Động lực và động cơ...

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,23%, là mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm khác trong điều kiện bình thường. Do đó, chúng ta cần có cái nhìn thật sự thẳng thắn đối với thực trạng nền kinh tế để tìm hướng ra phù hợp.

Chính phủ xác định 3 động lực quan trọng cho tăng trưởng là đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Nếu coi những động lực này là cỗ máy để tạo lực đẩy cho nền kinh tế thì động cơ của nó đang rất yếu, khó bứt phá, nếu không muốn nói là ngày càng hao mòn.

Cụ thể, về đầu tư công, không phủ nhận trong những giai đoạn khủng hoảng, khó khăn, động lực này phát huy được vai trò quan trọng. Tính đến nay, cả nước đã giải ngân vốn công đạt khoảng 60%, tăng trưởng hơn 23% so với năm trước và tăng trên 100.000 tỉ đồng về giá trị tuyệt đối. Con số thể hiện kết quả giải ngân vốn đầu tư công có nhiều tiến bộ song vẫn còn tình trạng "có tiền mà không chi được" trong khi nhiều chỗ đang rất cần tiền. Nguyên nhân thì ai cũng biết, cũng nghe nhưng tháo gỡ thế nào vẫn còn là câu hỏi. Không thể tháo gỡ từng điểm, từng dự án bởi nếu vậy, năm sau, năm sau nữa vẫn cứ mãi tháo gỡ.

Về động lực xuất khẩu, chưa khi nào mức độ sụt giảm lại sâu và kéo dài như giai đoạn hiện nay. Dù một số ngành đã khởi sắc song tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Khả năng bứt phá của động lực này chưa rõ nét bởi phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài mà chúng ta không thể kiểm soát.

Tiêu dùng nội địa được xem là động lực đáng để kỳ vọng nhưng còn nhiều khó khăn cần phải xử lý. Tăng trưởng bán lẻ đang có xu hướng giảm khi tụt từ 15%-17%/tháng hồi đầu năm xuống mức tăng chỉ 6%-7%/tháng hiện nay.

Trong 3 năm đầu của nhiệm kỳ 2021 - 2025, tăng trưởng GDP đạt lần lượt 2,51%; 8,02% và dự kiến khoảng 5%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 7%/năm cho cả nhiệm kỳ, tăng trưởng bình quân trong 2 năm tiếp theo phải ở mức trên 10% - mức mà Việt Nam chưa khi nào đạt được. Đưa ra tính toán này để thấy rằng đang có áp lực rất lớn buộc chúng ta phải thay đổi, tìm giải pháp mới với cách tiếp cận phi truyền thống để hỗ trợ mạnh mẽ cho những động lực đang chờ bứt phá.

Vậy cách tiếp cận phi truyền thống là gì? Đó là mạnh dạn cắt bỏ tối đa điều kiện kinh doanh, quy định hành chính cản trở hoạt động của doanh nghiệp, thay vì tư duy chỉ dừng ở "đơn giản hóa thủ tục". Quan trọng hơn cả là để thị trường vận động theo cách của nó bởi thị trường có khả năng làm tốt hơn nhiều so với cách quản lý bằng quá nhiều quy định hành chính. Việc này cũng phần nào giúp giảm bớt nỗi lo làm sai, kích thích doanh nghiệp yên tâm làm ăn, dám nghĩ, dám làm trên cơ sở tuân thủ pháp luật.

Các tính toán cho thấy cứ mỗi 10 năm, nếu vẫn duy trì cách tiếp cận truyền thống, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm 1 điểm %. Nếu không có đột phá về tư duy và cách tiếp cận, tôi e rằng chúng ta sẽ lại đi theo đường ray lịch sử, khó có thể bứt phá. Như thế, trong giai đoạn 10 năm này, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng bình quân 5,5%/năm.

Phương Nhung ghi

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/dong-luc-va-dong-co-20231103222105929.htm