Đông Nam Á chống dịch: Vừa phòng vừa tiến
Tình hình dịch COVID-19 ở Đông Nam Á vẫn chưa có dấu hiệu khả quan dù nhiều nước đối phó cùng lúc các biện pháp vừa phòng vừa tiến như kéo dài phong tỏa, giãn cách xã hội, đẩy nhanh tiêm vaccine.
Dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới và số ca tử vong tăng kỷ lục, gây quá tải hệ thống y tế. Chính phủ nhiều nước đã hoặc đang cân nhắc tái áp đặt các biện pháp đi lại để chặn đà lây, bên cạnh tăng tốc tiêm chủng hàng loạt.
Dịch bùng phát dữ dội
Theo hãng tin Reuters, Indonesia hiện là nước bị dịch nặng nhất khu vực. Trang thống kê Worldometers ngày 28-6 cho biết số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở Indonesia là gần 21.000, đưa tổng số bệnh nhân lên hơn 2,1 triệu. Đây là ngày thứ sáu liên tiếp Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày trên 20.000. Số ca tử vong vì COVID-19 tại Indonesia cũng tăng thêm 423 trong ngày 27-6, lên tổng cộng hơn 57.500 ca.
Philippines ngày 28-6 ghi nhận khoảng 5.600 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca bệnh lên hơn 1,4 triệu. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cũng đã tăng lên hơn 24.400, thêm 84 ca so với một ngày trước.
Thái Lan ngày 28-6 có hơn 5.400 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở đây lên gần 250.000. Đây cũng là ngày thứ 10 liên tiếp Thái Lan ghi nhận trên 2.000 ca nhiễm mới trong một ngày. Số ca tử vong hiện dừng ở mức 1.934, tăng thêm 22 trường hợp mới.
Malaysia ngày 28-6 có thêm khoảng 5.200 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 739.200. Tổng số ca tử vong mới cũng tăng thêm 57 trường hợp, lên 5.000 ca.
Siết chặt phong tỏa, tăng cường tiêm chủng
Trong bối cảnh nói trên, chính quyền mỗi nước lại có cách phản ứng khác nhau để đẩy lùi đại dịch và trước mắt là giảm số ca nhiễm mới hằng ngày. Đối với Indonesia, Reuters dẫn ba nguồn tin giấu tên cho biết Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin đang thúc giục chính phủ thông qua đề xuất siết chặt các quy định phòng dịch.
Là nền kinh tế lớn nhất ĐNA, Indonesia dĩ nhiên sẽ không muốn và đến nay vẫn chưa tính đến khả năng phong tỏa toàn quốc. Thay vào đó, Indonesia sẽ chỉ phong tỏa hạn chế ở các khu vực có ổ dịch. Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo, mới đây khẳng định chiến lược chống dịch hiện tại vẫn có tác dụng nhưng cần được các địa phương thực thi tốt hơn.
Trong khi đó, Hiệp hội Y tế Indonesia (IDI) ngày 27-6 kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp hạn chế quy mô lớn, đặc biệt là phong tỏa trên phạm vi toàn bộ đảo Java - nơi sinh sống của hơn một nửa trong số 270 triệu dân Indonesia. IDI cảnh báo hệ thống y tế trên đảo Java đã quá tải với hơn 30 bác sĩ tử vong vì dịch COVID-19 chỉ tính riêng trong tháng này.
Về chiến dịch tiêm vaccine, Indonesia đặt mục tiêu tiêm cho hơn 180 triệu người trước đầu năm tới. Tuy nhiên, Indonesia tới nay mới tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 5% dân số.
Ở Philippines, Tân Hoa Xã ngày 27-6 dẫn lời Thứ trưởng Y tế Leopoldo Vega kêu gọi người dân duy trì cảnh giác với dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vẫn cao. Philippines hiện cũng chưa áp dụng phong tỏa hay giãn cách toàn quốc, chỉ mới đang phong tỏa một số điểm dịch nghiêm trọng vùng nội đô Manila.
Chiến dịch tiêm vaccine của Philippines đang được tiến hành thuận lợi. Tính đến cuối tuần trước, 2 triệu người trong nước đã được tiêm và mục tiêu của nước này là tiêm cho 70 triệu người trước cuối năm nay. Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, mới đây cũng nổi tiếng với phát ngôn gay gắt: “Một là các người tự chọn đi tiêm vaccine, hai là tôi sẽ bỏ tù các người” khi có thông tin một số điểm tiêm chủng ở Manila không có người tới tiêm.
