thời Thủ tướng Suga, mặc dù chủ trương này vẫn được tiếp nối, nhưng các thành viên “diều hâu” hơn trong chính quyền Nhật Bản đang bắt đầu thúc đẩy một đường lối cứng rắn hơn chống lại Trung Quốc.

Trong bối cảnh cuộc tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tiếp tục kéo dài, bên cạnh các cuộc biểu dương lực lượng quyết đoán hơn của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), quan hệ Trung-Nhật đã trở nên căng thẳng hơn rất nhiều. Vì Nhật Bản đang “đối đầu” với Trung Quốc, nên việc trở thành thành viên Five Eyes có thể giúp Nhật Bản cải thiện vị trí chiến lược, thông qua sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các đối tác trong liên minh.

Sự thay đổi lãnh đạo ở Nhật Bản

Triển vọng khả quan nhất cho việc Nhật Bản tham gia Five Eyes có lẽ nằm ở Bộ trưởng Nội các Taro Kono. Ông là bộ trưởng phụ trách vấn đề cải cách hành chính, chịu trách nhiệm giám sát việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Nhật Bản. Trong nhiệm kỳ bộ trưởng quốc phòng trước đây của mình, ông Kono đã nhiệt tình ủng hộ việc Nhật Bản tham gia Five Eyes.

Một bộ trưởng năng động, am hiểu về truyền thông và đầy tham vọng như Taro Kono sẽ được nhiều người ủng hộ để thay thế Thủ tướng Suga, nếu ông Suga không vượt qua cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vào tháng 9 tới. Hạ viện Quốc hội Nhật Bản nhiều khả năng cũng sẽ tổ chức một cuộc bầu cử vào tháng 10 năm nay.

Môi trường an ninh sẽ là yếu tố quyết định

Nhìn chung, một môi trường an ninh đe dọa hơn có thể thúc đẩy quá trình hướng tới Lục Nhãn (Six Eyes).

Trung Quốc từng bị cáo buộc liên quan đến một cuộc tấn công mạng nhằm vào Quốc hội Australia năm 2019. Trong khi đó, Trung tâm Phòng chống Gián điệp và An ninh Quốc gia Mỹ (NCSC) vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của vụ tấn công mạng SolarWinds trên quy mô lớn của Nga, cũng như sự can thiệp của Moskva vào các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và 2020.

Tuần này, Cảnh sát Thủ đô Tokyo cho rằng PLA đứng sau hàng trăm cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty, trường đại học và cơ quan chính phủ của Nhật Bản, bao gồm cả Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Điều này chắc chắn sẽ khiến luồng dư luận phản đối Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn.

Nếu được tất cả các thành viên đồng ý, đặc biệt là với sự khuyến khích từ Mỹ, thì việc Nhật Bản chính thức tham gia Five Eyes sẽ khá thuận lợi. Nếu môi trường an ninh khu vực tiếp tục xấu đi, việc tuyên bố thành lập liên minh Six Eyes với sự góp mặt của Nhật Bản sẽ là một tín hiệu ngoại giao rõ ràng cho thấy quyết tâm của các nước nhằm đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực tình báo và gián điệp.

(theo SANA)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-luc-thuc-day-nhat-ban-tham-gia-lien-minh-tinh-bao-ngu-nhan-143270.html