Đồng Nai quy hoạch TP Biên Hòa trở thành 'đô thị công nghiệp'
Đồng Nai phát triển TP Biên Hòa trở thành một trong các cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 252/QĐ-TTg (ngày 17/3/2023) phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Biên Hòa gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố, 30 đơn vị hành chính cấp phường/xã với diện tích hơn 26.407 ha.
Mục tiêu của việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch là chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc “đô thị công nghiệp” sang mô hình cấu trúc “đô thị dịch vụ và công nghiệp”; hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.
Cụ thể, phát triển TP Biên Hòa trở thành một trong các cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có vai trò quan trọng trong vùng đô thị TP HCM; phát huy thế mạnh kết nối vùng và quốc tế về dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Tạo lập không gian đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng xã hội hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố. Hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa, lịch sử đặc trưng...
Đồng thời, TP Biên Hòa là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng trong vùng Đông Nam bộ, gắn với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 - TP HCM và cảng Đồng Nai.
Dự kiến đến năm 2030, TP Biên Hòa có quy mô dân số từ 1,5-1,6 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 20.000-21.000 ha, trong đó, đất dân dụng khoảng 11.300-12.800 ha. Đến năm 2045, dân số đạt từ 1,9-2 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 22.000 -23.000 ha (đất dân dụng khoảng 13.300-15.000 ha).
Quy hoạch cũng yêu cầu phát triển TP Biên Hòa theo các tiêu chí, như: nâng cao chất lượng các khu chức năng hiện hữu là động lực phát triển của đô thị như: các khu công nghiệp Biên Hòa II, Amata, Loteco, Agtex Long Bình, khu du lịch Bửu Long… Hình thành các trung tâm là động lực phát triển mới của đô thị để đáp ứng các yêu cầu về phát triển dịch vụ, văn hóa, khoa học – công nghệ, giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo, đầu mối logistics…
Bên cạnh đó, hướng phát triển đô thị cần tạo sự kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành; đề xuất kết nối sân bay Biên Hòa với các khu vực chức năng đô thị; Định hướng hệ thống cây xanh và không gian mở đô thị gắn với cảnh quan sông Đồng Nai, sông Cái, cù lao Hiệp Hòa… Rà soát quỹ đất rừng trồng tại các phường Trảng Dài, Phước Tân, Tam Phước để đề xuất khai thác phù hợp…
Đồng Nai thành lập thành phố Nhơn Trạch trước năm 2030
Liên quan đến quy hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU (Nghị quyết) về phát triển đô thị Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; trong đó, mục tiêu đặt ra là phấn đấu thành lập thành phố Nhơn Trạch vào năm 2030.
Mục tiêu của Nghị quyết là đến năm 2025, Nhơn Trạch phải phấn đấu đạt các tiêu chí của đô thị loại III. Song song, phần đấu thành lập thành phố Nhơn Trạch và đạt tiêu chí cơ bản của đô thị loại II vào năm 2030. Về định hướng phát triển, với những lợi thế về vị trí cũng như nền tảng phát triển công nghiệp, Nhơn Trạch cũng được định hướng phát triển thành đô thị công nghiệp - thành phố cảng trong tương lai.
Huyện Nhơn Trạch là địa phương có tốc độ phát triển các khu công nghiệp thuộc hàng đầu của tỉnh. Với ba khu công nghiệp lúc khởi đầu vào năm 1997, đến nay sau hơn 25 năm, huyện Nhơn Trạch đã có tổng cộng 9 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Ngoài phát triển công nghiệp, cảng biển là một thế mạnh khác của Nhơn Trạch trong phát triển kinh tế. Trong số ba khu bến cảng biển trên địa bàn Đồng Nai, Nhơn Trạch có đến hai khu bến cảng biển. Huyện Nhơn Trạch cũng là địa phương có số lượng cảng biển lớn nhất của tỉnh Đồng Nai.
Việc định hướng phát triển Nhơn Trạch thành đô thị công nghiệp - thành phố cảng, theo Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ là phù hợp với các tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Huyện Nhơn Trạch sở hữu “vị trí vàng” với ba mặt giáp sông (sông Sài Gòn) đồng thời nằm ngay trung tâm khu tam giác kinh tế TP HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển huyện Nhơn Trạch thành đô thị công nghiệp - thành phố cảng và thành lập thành phố Nhơn Trạch vào năm 2030, đòi hỏi một nguồn lực đầu tư rất lớn.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch, chỉ tính riêng việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông của huyện để kết nối với các trục giao thông chính do ngân sách trung ương đầu tư trên địa bàn đến năm 2025 cũng cần đến nguồn vốn hơn 10.000 tỷ đồng.
Song song đó, với nhu cầu phát triển về nhà ở xã hội, thương mại dịch vụ để thu hút người dân về sinh sống, nguồn vốn đầu tư mà Nhơn Trạch cần trong thời gian tới còn lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, theo Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch, việc tính toán, đa dạng hóa nguồn lực thực hiện là yếu tố quyết định hàng đầu.
UBND huyện Nhơn Trạch mới đây đã công bố công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt.
Cụ thể, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp của huyện giảm từ 22.933 ha xuống còn 16.834 ha và chiếm cơ cấu 44,68%; đất phi nông nghiệp tăng từ 14.744 ha lên 20.843 ha và chiếm cơ cấu 55,32%.
Riêng diện tích đất ở của Nhơn Trạch thuộc đất phi nông nghiệp được quy hoạch từ 2.048 ha lên 4.095 ha, tăng 100% so với năm 2020. Trong đó, diện tích đất ở nông thôn tăng từ 1.817 ha lên 3.836 ha, đất ở đô thị tăng từ 231 ha lên 259 ha.