Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 15/1, Quốc hội khóa XV đã khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Chia sẻ bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng các Luật và Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này sẽ là động lực quan trọng, cần thiết để hỗ trợ Chính phủ trong công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại thời điểm hiện nay.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tháo gỡ vướng mắc trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai

Quan tâm đến nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đánh giá, công tác chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, chu đáo, các nội dung dự kiến Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp này đã được chuyển tải về cho các Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương để các Đoàn có thời gian tổ chức lấy ý kiến đóng góp. Đặc biệt là đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trước đó đã được rà soát, điều chỉnh sau khi Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6.

Theo đại biểu tỉnh Long An, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của đất nước, thể hiện tính tuân thủ nghiêm túc của công tác lập pháp.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), những nội dung dự kiến xem xét, quyết định trong Kỳ họp bất thường lần này đều là những vấn đề lớn, quan trọng, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, những "điểm nghẽn". Nếu không được tháo gỡ kịp thời thì những "điểm nghẽn" này là lực cản lớn trong nỗ lực hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024 nói riêng và của cả nhiệm kỳ nói chung.

Với Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu cho rằng, hiện nay đang gặp quá nhiều "điểm nghẽn" trong quản lý đất đai do Luật Đất đai hiện hành đang có nhiều vướng mắc so với thực tiễn phát triển của xã hội. Những khó khăn này phần nào tạo thành lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thậm chí có cả những xung đột pháp lý giữa Luật Đất đai hiện hành với một số luật khác trong những quy định cụ thể.

Đại biểu tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ, giải tỏa khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai là vô cùng cần thiết và cấp bách. Chính vì thế, việc xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có ý nghĩa then chốt trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mọi chỉ tiêu kế hoạch của cả nhiệm kỳ.

“Tôi cũng kỳ vọng khi Quốc hội thảo luận và thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc và khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua như tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương được giao còn rất chậm”, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhấn mạnh.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 -2025, thời gian qua triển khai còn chậm.

Đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến chậm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia là do ách tắc từ cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện còn vướng mắc nên cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

“Tôi kỳ vọng Quốc hội sẽ họp tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để việc giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia được đến tận người dân. Đây cũng là trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan quản lý Nhà nước đối với người dân ở các chương trình nhằm góp phần tăng trưởng GDP và tháo gỡ khó khăn cho người dân ở các vùng miền được thụ hưởng chính sách”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, một trong những nội dung mà đại biểu quan tâm tại Kỳ họp bất thường lần này là việc tăng nguồn vốn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để phát triển ngành điện, hòa mạng được lưới điện quốc gia từ miền Trung kéo ra miền Bắc, cũng như thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không được để xảy ra thiếu điện cục bộ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Theo đại biểu, Quốc hội cũng cần xem xét trong thời gian qua hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN có thuận lợi, khó khăn như thế nào để khi quyết định tăng vốn thì hoạt động của EVN phải hiệu quả hơn.

Trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đặc biệt quan tâm đến tiến độ giải ngân cho chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Quốc hội phải xem xét nguyên nhân chậm giải ngân là ở đâu. Nếu về mặt chủ quan, cần có chế tài xử lý người đứng đầu; còn về mặt khách quan, phải có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc. Theo đại biểu, việc giải ngân chậm không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển GDP mà còn ảnh hưởng tới việc đảm bảo cuộc sống, sinh kế của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nên được thực hiện ngay từ đầu năm 2024.

Để các nội dung của Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đạt hiệu quả, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, khi các luật đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ ra nghị định, văn bản hướng dẫn chi tiết, các địa phương, bộ, ban, ngành... cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong tổ chức tuyên truyền, vận động, triển khai một cách hiệu quả. Còn các chương trình mục tiêu quốc gia đã có Nghị quyết được thông qua cũng phải có sự tuyên truyền để các địa phương, cơ sở phối hợp, triển khai theo đúng thẩm quyền, chức năng…

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/dong-luc-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-20240115190615936.htm