Động lực thúc đẩy phát triển KT - XH ở Vị Xuyên

Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) được triển khai trên địa bàn huyện Vị Xuyên từ năm 2015 với 4 xã, 54 thôn, bản được thụ hưởng. Sau 5 thực hiện, chương trình đã góp phần làm thay đổi rõ rệt các chỉ số về kinh tế, lao động việc làm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ sở hạ tầng tại các xã vùng dự án, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy giảm nghèo và phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở địa phương.

Thành viên Nhóm tiết kiệm tín dụng của phụ nữ xã Thuận Hòa được hỗ trợ vốn nuôi lợn đen. Ảnh: CTV

Thành viên Nhóm tiết kiệm tín dụng của phụ nữ xã Thuận Hòa được hỗ trợ vốn nuôi lợn đen. Ảnh: CTV

Linh Hồ là địa phương nằm trong vùng dự án, trước đây xã thuộc diện đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, người dân chủ yếu sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không có sự liên kết nên thu nhập khá thấp. Sau khi triển khai chương trình, xã đã vận động nhân dân thành lập các nhóm cùng sở thích để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, các nhóm sở thích chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, trồng nấm,… được hình thành, với nguồn hỗ trợ từ Chương trình CPRP 110 triệu đồng/nhóm, các nhóm đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, cùng hỗ trợ sản xuất, chế biến và tìm kiếm thị trường.

Nhờ đó, đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, các mối liên kết trong sản xuất từng bước được hình thành. Đến hết năm 2018, xã Linh Hồ thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 28 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8%. Bí thư Đảng ủy xã Linh Hồ Nguyễn Xuân Hải nhận định: Chương trình CPRP đã giúp nhân dân thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ tập quán canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, giá trị kinh tế được nâng cao, giúp nhân dân cải thiện sinh kế, gia tăng thu nhập, góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

Sau 5 năm đồng hành cùng địa phương, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình CPRP tại Vị Xuyên đạt 75.357,328 triệu đồng. Tổ hỗ trợ Chương trình CPRP của huyện đã xây dựng 9 kế hoạch nâng cấp chuỗi giá trị (VCAP) tại 4 xã thực hiện chương trình, gồm: Chuỗi gà và lợn đen tại xã Linh Hồ; chuỗi sắn và trâu tại xã Thuận Hòa; chuỗi chè và Thảo quả tại 2 xã Cao Bồ, Thượng Sơn và chuỗi dê. Qua triển khai các VCAP đã thành lập được 69 nhóm cùng sở thích (CIG) với tổng số tiền được nhận tài trợ từ chương trình là 7.073,506 triệu đồng. Các nhóm CIG đã mở rộng quy mô sản xuất, tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của chương trình để cho vay quay vòng.

Công tác tập huấn, đào tạo nghề cũng được chú trọng. Tổ chức 38 lớp tập huấn cho 1.820 học viên với các nội dung: Lập phương án sản xuất, kinh doanh, phân tích kinh tế, tìm hiểu thị trường, quản lý nhóm CIG cho trưởng nhóm và thư ký nhóm, chế biến bảo quản và liên kết tiêu thụ sản phẩm... Tổ chức 22 lớp tập huấn quản lý kinh tế hộ cho thành viên nhóm Tiết kiệm tín dụng với 686 thành viên tham gia. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 76 nhóm Tiết kiệm tín dụng phụ nữ với 925 thành viên. Có 828 thành viên được vay vốn với tổng dư nợ trên 9 tỷ đồng. Trong đó, có 72 nhóm huy động được tiết kiệm với tổng số tiền là 455.410.000 đồng.

Ngoài ra, chương trình hỗ trợ 8 nhóm CIG Sản xuất và chế biến chè, thiết kế và in ấn nhãn mác cho sản phẩm chè xanh sấy khô, đăng ký mã vạch truy xuất hàng hóa sản phẩm. Ký hợp đồng liên kết với một số hộ kinh doanh tại thị trấn Vị Xuyên để giới thiệu và bán các sản phẩm mang thương hiệu của địa phương, đến nay tại một số cơ sở đã có những sản phẩm để giới thiệu và bán ra thị trường.

Từ khi triển khai chương trình đến nay, Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng cộng đồng đã đầu tư 33 đầu điểm công trình gồm: Làm đường bê tông dài 36.353 m, xây dựng 2 cầu cứng và 3 công trình thủy lợi với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng, cho 4.680 hộ hưởng lợi trực tiếp. Các công trình được đầu tư đã góp phần giảm thiểu khó khăn trong quá trình đi lại cho bà con nhân dân, thúc đẩy giao thương giảm chi phí đi lại, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa, cải thiện thu nhập cho người dân.

Sau 5 năm đồng hành cùng huyện, chương trình đã góp phần làm thay đổi rõ rệt các chỉ số về kinh tế, lao động việc làm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ sở hạ tầng,... điển hình như: Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2015 là 7.962 hộ, chiếm 33,5%, đến năm 2019 giảm xuống còn 4.918 hộ, chiếm 19,36%. Như vậy đã có 3.044 hộ thoát nghèo trong vòng 5 năm qua. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 27,5 triệu đồng, tăng 43,2% so với năm 2015.

Với nhiều hoạt động thúc đẩy sản xuất hàng hóa và giảm nghèo bền vững như: Phát triển hạ tầng nông thôn; hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư thiết bị hiện đại, mở rộng sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; hỗ trợ địa phương xây dựng chuỗi giá trị các loại cây, con chủ lực; xây dựng quy trình sản xuất và chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm... Chương trình CPRP đã trở thành người bạn “đồng hành” giúp nhân dân Vị Xuyên, đặc biệt là người dân vùng dự án nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202008/dong-luc-thuc-day-phat-trien-kt-xh-o-vi-xuyen-764314/