Đồng Nai khai thác giá trị tài nguyên rừng để phát triển du lịch
Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí (đề án du lịch) của Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Tân Phú, giai đoạn 2021 - 2030 vừa được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Đây là đề án du lịch đầu tiên của Đồng Nai nhằm khai thác, bảo tồn và phát huy những giá trị tài nguyên rừng.
Để đề án sớm đi vào hoạt động, UBND huyện Định Quán đang cùng đơn vị quản lý rừng, các cơ quan chức năng đẩy nhanh thủ tục giải phóng mặt bằng, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng tham gia thực hiện đề án.
Rừng phòng hộ Tân Phú có tổng diện tích trên 18 ngàn ha, do BQL Rừng phòng hộ Tân Phú quản lý. Từ nhiều năm nay, nơi đây nổi tiếng với địa danh khu du lịch (KDL) Thác Mai - Bàu nước sôi bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp, có hệ sinh thái đa dạng, đặc biệt là Bàu nước sôi tự nhiên với nhiệt độ quanh năm từ 50-600C, có tác dụng rất tốt cho thư giãn và phục hồi sức khỏe.
Được biết, rừng phòng hộ Tân Phú mang đặc thù của nhiều sinh thái rừng như: hệ sinh thái rừng kín thường xanh cây lá rộng, hệ sinh thái rừng tre nứa, rừng thứ sinh hỗn giao tre nứa với cây lá rộng, trảng cỏ, cây bụi. Trong rừng có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Bàu nước sôi, quần thể đá tại khu vực thác Mai, thác Chín Chì, Hang Dơi và nhiều điểm thác, sông, suối…
Khu vực rừng phòng hộ Tân Phú còn có hệ thống sông La Ngà chảy gấp khúc, quanh co với nhiều ghềnh đá tạo nên một cảnh quan kỳ vỹ, đặc biệt khi du khách đi qua khu vực cầu La Ngà (xã La Ngà, huyện Định Quán) sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp sông nước từ làng bè nằm trải dài hai bên sông hàng km ngay dưới chân cầu, đây là nơi hàng trăm hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi cá bè nên có tiềm năng rất lớn để phát triển sản phẩm du lịch.
Với đặc thù vùng có nhiều đồng bào dân tộc đang sinh sống, còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống trong kiến trúc nhà cửa, sản xuất và phong tục, tập quán… nên đề án du lịch còn hướng đến nhiều giá trị, lợi ích về kinh tế, văn hóa.
Cụ thể, dự án sẽ tạo việc làm cho từ 1-2 ngàn lao động địa phương và khu vực lân cận. Đề án chú trọng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, sử dụng các sản phẩm do người dân địa phương sản xuất.
Các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo đề án đưa ra sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương và du khách các giá trị tự nhiên, lịch sử - văn hóa của địa phương. Từ đó, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, giảm thiểu tác động của người dân ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên cho biết, theo kế hoạch của đề án, sẽ có 13 điểm với 8 tuyến du lịch được hình thành đi qua các điểm trên. Trong đó, huyện Định Quán có 10 điểm với tổng diện tích 486ha, diện tích xây dựng dự kiến tại các điểm gần 40ha và huyện Tân Phú 3 điểm với tổng diện tích trên 2,1ha. Huyện Định Quán vừa tạm ứng vốn từ ngân sách tỉnh để thực hiện kiểm kê tài sản, hỗ trợ hơn 30 hộ dân di dời ra khỏi khu vực quy hoạch để thực hiện đề án. Huyện sẽ hoàn thành công tác hỗ trợ di dời nhanh để có mặt bằng mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng vào khai thác du lịch để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.