Đồng Nai: Đến năm 2030, phấn đấu 61% lao động tham gia bảo hiểm xã hội

Giai đoạn 2025-2030, tỉnh Đồng Nai phấn đấu đưa tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế lên mức 95-97%, đồng thời đặt mục tiêu 56-61% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội

Theo Cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai, đến cuối năm 2024 địa phương này đặt mục tiêu nâng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt mức 94%. Trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT đạt 98%.

Giai đoạn 2025-2030, Đồng Nai phấn đấu đưa tỷ lệ người tham gia BHYT lên mức 95-97%. Bên cạnh đó, đặt mục tiêu đến hết 2025 tỷ lệ người lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đạt 56% và nâng lên mức 61% vào năm 2030. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp lần lượt đạt các mức 51% vào cuối 2025 và 56% vào cuối 2030.

Được biết, giai đoạn 2020-2024 vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan, tuy nhiên số lượng người dân tham gia BHYT tại tỉnh Đồng Nai vẫn đạt trung bình khoảng 92% dân số, tương đương khoảng trên 2,85 triệu người.

Hiện nay, toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh tại Đồng Nai (268 cơ sở) đều đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip. Số lượng số định danh cá nhân được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực có thể khám chữa bệnh bằng căn cước công dân đạt khoảng 2,6 triệu người.

Trong giai đoạn 2020-2024 vừa qua, số chi BHYT tại toàn tỉnh Đồng Nai tăng khá nhanh do thông tuyến khám chữa bệnh, giá dịch vụ y tế tăng cao và phát sinh thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật cao. Cả giai đoạn này, số chi BHYT cho người dân đạt khoảng 2.591 tỷ đồng.

100% các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tại Đồng Nai đều đã áp dụng khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip

100% các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tại Đồng Nai đều đã áp dụng khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip

Tỉnh Đồng Nai cho rằng, hiện nay đối với vấn đề quản lý, sử dụng Quỹ BHYT vẫn còn khá nhiều bất cập và chưa có sự thống nhất trong các quy định pháp lý.

Cụ thể, hiện nay Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất trên toàn quốc nhưng các quy định pháp luật liên quan cũng hướng dẫn về cách thức xử lý khi có kết dư hoặc thiếu hụt quỹ khám, chữa bện BHYT tại các tỉnh, thành phố. Điều này dẫn đến chưa đồng bộ, nhất quán, đồng thời gây khó khăn cho việc điều tiết nguồn Quỹ BHYT và thanh toán chi phí bị thay đổi tùy thuộc vào bối cảnh từng địa phương, từng cơ sở khám chữa bệnh.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, trong nhiều năm qua, phần chi phí quản lý Quỹ BHYT thực hiện hàng năm tối đa là khoảng 3,5% nên cần điều chỉnh quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, khi có kết dư, Quỹ Dự phòng đang tích lũy tương đương 50% quỹ Khám chữa bệnh hằng năm nhưng hiện nay chưa biện pháp điều tiết, phân bổ ngay từ đầu năm cho kinh phí khám chữa bệnh hoặc tăng mức hưởng, quyền lợi cho người bệnh. Vì thế, một số quy định trong các luật liên quan như Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế cần sớm được sửa đổi, tạo điều kiện cho các địa phương gia tăng bao phủ BHYT đến toàn dân.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dong-nai-den-nam-2030-phan-dau-61-lao-dong-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-153504.html