Đồng Nai: Tiếp tục hỗ trợ nông dân trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Sáng 16.8, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 98/2018 của Chính phủ và 4 năm thực hiện Nghị quyết 143/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Đồng Nai.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết mặc dù đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện liên kết các chuỗi liên kết trong nông nghiệp nhưng đến nay, vẫn còn một số hạn chế, không tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
“Hội nghị mong muốn các cấp lãnh đạo tỉnh và đại diện của nông dân thẳng thắn tham gia đóng góp các ý kiến về khó khăn, tồn tại, kiến nghị trong việc liên kết chuỗi trong công nghiệp để nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân, xây dựng nông thôn mới; đề xuất, định hướng cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới”, ông Phi nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc sở NN-PTNT cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 98, 4 năm thực hiện Nghị quyết số 143, đến nay, toàn tỉnh có 22 dự án/kế hoạch liên kết với sự tham gia của 16 doanh nghiệp, 20 hợp tác xã, 921 trang trại và hộ nông dân tham gia liên kết, quy mô 1.314ha và 866.250 con gà.
Trong tổng số chuỗi được phê duyệt hỗ trợ có: 20 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, 1 chuỗi lĩnh vực thủy sản và 1 chuỗi trong lĩnh vực chăn nuôi. Tổng kinh phí phê duyệt hỗ trợ hơn 63,8 tỉ đồng. Mặc dù hiện nay vẫn còn một số hạn chế như số lượng chuỗi được phê duyệt còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; quy mô các dự án/kế hoạch được phê duyệt hỗ trợ còn nhỏ; số lượng nông dân tham gia ít. Có 8 dự án/kế hoạch liên kết mới được phê duyệt, nên chưa hỗ trợ được cho các nông dân tham gia dự án này.
Đa số chủ trì liên kết là hợp tác xã và năng lực còn những hạn chế nhất định. Số doanh nghiệp tham gia liên kết chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có doanh nghiệp chế biến sâu tham gia nên giá trị gia tăng không cao, thu nhập của nông dân tham gia các chuỗi này chưa có nhiều thay đổi.
Tại hội nghị, ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó giám đốc Sở KH-ĐT đã thông tin về việc UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2023, trong đó có dự án liên quan đất cụm công nghiệp Long Giao tại huyện Cẩm Mỹ. Ngoài ra, các sở, ngành, UBND huyện Định Quán đang đẩy nhanh thực hiện đầu tư cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Định Quán). Đây là 2 cụm công nghiệp được tỉnh định hướng là cụm công nghiệp phục vụ thu hút các dự án đầu tư về bảo quản, chế biến nông sản.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã có trao đổi thẳng thắn về liên kết vùng sao cho hiệu quả. Trong đó, bà Lê Thị Xuân Trang, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuân Lộc cho ý kiến rằng, để giới thiệu chính sách mới đến người dân cần thông qua việc tuyên truyền lồng ghép trong các buổi tập huấn. Sau đó, huyện sẽ chọn 1-2 vùng để hướng dẫn hình thành chuỗi liên kết. Tại những chuỗi liên kết này, nông dân được chọn những chính sách để phát triển phù hợp. Như vậy, sau thời gian triển khai trên địa bàn huyện đã có 9 chuỗi liên kết mang lại hiệu quả cao. Trong thời gian tới, huyện sẽ chọn chuỗi liên kết có hiệu quả cao nhất để người dân thấy sự đúng đắn và tham gia.
Theo ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, hiện nay chủ trương này là đúng đắn để nhà nông đi cùng nhau và phát triển cùng nhau một cách bền vững, tránh làm giá để gây hại lẫn nhau.
Với việc liên kết chuỗi này, nhà nông sẽ thống nhất giá thành với nhau. Ngoài ra, việc tạo ra sản phẩm với chất lượng đồng đều và nguồn cung cho thị trường thì nếu đứng riêng là rất khó. Vì vậy, khi hợp tác với nhau sẽ hỗ trợ nhà nông, qua đó tất cả cùng phát triển một cách bền vững.
Kết luận tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết trong vùng Đông Nam Bộ thì Đồng Nai có lợi thế trong việc phát triển chuỗi liên kết vùng vì vậy tỉnh bắt buộc phải tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả.
Ông Phi cũng đề nghị Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành trên địa bàn tỉnh rà soát lại để chuỗi liên kết có hiệu quả, tránh bị đứt gãy chuỗi liên kết; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, đặc biệt là hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất trái cây, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng, nhu cầu của thị trường.