Đồng Nai tìm giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng 10%
Tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các động lực, Đồng Nai quyết tâm đạt mục tiêu phát triển 2 con số trong năm 2025.
Đồng Nai là địa phương nằm trong nhóm được Thủ tướng giao chỉ tiêu phát triển kinh tế 10% trong năm 2025. Tỉnh có những lợi thế như phát triển công nghiệp từ sớm, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đang triển khai, dư địa phát triển về đô thị, nguồn lực đất đai còn rất lớn...nhưng đây cũng chính là thách thức mà Đồng Nai phải tìm giải pháp, quyết tâm thực hiện thắng lợi.
Nhiều thế mạnh chưa phát huy được
Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đồng Nai đạt gần 260.000 tỷ đồng, tăng 8,02% so với cùng kỳ, lọt vào 1 trong 4 tỉnh thành có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 vừa qua của Đồng Nai đạt hơn 62.000 tỷ đồng, duy trì vị trí thứ 6 cả nước.

Đồng Nai cần tháo gỡ điểm nghẽn, huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển (Ảnh: Duy Phương)
Tuy là con số tăng trưởng tốt, nhưng Đồng Nai có nhiều vấn đề là điểm nghẽn cho sự phát triển nếu không có giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp trong nhiều năm dẫn đến việc khó thúc đẩy tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Thế mạnh công nghiệp cũng có vấn đề khi các khu công nghiệp chưa đóng góp nhiều động lực tăng trưởng do chủ yếu cho thuê hỗn hợp, quỹ đất đang dần cạn kiệt, chưa có nhà đầu tư lớn, ít dự án công nghệ cao.
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình trọng điểm còn chậm, nguồn lực từ đấu giá đất không đạt yêu cầu. Công tác giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án rất hạn chế.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, từ năm 2011 đến nay, không có khu đất nào trên địa bàn tỉnh được đấu giá thành công. Nguyên nhân của vấn đề này do thị trường bất động sản kém sôi động, quy định phải lập quy hoạch chi tiết 1/500 trước khi đấu giá, công tác định giá khởi điểm còn chậm.

Nguồn lực đất đai của Đồng Nai còn chưa được khai thác hiệu quả (Ảnh: Duy Phương)
Ông Nguyễn Ngọc Thường – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết: "Hiện nay có nhiều quy định của pháp luật thay đổi rất nhiều. Cho nên việc chuẩn bị các phương án để tổ chức đấu giá gặp nhiều khó khăn. Qua đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có đánh giá, tham mưu cho UBND tỉnh để có báo cáo cho Thường trực Tỉnh ủy".
Đối với các khu công nghiệp, Đồng Nai có 36 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 4 khu đang triển khai. Diện tích cho thuê tại 32 khu công nghiệp là hơn 6.000 ha, đạt hơn 85% diện tích đất cho thuê, gần như đã lấp đầy.
Một vướng mắc lớn trong phát triển khu công nghiệp là giải phóng mặt bằng. Cụ thể, toàn tỉnh có tới 10 khu công nghiệp đang vướng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng diện tích đất hơn 700 ha.
Cùng với đó là thủ tục lập quy hoạch phân khu 1/2000 kéo dài. Để lập quy hoạch một khu công nghiệp, chủ đầu tư phải thực hiện 20 đầu mục với thời gian lên đến hơn 2 năm.

Đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp, thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao (Ảnh: Duy Phương)
Bà Dương Thị Xuân Nương – Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị này đang thực hiện các nội dung để tạo quỹ đất trong khu công nghiệp để thu hút đầu tư.
Đồng thời, Ban Quản lý cũng rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh để nâng cao điều kiện cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, trong đó có liên quan đến vấn đề giá cho thuê đất.
"Ban Quản lý nhận thấy một số khu công nghiệp có giá cho thuê đất cao hơn so với một số địa phương lân cận. Ban Quản lý đang rà soát, phối hợp với các sở ngành, trên cơ sở đó có khuyến nghị các công ty hạ tầng điều chỉnh kịp thời", bà Nương chia sẻ.
Cần huy động hiệu quả các nguồn lực
Trước thách thức đặt ra trong việc tăng trưởng kinh tế 2 con số, ông Võ Tấn Đức – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan cần chủ động triển khai hiệu quả việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển qua thực hiện công tác đấu giá đất, giải ngân đầu tư công.

