Đồng Nai bắt tay xây dựng ''siêu quy hoạch''
Lần đầu tiên, Đồng Nai bắt tay xây dựng quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch mới. 'Siêu quy hoạch' này vì thế đóng vai trò định hình hướng phát triển cả về kinh tế và xã hội cho Đồng Nai trong hàng chục năm tới.
Để có cơ sở lập quy hoạch lớn này, hiện nay Đồng Nai đang thực hiện xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
* Tích hợp hàng chục quy hoạch vào một quy hoạch chung
Luật Quy hoạch được Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, thông qua ngày 24-11-2017 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Theo Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia gồm: quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Như vậy, đối với cấp tỉnh chỉ có quy hoạch tỉnh, các quy hoạch khác sẽ tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh sau khi được UBND tỉnh phê duyệt sẽ trình Bộ KH-ĐT thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai sẽ chính thức tiến hành lập quy hoạch tỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ký ban hành. Thời gian hoàn thành lập quy hoạch được quy định tối đa là 24 tháng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phải rút ngắn thời gian hoàn thành lập quy hoạch.
Việc tích hợp các quy hoạch khác vào quy hoạch chung kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ giúp xóa bỏ được nhiều quy hoạch chồng chéo, kém chất lượng. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Đối với Đồng Nai, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quy hoach tỉnh, các quy hoạch chuyên ngành cũng được đề xuất để tích hợp vào quy hoạch tổng thể chung của tỉnh.
Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) cho hay, đơn vị đã thực hiện lấy ý kiến các sở, ngành và các địa phương về các quy hoạch ngành cần được tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Trong quy hoạch tỉnh, các quy hoạch chuyên ngành được phân chia thành các nội dung cụ thể để tích hợp. “Trong khi lập nhiệm vụ quy hoạch tỉnh, có nội dung về phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện, vùng liên huyện tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực chất đây chính là quy hoạch sử dụng đất trước đây” - ông Hồ Văn Hà cho hay.
Hiện nay, thông qua việc tiếp nhận ý kiến đóng góp, đồng thời, căn cứ vào điều kiện tiềm năng và bối cảnh phát triển của tỉnh, Sở KH-ĐT đã đề xuất bổ sung 48 nội dung tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Trong số này có 47 nội dung xác định rõ nhiệm vụ và một nội dung mở sẽ được xác định trong thời gian lập quy hoạch tỉnh.
Theo ông Hồ Văn Hà, việc để thêm một nội dung mở là nhằm dự phòng trường hợp trong quá trình rà soát để lập quy hoạch tỉnh sẽ có thêm nội dung cần tích hợp thêm. “Do đó, không chỉ có 48 nội dung, nếu có thêm các quy hoạch cần tích hợp sẽ có thêm nội dung thứ 49, 50 hoặc nhiều hơn” - ông Hồ Văn Hà nhấn mạnh.
* Định hướng phát triển các khu vực tiềm năng
Trong quá trình lập nhiệm vụ quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh cũng yêu cầu nghiên cứu sâu quy hoạch tại các vùng tiềm năng về phát triển kinh tế, du lịch sinh thái, cảnh quan đô thị và vùng có vai trò bảo vệ môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng và đơn vị tư vấn cần nghiên cứu sâu việc bổ sung quy hoạch xung quanh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong quy hoạch tổng thể tỉnh để phát huy tối đa lợi thế.
Cùng với đó, trong quy hoạch tổng thể tỉnh cần xây dựng chiến lược phát triển vùng đầu nguồn sông Đồng Nai, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên. Định hướng những khu vực này trở thành khu du lịch sinh thái và bảo tồn, đảm bảo phát triển bền vững. Đồng thời, quy hoạch phát huy tối đa cảnh quan sông Đồng Nai để xây dựng đô thị ven sông. Có quy hoạch chi tiết, rõ ràng trong việc bảo tồn khu rừng đước vùng ngập mặn sông Thị Vải - Cái Mép để đảm bảo hạn chế tối đa tác động của biến đổi khí hậu…
Do đó, trong khi lập nhiệm vụ quy hoạch tỉnh, Sở KH-ĐT cũng đã đưa vào nội dung định hướng phát triển một số khu vực trọng điểm của tỉnh. Việc nghiên cứu, xác định phương hướng phát triển và tổ chức không gian một số khu vực chức năng đặc thù nhằm tạo các hình mẫu cho giai đoạn quy hoạch đô thị và nông thôn trong thời gian tới.
Cụ thể, các khu vực không gian đặc thù được xác định bao gồm đô thị Biên Hòa và các đô thị loại II, III trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, một số hình mẫu phát triển cũng được đưa vào mục tiêu thực hiện quy hoạch như: hình thành một số khu vực tăng trưởng tiên tiến (khu vực tăng trưởng thông minh); trung tâm outlet (trung tâm mua sắm đại hạ giá); trung tâm dịch vụ nông thôn; trung tâm dịch vụ hậu cần kinh tế gắn với hệ thống logistics; khu nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, theo ông Hồ Văn Hà, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có những dự án đô thị thông minh đang được “thai nghén” như: khu đô thị thông minh Amata, khu đô thị thông minh golf Long Thành. Do đó, việc xây dựng các khu đô thị thông minh cũng được đưa vào nội dung lập nhiệm vụ quy hoạch tỉnh lần này.
