Đồng Nai: Nhiều đoàn khách quốc tế đến với lễ hội chùa Ông

Ngày 10/2 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán 2024), Ban Tổ chức lễ hội chùa Ông (ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết, lễ hội chùa Ông năm 2024 sẽ được tổ chức trong 5 ngày (từ 18 đến 22/2, tức ngày 9 đến 13/1 âm lịch).

Đoàn nghinh Thần di chuyển qua nhiều tuyến đường thuộc thành phố Biên Hòa - Đồng Nai (ảnh tư liệu).

Đoàn nghinh Thần di chuyển qua nhiều tuyến đường thuộc thành phố Biên Hòa - Đồng Nai (ảnh tư liệu).

Năm nay lễ hội có những nét mới, đón nhiều đoàn khách quốc tế đến dự.

Theo đó, trong những ngày diễn ra lễ hội sẽ có 6 đoàn khách đại diện cho các miếu thờ đến từ các nước gồm: Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia và các đoàn trong nước đến dự. Trong thời gian đoàn khách quốc tế đến dự, ngoài tham gia lễ hội, ngành chức năng Đồng Nai còn tổ chức cho các đoàn tham quan những di tích lịch sử, cơ sở tôn giáo, giới thiệu về vùng đất, con người Đồng Nai. Qua đó giúp bạn bè quốc tế thấy được Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung là vùng đất mở, dung nạp văn hóa, tôn trọng tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.

Lễ hội chùa Ông năm 2024 nằm trong chuỗi hoạt động mừng Xuân Giáp Thìn 2024 với các hoạt động tạo dấu ấn kỷ niệm 340 năm hình thành di tích chùa Ông, đón mừng lễ hội chùa Ông được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội gồm phần lễ với nghi thức thỉnh hàm thư; lễ nghinh thần; nghi lễ cúng thiên và thả phúc khí cầu; lễ cầu an; lễ thả hoa đăng. Phần hội gồm chương trình nghệ thuật mừng Đảng - mừng Xuân; biểu diễn võ thuật và các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy ba bố; biểu diễn lân - sư - rồng; chương trình đờn ca tài tử Nam Bộ; giao lưu thư pháp Việt - Hoa. Lễ hội là dịp để nhân dân chiêm bái và ngưỡng vọng các bậc tiền hiền đã có công mở mang, xây dựng vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, qua đó, thể hiện nét đẹp trong giao lưu văn hóa của các cộng đồng dân tộc ở địa phương.

Theo Ban Tổ chức, trước đây lễ hội chùa Ông do cộng đồng người Hoa tổ chức, nay chủ thể của lễ hội là tất cả cộng đồng dân cư Hoa - Việt. Các hoạt động trong lễ hội vừa mang nét truyền thống của người Hoa vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Để lễ hội diễn ra trang nghiêm, an toàn, Ban Tổ chức phối hợp cùng ngành chức năng tổ chức điều tiết giao thông; vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không nâng giá các dịch vụ, đặc biệt là gửi xe; không bắn pháo hoa kim tuyến tại các khu vực đoàn diễu hành đi qua.

Chùa Ông được xây dựng năm 1684, tiếp giáp sông Đồng Nai, đây là ngôi chùa có niên đại sớm nhất ở Nam Bộ, đánh dấu mốc lịch sử quá trình chung sống của cộng đồng người Việt và người Hoa trong công cuộc khẩn hoang, lập nghiệp, bảo vệ vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Tin, ảnh: Công Phong (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/dong-nai-nhieu-doan-khach-quoc-te-den-voi-le-hoi-chua-ong-20240210160132332.htm