Đồng Nai mới - vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa
Sau khi sáp nhập với Bình Phước, tỉnh Đồng Nai mới mang diện mạo rộng lớn và đa sắc hơn, không chỉ gìn giữ giá trị truyền thống mà còn làm dày thêm chiều sâu văn hóa của vùng đất phương Nam.

Đồng bào các dân tộc tham gia Lễ hội Vang mãi tiếng chày trên Sóc Bom Bo. Ảnh: Minh Chí
Từ di tích lịch sử, lễ hội dân gian đến phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc, vùng đất mới hợp nhất này đang hình thành nên một bức tranh văn hóa đa dạng, độc đáo.
Hai vùng đất - một bản sắc hội tụ
Sự kết hợp giữa Đồng Nai và Bình Phước không chỉ là sự mở rộng về mặt địa giới hành chính, mà sâu xa hơn là sự mở rộng về tầm vóc văn hóa và chiều sâu lịch sử. Từng vùng đất đều mang trong mình những lớp trầm tích văn hóa riêng biệt và khi hòa quyện lại tạo nên một không gian văn hóa đa chiều - nơi các giá trị truyền thống được kết nối, ký ức được sẻ chia và bản sắc được cùng nhau bồi đắp, tiếp nối.
Già Điểu Lên (ngụ xã Bom Bo) là một trong những nhân chứng lịch sử trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Theo già Điểu Lên, từ xưa đến nay, người S’tiêng luôn xem mình là con cháu vùng đất Nam Bộ. Trong kháng chiến, người S’tiêng cũng như đồng bào các dân tộc khác sẵn sàng ăn củ rừng, ngày đêm giã gạo, nuôi giấu cán bộ. Nay vùng đất này trở thành một phần của Đồng Nai mới, đây cũng là sự trở về tự nhiên. Mong muốn lớn nhất của già Điểu Lên là sau này con cháu tiếp tục biết giữ rẫy, giữ rừng, giữ luôn cả văn hóa của cha ông.
Cách xa nơi già Điểu Lên sinh sống, ở xã Long Thành, nghệ sĩ Thái Hùng, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Long Thành có hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật tài tử, cải lương cũng đang miệt mài truyền nghề cho lớp trẻ. Nghệ sĩ Thái Hùng chia sẻ: “Hiện tôi không chỉ hướng dẫn cách đờn, cách ca, mà còn dạy luôn cả gốc tích 20 bài bản tổ cho người yêu và đam mê đờn ca tài tử. Với tôi, tỉnh Đồng Nai mới rộng lớn nhưng không phải cái gì cũng mới. Có những cái xưa cũ, càng giữ càng quý”.
Hai thế hệ, 2 vùng đất nay cùng chung trong một bản đồ mới là minh chứng rõ nét cho tinh thần hội tụ mà Đồng Nai mới đang xây dựng. Các giá trị văn hóa của người S’tiêng, M’nông, Tày, Nùng ở Bình Phước hòa quyện với truyền thống của người Kinh, Hoa, Chơro, Chăm ở Đồng Nai, tạo nên các không gian văn hóa độc đáo. Từ các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống, đến lễ hội như: Lễ hội Kết bạn, Lễ hội Phá bàu, Lễ hội Sayangva, Sayangbri, Lễ Giỗ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh…, tất cả tạo nên dòng chảy văn hóa liên tục, sống động và đầy chiều sâu.
Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết, bởi sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, xã hội nên sau khi hợp nhất, lợi thế của mỗi tỉnh có thể bổ trợ lẫn nhau, tạo ra một bản sắc văn hóa chung cho Đồng Nai mới phát triển mạnh mẽ hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi văn hóa không chỉ là yếu tố nhận diện bản sắc địa phương, mà còn là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch, sáng tạo.
Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch LÊ THỊ NGỌC LOAN cho biết: “Đồng Nai mới hiện có 120 di tích đã được xếp hạng. Việc kết nối và phát huy các giá trị văn hóa đa dạng của 2 tỉnh sau sáp nhập sẽ không chỉ đem lại giá trị kinh tế, du lịch, mà còn tạo nên sức mạnh nội sinh cho tỉnh Đồng Nai mới đó là khả năng tự cường, giữ gìn bản sắc và phát triển văn hóa bền vững trong thời kỳ hội nhập”.
Kết nối hiện đại từ nền tảng truyền thống
Nghệ sĩ Nhân dân Đồng Thị Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, cho hay nhà hát đang nỗ lực tập luyện chương trình ca múa nhạc mới và vở diễn cải lương với tên gọi Cải quốc chấn hưng. Vở cải lương mượn câu chuyện sáp nhập các bộ, ngành thời xưa để chuyển tải câu chuyện của hôm nay. Dự kiến cuối tháng 7 sẽ diễn báo cáo hội đồng nghệ thuật, sau đó sẽ công diễn trực tuyến và trực tiếp phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kết nối phục vụ bà con vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

Đông đảo nhân dân Đồng Nai tham gia Lễ Giỗ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh năm 2025. Ảnh: Ly Na
Bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội, Đồng Nai mới không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, mà còn chủ động đưa văn hóa trở thành nền tảng để phát triển bền vững. Những di sản văn hóa, lịch sử từ 2 tỉnh cũ chính là chất liệu quý giá để ngành văn hóa, các đơn vị, địa phương tạo dựng các sản phẩm đặc thù, xây dựng “thương hiệu” văn hóa vùng miền vừa phục vụ nhân dân, vừa thúc đẩy công nghiệp sáng tạo.
Cũng theo Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan, định hướng phát triển văn hóa trong giai đoạn mới không chỉ dừng ở việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, mà còn gắn với ứng dụng công nghệ số, mở rộng không gian sáng tạo, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, ngành ưu tiên phát triển một số sản phẩm văn hóa chủ lực, có tiềm năng, lợi thế như: nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, du lịch văn hóa…