Đồng Nai: Những lò gạch thủ công đang 'đốt cháy' môi trường
Tại Long Thành có hàng chục lò gạch thủ công, sử dụng nguyên liệu vỏ trấu, vải vụn, bao tải… để nhóm lò; dùng gỗ tạp, vỏ cây để nung gạch, gây ô nhiễm môi trường.
Một huyện "gánh" hàng chục lò gạch
Thời gian qua, nhóm PV Người Đưa Tin tiếp tục nhận được phản ánh của người dân về việc các lò gạch cũ hoạt động hàng chục năm qua thải khí (khói) chưa được xử lý ra môi trường trên địa bàn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Hoạt động của các lò gạch diễn ra ngày đêm, với công suất lớn, ngoài gây ô nhiễm môi trường còn khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Qua tìm hiểu cho thấy, các lò gạch này đang hoạt động ngày đêm, “nhả khói” đen, “đốt cháy” môi trường xung quanh. Điển hình, là lò gạch của Doanh nghiệp tư nhân Trung Nghĩa chuyên sản xuất gạch xây dựng tại ấp 7, xã An Phước. Ghi nhận vào ngày 6/8, lò gạch này đang hoạt động và xả khí thải ra môi trường.
Tiếp đến là lò gạch của Doanh nghiệp tư nhân Hữu Trung, chuyên sản xuất gạch xây dựng tại ấp 7, Xã An Phước. Hay, Doanh nghiệp tư nhân Thanh Sơn An Phước, chuyên sản xuất gạch xây dựng cũng có địa chỉ ấp 7, xã An Phước.
Ngoài ra, là hàng loạt các doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch xây dựng thủ công như: Hùng Hiệp Lực, Thành Tâm - An Phước, Tiến Phát - An Phước, Phúc Đại Thành, Thanh Hiền Hòa, Khương Tân, Minh Thiện Phát, Tân Tiến, Trung Nghĩa... Tất cả những doanh nghiệp trên đều ở xã An Phước và ngang nhiên hoạt động, thải khói ra môi trường bất kể ngày đêm.
Ghi nhận của nhóm PV cho thấy, hàng chục lò gạch cũ trên địa bàn huyện Long Thành hoạt động từ nhiều năm nay. Phần lớn các lò gạch tập trung ở xã An Phước, huyện Long Thành, được xây dựng từ những năm 1997-1998. Trước đây, các lò gạch này hoạt động tại phường Long Bình Tân, phường Tân Vạn (Tp.Biên Hòa) rồi mới di dời về huyện Long Thành.
Về công nghệ, các lò gạch đất sét nung nêu trên phần lớn được xây dựng từ nhiều năm trước. Một số lò đã chuyển sang sử dụng công nghệ lò vòng dã chiến (Hoffman). Kỹ thuật lò mà các doanh nghiệp này sử dụng hết sức đơn giản, sản xuất thủ công lạc hậu nên khó tránh khỏi tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Dù sử dụng công nghệ lạc hậu nhưng công suất của mỗi dây chuyền lò gạch lại rất lớn, trung bình mỗi dây chuyền sản xuất từ 5 - 10 triệu viên gạch/năm. Đồng thời, nguyên liệu đốt lò là vỏ trấu, vải vụn, bao tải… để nhóm lò, rồi dùng gỗ tạp, vỏ cây để nung gạch, gây ô nhiễm môi trường.
Nhóm PV đã liên hệ và phản ánh tình trạng trên với ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành. Trao đổi với PV, ông Lê Văn Tiếp cho biết: “Tôi sẽ cho người kiểm tra lại thông tin phản ánh trên và sẽ trả lời sau”.
Vì lợi ích “phớt lờ” quy định
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định (số 1469/QĐ-TTg) Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1469). Theo đó, năm 2020 là hạn cuối để xóa bỏ lò gạch thủ công. Thế nhưng hiện nay, trên địa bàn huyện Long Thành vẫn còn nhiều lò gạch thủ công hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân hết sức bức xúc.
Mặc dù, UBND huyện Long Thành ban hành văn bản (số 4701/UBND - NN ngày 23/05/2022), gửi tất cả các cơ sở sản xuất gạch về việc chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn huyện tuân thủ đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Trường hợp phát hiện vi phạm, UBND huyện Long Thành sẽ xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật và xem xét chấm dứt hoạt động trước thời hạn.
Trong thời gian qua, UBND huyện Long đã ban hành 46 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng đối với các hành vi không có hệ thống xử lý khí thải, tiếp nhận chất thải rắn công nghiệp thông thường không đúng quy định đối với các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn xã An Phước. Đặt biệt, UBND huyện đã áp dụng tình tiết xử phạt tăng nặng đối với 6 trường hợp tái phạm.
Đồng thời, phòng Tài Nguyên và Môi Trường huyện Long Thành đã có văn bản (số 431/TNMT- MTKS ngày 20/02/2023) và văn bản (số 638/TNMT-MTKS ngày 09/03/2023) gửi Phòng Quản lý đô thị huyện Long Thành danh sách các cơ sở sản xuất gạch vi phạm lĩnh vực bảo vệ môi trường, đề nghị di dời hoặc chấm dứt hoạt động trước thời hạn. Tuy nhiên đến nay, số cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.