Đồng minh của bà Aung San Suu Kyi tính lập chính phủ lâm thời chống quân đội
Các đồng minh của bà Aung San Suu Kyi dự định thành lập 'chính phủ lâm thời' để chống lại Thống tướng Min Aung Hlaing, người nắm quyền điều hành Myanmar sau chính biến 1/2.
Sa Sa, người đầu tuần này được chỉ định làm phái viên cho quốc hội Myanmar bị giải tán sau đảo chính quân sự, đã tiết lộ về kế hoạch trên trong một cuộc phỏng vấn qua video hôm 28/2 với tờ Financial Times.
Theo quan chức này, các nghị sĩ thoát việc bị quân đội bắt giữ đã sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm để thành lập một chính phủ lâm thời trong nước "vì lợi ích của người dân Myanmar".
"Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế cũng như làm việc với Trung Quốc và Ấn Độ. Đối với họ, việc có một nước láng giềng ổn định vẫn tốt hơn láng giềng bất ổn", ông Sa Sa nhấn mạnh.
Theo Sputnik, động thái diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Đại sứ Myanamar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun, người vẫn còn trung thành với chính phủ dân sự bị quân đội Myanmar lật đổ, đã công khai kêu gọi Đại hội đồng LHQ hành động khẩn cấp nhằm giúp đảo ngược chính biến tại quốc gia này.
Chính quyền quân sự Myanmar cáo buộc ông Moe Tun "phản bội đất nước" và thông báo cách chức ông. Phát biểu với truyền thông sau đó, ông Moe Tun khẳng định "sẽ đấu tranh tới khi còn có thể".
Reuters trích dẫn lời phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric cho hay, Liên Hợp Quốc chưa nhận được bất cứ thông báo chính thức nào liên quan đến việc thay đổi đại diện của Myanmar ở New York. Do đó, ông Moe Tun vẫn được coi là đại sứ của Myanmar tại LHQ.
Christine Schraner Burgener, đặc phái viên LHQ phụ trách vấn đề Myanmar ngày 26/2 kêu gọi các nước không công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar. Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cam kết sẽ tăng ép từ cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo cuộc chính biến ở quốc gia Đông Nam Á này "sẽ thất bại".
Myanmar lâm vào tình cảnh hỗn loạn kể từ khi quân đội đảo chính lật đổ chính phủ dân sự hôm 1/2, bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint cùng nhiều quan chức thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD), với cáo buộc họ đã gian lận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm ngoái.
Cuộc đảo chính đã khiến hàng trăm nghìn người Myanmar xuống đường biểu tình phản đối, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và khoảng 700 người bị bắt. Một số nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ đã lên án việc sử dụng bạo lực chống người biểu tình, đồng thời công bố trừng phạt các tướng lĩnh và chính quyền quân sự Myanmar.