Động lực và tia hy vọng mới cho mối quan hệ giữa Mỹ và Iran

Cuộc gặp mặt tại Oman mang lại tia hy vọng mới sau hàng thập kỷ căng thẳng. Liệu Mỹ và Iran có thật sự sẵn sàng hàn gắn quan hệ, hướng tới thỏa thuận hạt nhân?

Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi (phải) và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Trung Đông Steve Witkoff. Ảnh: PressTV/TTXVN

Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi (phải) và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Trung Đông Steve Witkoff. Ảnh: PressTV/TTXVN

Sau nhiều năm căng thẳng leo thang và thiếu vắng các cuộc đối thoại trực tiếp, Iran và Mỹ dường như đã có một bước tiến đáng kể trong nỗ lực xây dựng lại lòng tin. Theo nhận định của cựu nhà ngoại giao Ấn Độ MK Bhadrakumar trên trang Eurasiareview.com ngày 14/4, các cuộc đàm phán vừa diễn ra tại Muscat, Oman, đã mở ra một chương mới đầy hy vọng trong mối quan hệ vốn đầy rẫy những hoài nghi và đối địch này.

Tín hiệu tích cực đầu tiên đến từ thị trường tài chính Iran, khi đồng nội tệ của nước này đã tăng gần 6% vào ngày 13/4, một phản ứng nhạy bén từ tình hình chính trị ở Tehran. Quan trọng hơn, hai nhà đàm phán chủ chốt, Đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff của phía Mỹ và Ngoại trưởng Abbas Araqchi của Iran, đã thống nhất sẽ tiếp tục gặp gỡ vào ngày 19/4 tới, chỉ một tuần sau khi họ báo cáo tình hình và tìm kiếm chỉ đạo mới từ Washington và Tehran.

Cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Iran đều đưa ra những đánh giá lạc quan về vòng đàm phán vừa qua. Phía Mỹ gọi các cuộc thảo luận là "tích cực và mang tính xây dựng", đồng thời đánh giá cao việc "giao tiếp trực tiếp là một bước tiến trong việc đạt được kết quả có lợi cho cả hai bên". Ông Witkoff cũng chia sẻ quan điểm này khi mô tả các cuộc đàm phán là "rất tích cực và mang tính xây dựng". Về phía Iran, Bộ Ngoại giao nước này nhận định các cuộc đàm phán diễn ra trong "bầu không khí xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau". Đặc biệt, ông Araqchi còn tiết lộ trên đài truyền hình quốc gia rằng các cuộc đàm phán đã đưa hai bên đến gần hơn với việc thiết lập "cơ sở đàm phán" cho các cuộc thảo luận trong tương lai.

Một chi tiết đáng chú ý khác là việc ông Araqchi gợi ý rằng địa điểm cho vòng đàm phán tiếp theo có thể thay đổi, dù Oman vẫn sẽ tiếp tục vai trò trung gian. Điều này cho thấy sự linh hoạt và có thể là những tính toán chiến lược sâu sắc hơn trong cách tiếp cận của cả hai bên.

Phát biểu trước công chúng trong nước, ông Araqchi đã làm rõ hơn về mục tiêu của các cuộc đàm phán, đó là xây dựng một chương trình nghị sự có cấu trúc dựa trên một mốc thời gian cụ thể. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhất trí tổ chức vòng đàm phán thứ hai và trong phiên họp tiếp theo, chúng tôi sẽ đi sâu vào khuôn khổ chung mà một thỏa thuận có thể đạt được để xem quá trình này có thể tiến triển đến đâu". Việc đặt ra một nền tảng vững chắc cho các cuộc đàm phán được xem là ưu tiên hàng đầu, bởi "nếu chúng tôi có thể hoàn thiện cơ sở trong cuộc họp tiếp theo… chúng tôi có thể bắt đầu các cuộc thảo luận thực sự dựa trên cơ sở đó".

Bầu không khí tại các cuộc đàm phán Muscat cũng được mô tả là "bình tĩnh và rất tôn trọng", không có "ngôn ngữ không phù hợp" nào được sử dụng. Cả hai phái đoàn đều thể hiện "quyết tâm thúc đẩy các cuộc đàm phán cho đến khi đạt được thỏa thuận mong muốn cho cả hai bên và dựa trên cơ sở bình đẳng". Điều đó cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong thái độ, khi cả Iran và Mỹ đều không còn muốn sa lầy vào "các cuộc đàm phán vô nghĩa" kéo dài. Mục tiêu chung là đạt được thỏa thuận "trong thời gian ngắn nhất", dù cả hai bên đều thừa nhận rằng điều này "sẽ không dễ dàng và đòi hỏi sự quyết tâm rất cao".

Tiến sĩ Mohammad Jafar Qaempanah, một nhân vật thân cận với Tổng thống Iran, cũng bày tỏ sự lạc quan khi nhận định rằng các cuộc đàm phán "đã được tiến hành tốt đẹp với sự tôn nghiêm, thận trọng, nhanh chóng và phù hợp với lợi ích của người dân Iran".

