Đồng Nai mới sẽ là trung tâm về thương mại, dịch vụ

Đồng Nai là một trong những địa phương phát triển kinh tế năng động của cả nước với nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu, phát triển thương mại, dịch vụ…

Hoạt động xếp dỡ hàng hóa, hỗ trợ tàu vào cảng tại Cảng Phước An (xã Phước An). Ảnh: Hải Quân

Hoạt động xếp dỡ hàng hóa, hỗ trợ tàu vào cảng tại Cảng Phước An (xã Phước An). Ảnh: Hải Quân

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn Đồng Nai mới sẽ có nhiều cơ hội phát triển, mở rộng về quy mô, đa dạng các kênh bán lẻ, tiêu dùng để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trên địa bàn, cũng như chú trọng đầu tư hạ tầng để phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp, hiện đại.

Phát triển hạ tầng dịch vụ hiện đại

Đồng Nai sẽ tăng cường liên kết vùng, quốc gia và quốc tế với vai trò là một trong những trung tâm giao thương quan trọng của khu vực phía Nam. Đặc biệt, trên cơ sở khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng với Cảng Phước An sẽ trở thành động lực để đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, sản xuất công nghiệp, thương mại điện tử và vận chuyển hành khách…

Cảng Phước An là cảng biển, có quy mô gần 800 hécta, tổng vốn đầu tư gần 20 ngàn tỷ đồng, là cảng biển có quy mô lớn nhất tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch, Cảng Phước An được chia thành các phân khu cảng và phân khu dịch vụ hậu cần. Cảng Phước An cam kết tiếp tục phát triển bền vững, góp phần hiện đại hóa ngành logistics và đưa Đồng Nai trở thành điểm đến hấp dẫn trong mạng lưới vận tải biển toàn cầu.

Khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác, tỉnh Đồng Nai không chỉ là nơi trung chuyển hàng không quốc tế và phát triển các lĩnh vực thế mạnh về logistics, thương mại, công nghiệp, mà còn có lợi thế về nơi trung chuyển, kết nối về dữ liệu, thu hút phát triển công nghiệp công nghệ thông tin…

Giám đốc Công ty CP Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An Trương Hoàng Hải chia sẻ, Cảng Phước An sẽ chú trọng đầu tư vào hạ tầng cảng xanh, hiện đại hóa trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch với phần lớn hệ thống vận hành chuyển đổi sang điện khí hóa.

Bên cạnh đó, Cảng Phước An sẽ chủ động kết nối và đồng hành cùng các hãng tàu, doanh nghiệp logistics và đối tác trong chuỗi cung ứng, cùng nhau kiến tạo hành lang vận tải xanh quốc tế. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là động lực giúp nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của ngành cảng biển Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.

Đồng Nai sẽ hoàn thiện hệ thống dịch vụ xuất - nhập khẩu đồng bộ hiện đại, kết nối với các cảng biển và Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Khuyến khích thu hút đầu tư, xã hội hóa để phát triển trung tâm logistics, trung tâm đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh đang nghiên cứu xây dựng Đề án Khu thương mại tự do tại tỉnh Đồng Nai gắn với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng Phước An với quy mô khoảng 8,2 ngàn hécta. Khu thương mại tự do Đồng Nai dự kiến thành lập với 4 phân khu chức năng, bao gồm: Khu chức năng sản xuất công nghiệp công nghệ cao; Khu chức năng logistics; Khu chức năng dịch vụ tài chính, thương mại; Khu chức năng đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai mới còn có nhiều dư địa để phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cũng như phát triển hạ tầng số gắn với thương mại điện tử. Đồng thời, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thời gian qua, địa phương chú trọng tập trung đầu tư cho Khu kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư về đường giao thông, trạm kiểm soát liên hợp, bãi tập kết hàng hóa… Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trong khu kinh tế. Đặc biệt là quản lý nhà nước hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa.

Đẩy mạnh các chuỗi sản xuất - tiêu dùng bền vững

Hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng hoàn thiện, đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, ứng dụng công nghệ số và hoạt động của các sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng hoàn thiện, đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Bên cạnh chợ truyền thống, hệ thống phân phối hàng hóa của các thương hiệu lớn đã phát triển tại các trung tâm xã, phường, thị trấn trên địa bàn, góp phần phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.

Xếp hạng chỉ số thương mại điện tử (EBI) của tỉnh Đồng Nai (cũ) theo kết quả công bố qua các năm 2017-2025 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom). Đồ họa: Hải Quân

Xếp hạng chỉ số thương mại điện tử (EBI) của tỉnh Đồng Nai (cũ) theo kết quả công bố qua các năm 2017-2025 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom). Đồ họa: Hải Quân

Hiện toàn tỉnh có 9 trung tâm thương mại và 19 siêu thị, cùng các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini được mở rộng tại các huyện, thành phố trong tỉnh, kể cả những địa phương vùng xa. Ngoài ra, toàn tỉnh còn phát triển mạnh chuỗi cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống: Bách hóa Xanh, Winmart, Co.opFood, GS25, FamilyMart…, siêu thị mini, cửa hàng tự chọn. Song song đó, trên địa bàn tỉnh có 194 chợ truyền thống và hơn hàng chục ngàn hộ kinh doanh đang cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong tỉnh.

Giám đốc Co.opmart Đồng Xoài Nguyễn Thị Bạch Vân chia sẻ, trải qua hơn 16 năm hình thành và phát triển, Co.opmart Đồng Xoài không chỉ là cánh tay nối dài của hệ thống Saigon Co.op trong việc bình ổn thị trường, mà còn là cầu nối cho hàng Việt đến với người tiêu dùng và từng bước khẳng định được vị thế của nhà bán lẻ thuần Việt lâu đời nhất tại địa bàn. Trên 95% sản phẩm được bày bán trong khu tự chọn của siêu thị là hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam.

“Việc sáp nhập 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường, mở rộng tệp khách hàng. Đồng thời, cũng là cơ hội để hàng hóa địa phương có thể quảng bá và tiêu thụ nhiều hơn. Tỉnh Đồng Nai mới có 3 siêu thị Co.opmart đang hoạt động sẽ là điểm thuận lợi trong việc kết nối phục vụ khách hàng tốt hơn, chủ động chia sẻ hợp tác với các nhà cung cấp sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tại địa phương để thúc đẩy quảng bá, lưu thông hàng hóa trong tỉnh” - bà Nguyễn Thị Bạch Vân nhấn mạnh.

Việc phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại là xu thế tất yếu, là yêu cầu điều kiện để đáp ứng sự phát triển của địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tỉnh chú trọng xây dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao…

Bên cạnh các kênh bán lẻ truyền thống, những năm gần đây, thương mại điện tử ngày càng phát triển tại Đồng Nai. Tỉnh đã có 9 năm liên tiếp duy trì thứ hạng trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử.

Anh Hoàng Sơn (ngụ phường Tam Hiệp) kỳ vọng, để thúc đẩy thương mại phát triển bền vững, tỉnh Đồng Nai cần chú trọng phát triển về hạ tầng kinh tế số, đổi mới công nghệ, phương thức bán hàng, chú trọng liên kết để phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua những kênh tiêu dùng, bán lẻ hiện đại, an toàn.

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/dong-nai-moi-se-la-trung-tam-ve-thuong-mai-dich-vu-3da12f8/