Đồng minh chủ chốt của Nga cảnh báo rắn về vũ khí hạt nhân
Lãnh đạo Belarus tuyên bố nước này sẽ có phản ứng ngay lập tức nếu khu vực biên giới bị đe dọa.
Theo tờ Newsweek, Tổng thống Belarus Aleksander Lukashenko vừa cảnh báo sẽ "không có lằn ranh đỏ" trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
"Belarus sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu đối phương vượt qua biên giới. Sẽ không có lằn ranh đỏ, câu trả lời sẽ đến ngay lập tức" - Tổng thống Lukashenko nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga Rossiya TV tuần này.
Ông Lukashenko khẳng định Belarus không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và không muốn xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Belarus sẵn sàng bảo vệ biên giới của mình.
"Nếu họ làm vậy, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác. Sẽ không có lằn ranh đỏ. Biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm. Ngay khi bạn tiến vào đó, phản ứng sẽ được đưa ra ngay lập tức" - Tổng thống Lukashenko tuyên bố.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn đài truyền hình Nga, Tổng thống Lukashenko ám chỉ Ukraine có thể có ý định tấn công Belarus, và tuyên bố Minsk sẽ không cho phép quân đội Kiev "giẫm đạp lên đất nước chúng tôi".
Đây không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Belarus đưa ra lời đe dọa như vậy. Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Lukashenko tuyên bố Minsk không có “lằn ranh đỏ” về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh leo thang căng thẳng tại biên giới với Ukraine.
Cảnh báo mới nhất được Tổng thống Lukashenko đưa ra trong bối cảnh Ukraine đã đưa hàng nghìn quân tràn qua biên giới phía Tây để vào vùng Kursk của Nga.
Trong khi đó, hãng thông tấn Belta đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin hôm 16/8 nói rằng nhiều khả năng sẽ xảy ra hành động khiêu khích vũ trang từ nước láng giềng Ukraine và tình hình tại biên giới chung hai nước "vẫn căng thẳng".
Ngày 15/8, Nga cho biết, sẽ tăng cường phòng thủ biên giới khi nhiều người dân được lệnh sơ tán khỏi tỉnh Kursk. Phía Ukraine tuyên bố lực lượng của họ đã tiến sâu 35km vào đất Nga kể từ khi mở chiến dịch đột kích vào tỉnh Kursk ngày 6/8.
Trước đó, hôm 10/8, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thông báo, quân đội nước này đã phá hủy một số thiết bị bay không người lái của Ukraine đã vi phạm không phận phía Nam đất nước.
Theo Tổng thống Lukashenko, một số thiết bị bay không người lái đã xâm nhập vào lãnh thổ Nga và chúng đã bị bắn hạ gần Yaroslavl, cách Moscow khoảng 300km về phía Đông Bắc.
Sau vụ việc, Belarus tuyên bố tăng cường quân sự ở biên giới với Ukraine, bao gồm triển khai xe tăng. Kiev cho rằng bước đi này nhằm chuyển hướng sự chú ý của Ukraine khỏi chiến dịch đột kích vào vùng Kursk của Nga.
Theo các nguồn tin, Tổng thống Lukashenko đã ra lệnh chuyển một số thiết bị quân sự của các đơn vị quân đội Belarus cho các lực lượng vũ trang Nga nhằm tăng cường quân lực tại Kursk và các khu vực khác của tiền tuyến.
Belarus - một đồng minh của Nga - có đường biên giới dài 1.250km với các nước thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan.
Năm ngoái, Nga đã triển khai những vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus theo thỏa thuận. Moscow và Minsk nhiều lần cáo buộc phương Tây tìm cách phá hoại nước này, do vậy việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật là cần thiết để răn đe.
Belarus chưa bao giờ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev. Tuy nhiên, vào thời điểm cuộc chiến nổ ra vào tháng 2/2022, nước này được cho là đã cho phép quân đội Nga sử dụng lãnh thổ để tiến hành các cuộc tập trận quân sự. Mối quan hệ giữa Belarus và Ukraine ngày càng căng thẳng kể từ đó.
Vào tháng 7 năm nay, lực lượng tình báo Belarus thông báo phát hiện một sự gia tăng bất thường của lực lượng Ukraine gần biên giới, bao gồm các đơn vị tinh nhuệ được trang bị pháo M777, hệ thống phòng không HIMARS và xe chiến đấu Bradley.
Chính quyền Minsk đã phản ứng bằng cách triển khai thêm các đơn vị của mình đến biên giới, bao gồm cả lực lượng tác chiến đặc biệt. Theo người đứng đầu Cơ quan an ninh Belarus (KGB), Minsk đã nhiều lần truyền đạt mối quan ngại của mình tới Kiev qua nhiều kênh khác nhau.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-minh-chu-chot-cua-nga-canh-bao-ran-ve-vu-khi-hat-nhan.html