Đồng Nai tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI
Ngày 13/10, Đoàn giám sát của Quốc hội đã tổ chức buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai và Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) và tình hình hoạt động của các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng Ban Quản lý các KCN cho biết, là địa phương có định hướng quy hoạch phát triển các KCN đúng và sớm, nên đến thời điểm này, Đồng Nai đứng đầu cả nước với 39 KCN (diện tích hơn 18.520 ha).
Trong đó, đã thành lập được 33 KCN. Hiện 31 khu đang hoạt động và kết quả thu hút đầu tư FDI hơn 29,2 tỷ đô la Mỹ. Cơ sở hạ tầng trong các KCN đang dần được xây dựng đồng bộ, kết nối thuận tiện với các tuyến giao thông, tỷ lệ diện tích đất cho thuê đã lấp đầy 86%; 100% các KCN đang hoạt động đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Trong thời gian qua, cơ chế quản lý một cửa, tại chỗ phát huy được hiệu quả, các thủ tục hành chính trong KCN được phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý thực hiện đã rút ngắn thời gian là một số thủ tục cho doanh nghiệp từ 30% đến 50% so với quy định. Tình hình an ninh trật tự và công tác PCCC trong KCN tương đối ổn định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng tồn tại nhiều khó khăn vướng mắc. Trong đó, quỹ đất công nghiệp còn lại không còn nhiều, do vướng bồi thường giải tỏa hoặc chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phức tạp, kéo dài, chưa đáp ứng kịp nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư.
Đơn giá thuê đất KCN tăng cao dẫn đến khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ đền bù, thu hồi đất, bàn giao cho nhà đầu tư cũng như công tác triển khai xây dựng hạ tầng KCN. Đối với các dự án thứ cấp, doanh nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm thì việc tăng đơn giá thuê đất gấp nhiều lần trong thời gian ngắn…
Báo cáo UBND tỉnh cho biết, kinh phí để chi cho hoạt động khoa học công nghệ (KH-CN) trên địa bàn là 2% nhưng thời gian qua, tỷ lệ giải ngân không đạt. Hàng năm, tỉnh tổ chức chợ thiết bị và công nghệ, kết nối cung - cầu về công nghệ nhưng không thể nắm hết số liệu về chuyển giao công nghệ vì không có quy định bắt buộc khi chuyển giao công nghệ phải đăng ký với cơ quan quản lý.
Thị trường KH-CN của tỉnh Đồng Nai cũng không sôi động. Quá trình thực hiện gặp một số bất cập liên quan đến quản lý tài sản công. Nếu không tháo gỡ khó khăn về cơ chế thì đến cuối nhiệm kỳ, tỉnh sẽ không thành lập được Trung tâm Robot. Mặc dù tỉnh có hơn 1,5 ngàn dự án FDI nhưng mới chỉ có 6 doanh nghiệp KH-CN. Trong 5 năm gần đây, tỉnh thực hiện thu hút có chọn lọc đối với các doanh nghiệp, ưu tiên những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động.
Kết luận buổi làm việc, ông Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp và mong muốn rằng trong thời gian tới các doanh nghiệp có nguồn vốn FDI. Các doanh nghiệp cần phải xác định, phát triển luôn đi liền với đổi mới công nghệ để đảm bảo yêu cầu về môi trường, phù hợp nhu cầu thị trường, giá cả hợp lý, an toàn vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe người lao động và người tiêu dùng. Đặc biệt, trong quá trình thực thi pháp luật, nếu doanh nghiệp gặp vướng mắc nên có ý kiến, trao đổi với các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.
Trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục theo dõi và kịp thời phát hiện những doanh nghiệp “lách luật” để trốn thuế, nếu có phải báo cáo và xử lý nghiêm. Ông Cường đề nghị tiếp tục động viên hỗ trợ doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đưa những thành tựu của khoa học công nghệ vào sản xuất.