Nhiều thế mạnh vốn có của Đồng Nai cần lấy lại động lực để phát triển (Ảnh: Duy Phương)
Đối với các dự án trọng điểm đang triển khai, ông Đức yêu cầu tập trung tối đa cho công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình; xây dựng kế hoạch, tiến độ, thường xuyên kiểm tra, giám sát để hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
"Về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn, đề nghị các sở ngành, địa phương, các chủ đầu tư phải tập trung tối đa. Phải xây dựng đường gantt công việc, hàng tuần, hàng tháng phải phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ", ông Đức nhấn mạnh.
Trong dài hạn, UBND tỉnh Đồng Nai xác định cần loại bỏ các rào cản về thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế số và thu hút đầu tư; cần linh hoạt, bám sát xu hướng thị trường, công nghệ, thích ứng nhanh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh thực hiện đề án net zero để thực hiện chuyển đổi xanh, có giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực. Tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Khẩn trương hoàn thành các công trình hạ tầng để đưa vào khai thác (Ảnh: Duy Phương)
Dưới góc nhìn của chuyên gia, Tiến sỹ Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, cho rằng trong cơ cấu kinh tế của Đồng Nai, khu vực công nghiệp và xây dựng chiểm tỷ trọng lớn (hơn 58% trong năm 2024) nên động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh thời gian tới vẫn là công nghiệp.
Ông Lịch đề nghị tỉnh Đồng Nai tính toán chuyển đổi công nghiệp, có chính sách kích cầu đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi. Ngoài ra, tỉnh cần quyết liệt triển khai các quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, xây dựng các tuyến giao thông kết nối vùng, đường sắt đô thị và đẩy mạnh tháo gỡ các điểm nghẽn về đầu tư.
Còn Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận, việc phát triển kinh tế 2 con số cần phải có sự chung tay hợp tác của nhiều tỉnh thành, tận dụng mối liên hệ này một cách tốt nhất.
"Các tỉnh thành hãy nhìn ở Đồng Nai trong tương quan tứ giác kinh tế Đồng Nai – TP.HCM – Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là 4 tỉnh thành đóng góp nhiều nhất cho ngân sách, và cũng là 4 tỉnh thành năng động nhất cả nước. Không có lý do gì chúng ta không thể là đầu tàu cho phát triển kinh tế của cả nước", ông Sơn nhận định.
Theo ông Sơn, Đồng Nai cần thực hiện 2 chiến lược công nghiệp hóa và đô thị hóa nhịp nhàng. Tỉnh phải xác định những khu vực, lĩnh vực có thể phát triển rất nhanh, có thể kể đến gồm: khu vực phát triển ven sông kết nối với kinh tế biển, khu vực logistics gắn kết với phát triển công nghiệp và phát triển đô thị sân bay.
4 nhiệm vụ trong tâm trong dài hạn được UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở ngành, đơn vị, địa phương thực hiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý gồm:
Thứ nhất là thay đổi tư duy từ bị động sang chủ động trong hoạch định, triển khai công việc, tận dụng tối đa các cơ hội, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thứ hai, phải phát triển hạ tầng kinh tế theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững; thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp 4.0 như: trí tuệ nhân tạo, sản xuất bán dẫn, tự động hóa, blockchain và dữ liệu lớn.
Thứ ba, phải xây dựng mô hình kinh tế xanh và tuần hoàn, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, áp dụng mô hình sản xuất khép kín, giảm thiểu rác thải và khí thải carbon nhằm đảm bảo phát triển bền vững và tăng khả năng hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học, viện nghiên cứu; thu hút đầu tư vào giáo dục để nâng tầm trình độ lao động địa phương.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dong-nai-tim-giai-phap-dat-muc-tieu-tang-truong-10-post1156567.vov