Phản ứng ban đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đáng chú ý. Ông nói với giới truyền thông từ Không lực Một: "Không có gì quan trọng cho đến khi bạn hoàn thành nó, vì vậy tôi không thích nói về nó, nhưng mọi thứ đang diễn ra ổn. Tình hình Iran đang diễn ra khá tốt, tôi nghĩ vậy". Dù vậy, ông vẫn tái khẳng định lập trường cứng rắn về chương trình hạt nhân của Iran: "Tôi muốn Iran trở thành một đất nước tuyệt vời, vĩ đại và hạnh phúc, nhưng họ không thể có vũ khí hạt nhân".

Ngoài ra, không thể bỏ qua sự tồn tại của những tiếng nói hoài nghi từ cả hai phía. Những người theo đường lối cứng rắn ở cả Mỹ và Iran có thể sẽ tìm cách cản trở tiến trình này. Bên cạnh đó, các bên thứ ba với những lợi ích riêng cũng có thể gây ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán. Việc Iran từ chối sự trung gian ban đầu của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar để chọn Oman cho thấy sự phức tạp trong các mối quan hệ khu vực và mong muốn của Tehran trong việc đảm bảo Israel "cách ly khỏi các cuộc đàm phán".

Dù vậy, vòng đàm phán đầu tiên ở Muscat vẫn được xem là một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ đầy thách thức giữa Tehran và Washington. Các nguồn tin từ Tehran cho biết, trọng tâm của các cuộc đàm phán lần này vẫn xoay quanh hai vấn đề cốt lõi và đan xen: nới lỏng các lệnh trừng phạt và vấn đề hạt nhân, tương tự như các cuộc đàm phán trước đây.

Việc đạt được một khuôn khổ đối thoại mà cả hai bên đều chấp nhận có thể mở đường cho việc giảm căng thẳng và quay trở lại con đường ngoại giao. Tất cả các dấu hiệu hiện tại đều cho thấy điều này hoàn toàn khả thi. Điểm mấu chốt là cả Iran và Mỹ đều thể hiện thiện chí giảm leo thang căng thẳng và tìm kiếm một lập trường chung. Những phát biểu tích cực của ông Araqchi về bầu không khí tại Muscat cho thấy, bất chấp sự ngờ vực sâu sắc, cả hai bên đều nhận thức được sự cần thiết của việc tiếp tục thảo luận và quyết tâm tránh bế tắc, khám phá những cơ hội mới.

Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai. Các vấn đề nhạy cảm như thời điểm nới lỏng trừng phạt, phạm vi cam kết hạt nhân và cơ chế xác minh sẽ đòi hỏi sự nhượng bộ và tin tưởng lẫn nhau. Dẫu vậy, việc quay trở lại ngoại giao sau những căng thẳng gia tăng trong thời gian gần đây đã tạo ra một cơ hội quý báu để xây dựng lại lòng tin và điều chỉnh mối quan hệ Mỹ-Iran, ít nhất là ở cấp độ kỹ thuật và thực chất.

Sự lựa chọn ông Witkoff và Ngoại trưởng Araqchi làm nhà đàm phán cũng cho thấy một cách tiếp cận thực tế và kiên nhẫn. Cả hai đang nỗ lực một cách cẩn trọng và sáng tạo để tận dụng khởi đầu tích cực này.

Ông Witkoff thậm chí còn hé lộ về khả năng thỏa hiệp khi trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal rằng, dù "lập trường của chúng tôi ngày hôm nay" bắt đầu bằng yêu cầu Iran phải từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, nhưng "điều đó không có nghĩa là, ở biên độ này, chúng tôi sẽ không tìm ra cách khác để tìm ra sự thỏa hiệp giữa hai nước". Ông nhấn mạnh rằng "ranh giới đỏ của chúng tôi sẽ là, không thể có vũ khí hóa năng lực hạt nhân của (Iran)", và bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm các biện pháp giám sát mở rộng. Các chuyên gia hạt nhân từ Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đang hỗ trợ ông Witkoff trong quá trình đàm phán.

Về phía Iran, nước này liên tục phủ nhận việc tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Esmaeil Baqaei tuyên bố tại Tehran rằng Iran đang "trao cho ngoại giao một cơ hội thực sự với thiện chí. Mỹ nên đánh giá cao quyết định này, được đưa ra bất chấp lời lẽ thù địch của họ".

Tóm lại, cuộc gặp gỡ tại Muscat dường như đã tạo ra một động lực mới và một tia hy vọng trong mối quan hệ vốn đầy trắc trở giữa Iran và Mỹ. Dù con đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng sự sẵn sàng đối thoại trực tiếp và những tín hiệu tích cực từ cả hai phía cho thấy một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng lại lòng tin, một yếu tố then chốt để có thể giải quyết những bất đồng sâu sắc và hướng tới một tương lai ổn định hơn.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dong-luc-va-tia-hy-vong-moi-cho-moi-quan-he-giua-my-va-iran-20250414144147989.htm