Đông Nam Á 2024: Định hình để bứt phá mạnh mẽ
Năm 2024 ghi nhận những biến chuyển sâu rộng, phức tạp của môi trường địa chính trị thế giới, tạo ra tác động đa chiều, thuận nghịch đan xen lên các quốc gia và khu vực. Năm 2024 đang dần khép lại cũng là thời điểm định hình các tầm nhìn mới tại Đông Nam Á, hướng tới một tương lai tươi sáng đối với khu vực.
Trên bình diện quốc gia, từ Indonesia, Singapore cho đến Thái Lan, Việt Nam là những cái tên tạo điểm nhấn cho bức tranh địa chính trị khu vực trong năm nay.
Indonesia, với cuộc bầu cử lần thứ 5 kể từ khi tiến hành công cuộc cải cách toàn diện vào năm 1998, chứng kiến sự thay đổi vị trí lãnh đạo đầu tiên trong một thập niên qua tại quốc gia vạn đảo. Chiến thắng xướng tên ông Prabowo Subianto, người lần thứ ba tham gia "đường đua" cùng thông điệp "người dân Indonesia là một, đất nước Indonesia là một", "vì lợi ích cao nhất của đất nước", đã mang lại hy vọng chung tay biến giấc mơ về "một Indonesia Vàng" thành hiện thực.
Nhìn sang Singapore, cuộc chuyển giao quyền lực thứ 3 kể từ khi giành độc lập vào năm 1965 và cũng là cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo từ thứ 3 sang thứ 4 của Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền đã đưa chính trị gia Lawrence Wong ngồi vào "ghế nóng", trở thành thủ tướng thứ 4 của đảo quốc sư tử. Được "chọn mặt gửi vàng", Thủ tướng Lawrence Wong xác định sứ mệnh của chính phủ là để "chấm đỏ nhỏ" Singapore "tiếp tục bừng sáng" trong "một thế giới ngày càng hiểm nguy".
Với Thái Lan, việc Quốc hội bỏ phiếu bầu lãnh đạo Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) làm Thủ tướng thứ 31 đã đưa bà Paetongtarn Shinawatra trở thành thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay của xứ chùa vàng. Dư luận Thái Lan đặt kỳ vọng vào nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử đất nước với khả năng kết nối các thế hệ sẽ "chèo lái" đất nước vượt qua chia rẽ, thực hiện tầm nhìn đưa Thái Lan tiến lên phía trước vững chắc bằng sức mạnh đoàn kết.
Trong khi đó, Việt Nam, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như hiện nay. Cùng thế và lực mới, phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc", dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trên bình diện khu vực, năm 2024 đánh dấu bước chuyển giai đoạn của ASEAN, hoàn thành các kế hoạch tổng thể 2025 và định hướng cho giai đoạn phát triển mới đến năm 2045. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và các kế hoạch chiến lược về hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và kết nối, dự kiến thông qua trong năm 2025, sẽ kế thừa và tiếp nối những "trái ngọt" đã đạt được, tạo nền tảng vững chắc cho ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn, vững bước tương lai.
ASEAN đã bước sang thêm một tuổi mới với sứ mệnh chung về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tiếp tục là chất keo gắn kết các quốc gia thành viên. Vượt qua thăng trầm, thích ứng với những biến thiên của thời cuộc, ASEAN ngày nay là điểm sáng trung tâm về đoàn kết và hợp tác, với tầm vóc chiến lược về chính trị và kinh tế, đáp ứng nguyện vọng về một khu vực Đông Nam Á "sông núi không còn chia cắt mà gắn kết trong hữu nghị và hợp tác". Trước những tác động cộng hưởng của tình hình thế giới và khu vực trong năm 2024, ASEAN đã ghi dấu ấn về một cộng đồng kết nối và tự cường.
Dưới sự dẫn dắt của nước Chủ tịch Lào, ASEAN đã giữ vững đà tăng trưởng kinh tế tích cực (dự báo đạt 4,7% trong năm nay, vượt xa mức trung bình của thế giới), thúc đẩy liên kết và kết nối giữa các nền kinh tế thông qua các thỏa thuận thương mại dịch vụ, hàng hóa, đầu tư nội khối. Không chỉ làm sâu sắc kết nối nội khối, hợp tác giữa ASEAN và các đối tác ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu, được thể hiện qua hàng loạt văn kiện như Tuyên bố cấp cao ASEAN+3 về tăng cường kết nối các chuỗi cung ứng khu vực, Tuyên bố chung cấp cao ASEAN-Canada về kết nối và tự cường ASEAN, Tuyên bố chung ASEAN-Ấn Độ về thúc đẩy chuyển đổi số, Tuyên bố cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ về thúc đẩy trí tuệ nhân tạo an toàn, bảo mật và đáng tin cậy, Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về hợp tác xây dựng hệ sinh thái số bền vững và toàn diện...
Trưởng thành và lớn mạnh qua muôn vàn khó khăn, ASEAN chính là một điển hình về nỗ lực bền bỉ, tinh thần tự cường. Tự cường là khả năng và năng lực của ASEAN vượt qua mọi biến động, giữ vững lập trường nguyên tắc, phát huy vai trò trung tâm trong các tiến trình khu vực. Tự cường nhằm chủ động ứng phó, luôn bản lĩnh trước mọi gian nan, thử thách, đồng thời cũng là để sẵn sàng đón nhận các cơ hội. Tuyên bố "Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hướng tới cấu trúc khu vực với ASEAN ở vị trí trung tâm, ASEAN sẵn sàng cho tương lai" cùng nhiều tuyên bố về các lĩnh vực hợp tác cụ thể như tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học chính là những minh chứng cụ thể cho một ASEAN không ngừng phát huy sức mạnh đoàn kết, vai trò trung tâm, nâng cao tự cường và tự chủ chiến lược trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên, ứng xử cân bằng, linh hoạt trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Với định hướng là tầm nhìn chiến lược, điểm tựa là đoàn kết nội khối, nền tảng là vai trò trung tâm, công cụ là các chương trình, kế hoạch, các quốc gia Đông Nam Á-dưới mái nhà chung ASEAN hội tụ đủ các điều kiện để thích ứng với vạn biến thời cuộc, bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn mới, xây dựng một cộng đồng tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dong-nam-a-2024-dinh-hinh-de-but-pha-manh-me-5032944.html