* Phải xây dựng được bản sắc của Đồng Nai
Quy hoạch tỉnh được xem là “bản vẽ” định hình phát triển kinh tế, xã hội của Đồng Nai trong một giai đoạn kéo dài 10 năm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, quy hoạch tỉnh ngoài mục tiêu vạch ra đường hướng phát triển kinh tế còn phải tập trung cho việc phát triển văn hóa, xã hội nhằm mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân và tạo ra được bản sắc của Đồng Nai.
Đối với phát triển kinh tế, quy hoạch tỉnh cần đánh giá được những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển. Từ đó, đưa ra các giải pháp để ứng phó với những thách thức và nắm bắt được các cơ hội.
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu đơn vị tư vấn phải “vạch” được các nội dung phát triển với định hướng tiếp cận các tinh hoa văn hóa thế giới, bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc và tạo ra được nét đặc trưng riêng của Đồng Nai.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, nhiều năm qua, Đồng Nai chưa thực sự tạo được bản sắc, nét riêng về văn hóa, xã hội. Chính vì vậy, quy hoạch tỉnh cần nghiên cứu kỹ, đưa ra các giải pháp phát triển văn hóa, xã hội để tạo được dấu ấn, bản sắc của Đồng Nai. “Kinh tế đương nhiên phải phát triển, tuy nhiên điều đọng lại và tạo nên bản sắc giữa địa phương này, địa phương kia là văn hóa. Nếu chỉ “chăm chăm” phát triển kinh tế thì du khách khi đến Đồng Nai chỉ đến một lần rồi thôi. Bởi không có cái gì đọng lại trong lòng du khách” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Phạm Tùng
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh:
Quy hoạch cần cụ thể nhưng không “bó chặt”
Quy hoạch tỉnh sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên việc điều chỉnh, thay đổi về sau sẽ rất khó khăn. Việc lập quy hoạch tỉnh đòi hỏi phải vừa cụ thể nhưng cũng không “bó” quá chặt. Lập quy hoạch tỉnh cần xác định mục tiêu cụ thể là tất cả đều phục vụ cho phát triển xã hội, phát triển kinh tế cũng nhằm mục đích phát triển xã hội. Trong đó, y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực rất quan trọng và sẽ được đầu tư bằng nhiều nguồn lực. Do đó quá trình lập quy hoạch phải tính toán cụ thể vấn đề này.
Ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH:
Bổ sung tích hợp một số quy hoạch ngành
Một số quy hoạch ngành LĐ-TBXH cần được tích hợp bổ sung như: quy hoạch mạng lưới giáo dục đặc biệt; hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật; hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, quy hoạch hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung tích hợp vào quy hoạch tỉnh danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành như quy hoạch cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Dân số càng ngày càng tăng nhưng hiện nay mạng lưới cơ sở chăm sóc người cao tuổi trong các gia đình neo đơn chưa có nhiều, phần lớn dựa vào các cơ sở bảo trợ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường:
Tỉnh giao Sở Tài nguyên - môi trường thực hiện nhiệm vụ phân bổ, khoanh vùng đất đai
Theo quy định của Luật Quy hoạch, khi quy hoạch cấp trên được phê duyệt thì mới thực hiện lập quy hoạch cấp dưới. Tuy nhiên, hiện nay Quốc hội đã có nghị quyết cho thực hiện song song các quy hoạch. Đối với nhiệm vụ phân bổ, khoanh vùng đất đai về phía Sở Tài nguyên - môi trường cũng đã chủ động làm việc với Bộ Tài nguyên - môi trường để được hướng dẫn nội dung này.
Trong năm 2020, sẽ triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để làm cơ sở thực hiện các dự án trong năm 2021. Bởi vì theo quy định của Luật Đất đai các căn cứ để giao, cho thuê đất thì căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện. Trong khi đó, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện thực hiện trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Năm 2020 cũng sẽ kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất, đồng nghĩa quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện sẽ không còn hiệu lực.
Do đó, nếu không triển khai xây dựng quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thì năm 2021 chúng ta sẽ không thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, không lập thủ tục giao, cho thuê đất các dự án được.
Với cấp huyện Sở Tài nguyên - môi trường đang triển khai xây dựng quy hoạch sử dụng đất sau đó sẽ tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất:
Cần có quy hoạch chi tiết phát triển nông nghiệp theo từng vùng, từng khu vực
Đồng Nai có vùng phía Bắc gồm TP.Long Khánh, các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú thì sản xuất nông nghiệp theo hướng nào nhằm tăng thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phương án phát triển nông nghiệp phải cụ thể.
Ngoài ra, cần đặt vấn đề sản xuất nông nghiệp thì nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất đối với các huyện như: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất như thế nào. Hiện nay, có vùng bị cạn kiệt cục bộ, đặc biệt ở Cẩm Mỹ có một số vùng không còn nước để tưới. Do đó, nếu không có phương án phát triển đảm bảo nguồn nước thì tình trạng khoan giếng, sử dụng nước ngầm tràn lan sẽ ảnh hưởng lâu dài đến nguồn nước mặt.
Chính vì vậy, khi đánh giá khả năng phát triển nông nghiệp, đặc biệt vùng phía Bắc của tỉnh, cần có đánh giá chi tiết.
Quỳnh Nhi (ghi)