'Dòng máu' Việt kiều chảy thế nào ở V.League?

Điều lệ V.League 1-2022 quy định mỗi CLB được đăng ký tối đa 1 cầu thủ Việt Nam gốc nước ngoài và tối đa 3 cầu thủ nước ngoài chính. Cho đến giai đoạn lượt về V.League 2022, 'dòng máu' Việt kiều coi như đã ngưng 'tiếp sức' do đã kết thời hạn chuyển nhượng giữa kỳ. Thử nhìn lại 'dòng máu' này đã 'chảy' như thế nào ở những trận đấu đã qua?

Lee Nguyễn (trái) chỉ cần vài trận đã thể hiện “đẳng cấp”.

Lee Nguyễn (trái) chỉ cần vài trận đã thể hiện “đẳng cấp”.

Có vẻ như CLB TPHCM đã tìm thấy “cứu tinh” khi đưa về Lee Nguyễn từ Mỹ. Ngay trận đầu có mặt (12-8), dù chỉ vào sân từ ghế dự bị Lee Nguyễn “hà hơi” giúp đội quân Nguyễn Đức Thắng chơi không đến nỗi tệ trước T. Bình Định, thậm chí lấn lướt. Chỉ có hơn 100 giây lóe sáng, T. Bình Định mới ngược dòng thắng lợi 2-1. Ở lần thứ 2 ra sân gặp đối thủ cũng thành phố Sài Gòn FC, Lee Nguyễn chơi nổi bật, góp phần mang về chiến thắng 2-1 cho CLB TPHCM. Vận “hên” của CLB TPHCM đã đến cùng với Lee Nguyễn? Hy vọng, tân HLV Trương Việt Hoàng sẽ tận dụng sự có mặt của chàng cầu thủ Việt kiều này để đưa đội bóng vượt khó.

Không chỉ riêng Lee Nguyễn, giai đoạn 2 đăng ký cầu thủ có sự xuất hiện của nhiều cầu thủ Việt kiều. Cái tên đình đám phải kể đến thủ môn Đặng Văn Lâm về với “đại gia” T. Bình Định. Chưa thể ra sân ngay vì lý do sức khỏe và cũng chưa chắc đảm bảo suất bắt chính như tuyên bố của HLV Nguyễn Đức Thắng, nhưng thủ môn cao 1m88 này hy vọng sẽ giúp đội bóng đất Võ giảm thiểu số bàn thua (trước đó là 13 bàn/11 trận) và tìm lại cơ hội là thủ môn số 1 Đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup vào cuối năm nay. Được xem là lắm tiền, nhưng chắc chắn T. Bình Định không chỉ “chơi ngông”, trả lương khủng cho Văn Lâm chỉ để làm “bù nhìn” dọa chim!. Đó là chưa kể trong đội hình T. Bình Định trước đó Adriano Schmidt và Mạc Hồng Quân, những cầu thủ Việt kiều đã nhập tịch. Tuy cơ hội ra sân ít do thể lực và chấn thương, nhưng 2 cầu thủ này ít nhiều dự báo đóng góp nhiều hơn cho đội bóng đất Võ ở lượt về.

Trong đội hình Nam Định xuất hiện trung vệ Steven Đặng. Cầu thủ Việt kiều sinh năm 1997, cao 1m83 này từng đầu quân cho HAGL từ mùa giải 2020 nhưng không được ra sân phút nào từ đó tới nay. Steven Đặng từng tìm kiếm vận may ở SHB Đà Nẵng nhưng không cạnh tranh được với Lương Duy Cương nên đã tìm đến đội bóng thành Nam và được đăng ký để gia cố hàng thủ đội bóng. Ở CLB Hải Phòng, một cầu thủ Việt kiều từ Australia đang rất cố gắng để được đá chính là Martin Lò. Tiền vệ trung tâm này sinh năm 1997, cao 1m65, từng thi đấu cho CLB Phố Hiến ở giải hạng nhất và gia nhập Hải Phòng từ mùa giải 2022. Từng được hy vọng, từng được ông Park Hang-seo gọi tập trung U22 nhưng không trụ nổi nên chắc chắn mọi việc còn vất vả với Martin Lò.

Ở V.League 2-2022, CLB Phố Hiến là nơi đón nhận và trao cơ hội nhiều nhất cho các cầu thủ Việt kiều. Đó là các cầu thủ trẻ có gốc Việt và Cộng hòa Czech là Tony Lê (Lê Tuấn Anh, 1999) và Tomas Nguyễn (Nguyễn Đức Thiện, 2003). Được biết, Tony Lê từng khoác áo T. Bình Định hồi 2021 nhưng chỉ ra sân ít phút ở 3 trận V.League nên khi về Phố Hiến sẽ có nhiều cơ hội thi đấu hơn. Trong khi đó, Tomas Nguyễn trưởng thành từ lò đào tạo Sparta Praha, chơi ở vị trí hậu vệ phải và lần đầu về Việt Nam thi đấu.

Sơ bộ những nhận xét kể trên để thấy cầu thủ Việt kiều là một nguồn đáng kể để bổ sung lực lượng cho các đội bóng, tăng dần chất lượng của V.League. Hơn nữa đây còn là nguồn lực đặc biệt cho Đội tuyển Việt Nam khi đối thủ trong khu vực ồ ạt nhập tịch cầu thủ chất lượng cao như một giải pháp đua tranh thành tích. Trước mắt, giai đoạn lượt về sẽ chứng kiến vai trò của những Lee Nguyễn, Văn Lâm, Steven Đặng, Hồng Quân, Martin Lò hay Tony Lê, Tomas Nguyễn… Đó sẽ là lúc để các chuyên gia theo sát, nắm bắt tình hình và tìm kiếm những cái tên chất lượng cho các đội tuyển.

S.L

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/dong-mau-viet-kieu-chay-the-nao-o-vleague-post265732.html