Ở Thái Lan, hãng tin Bloomberg cho hay Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 26-6 vừa ký áp lệnh giãn cách xã hội mới nhằm kiềm chế lây lan tại thủ đô Bangkok cùng các vùng phụ cận. Thái Lan chỉ mới bắt đầu tiêm chủng hàng loạt hồi đầu tháng 6 nên tỉ lệ tiêm vẫn còn thấp. Dù vậy, giới chức y tế vẫn đang nỗ lực để sớm đạt mục tiêu trước mắt tiêm 6 triệu liều trước đầu tháng 7.
Tại Malaysia, Thủ tướng Muhyiddin Yassin ngày 27-6 thông báo sẽ kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm hạn chế lây lan. Theo Reuters, dù Thủ tướng Muhyiddin không nêu rõ lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ kéo dài đến bao giờ nhưng ông cho biết biện pháp hạn chế sẽ không được nới lỏng cho tới khi số ca nhiễm tính theo ngày ở nước này giảm xuống dưới mức 4.000 ca.
Bộ trưởng Thương mại Malaysia, ông Azmin Ali, cảnh báo chính phủ cần đánh giá thận trọng dựa trên tình hình thực tế khi số ca nhiễm mới ở Malaysia không giảm và vẫn ở mức cao.
Tính đến nay, mới chỉ có 6% dân số Malaysia được tiêm vaccine trong khi một số trung tâm tiêm chủng không có đủ nguồn cung vaccine. Tuy nhiên, Bộ trưởng Điều phối Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 Khairy Jamaluddin cho rằng tình hình sẽ khả quan hơn vào tháng 7 tới, khi Malaysia tiếp nhận thêm nhiều nguồn cung cấp vaccine.
Singapore tính chuyện sống chung với COVID-19
Một điểm chung là các nước trên chưa tiêm chủng nhiều. Còn Singapore ngày 24-6 cho biết mình đang tính tới lộ trình sống chung với dịch, trong bối cảnh nước này đã phủ sóng tiêm chủng đủ nhiều. Cụ thể, hiện Singapore đã tiêm cho khoảng nửa dân số với ít nhất một liều vaccine của Pfizer/BioNTech hay của Moderna. Trong đó, 36,1% dân số đã được tiêm đủ hai liều (2,06 triệu người/5,9 triệu dân). Singapore hy vọng ít nhất 2/3 dân số sẽ được tiêm đủ hai liều vaccine vào ngày quốc khánh Singapore (ngày 9-8).
Với tỉ lệ tiêm chủng được cho ở mức cao, Singapore đang dần dần khôi phục các hoạt động xã hội và đi lại. Và tới đây, thay vì theo dõi số ca nhiễm hằng ngày, Singapore sẽ tập trung vào theo dõi các trường hợp trở nặng. Những người bị nhiễm sẽ được cho phép tự theo dõi, nghỉ ngơi, điều trị triệu chứng để hồi phục tại nhà, nhờ đó hệ thống y tế sẽ bớt căng thẳng hơn.
Singapore có thể không cần truy vết và cách ly ở quy mô lớn mỗi khi phát hiện một ca bệnh. Mọi người có thể tự xét nghiệm thường xuyên bằng nhiều cách nhanh chóng và dễ dàng. Nếu dương tính, họ có thể đến cơ sở y tế xét nghiệm kỹ hơn và sau đó tự cách ly.•
Một báo cáo hồi đầu tháng 6 của Công ty tư vấn kinh tế The Economist Intelligence Unit (Anh) cho rằng với tiềm lực khác nhau của mỗi nước thì phải ít nhất tới cuối năm 2022, các nước ĐNA mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.
Úc bất ngờ tái phong tỏa sau thời gian chống dịch hiệu quả
Úc, quốc gia từng được xem là chống dịch tốt, cũng đang phải áp đặt biện pháp phong tỏa trở lại. Ngày 27-6 (giờ địa phương), Úc ghi nhận 38 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó TP Sydney (bang New South Wales) có 30 trường hợp, theo đài ABC. Đây là số ca lây lan trong cộng đồng cao nhất tính từ đầu năm của Úc và hầu hết là nhiễm biến thể Delta.
Việc số ca nhiễm biến thể Delta gia tăng ở Sydney như vậy khiến chính quyền TP này quyết định phong tỏa hai tuần. TP Darwin, thủ phủ của vùng lãnh thổ Bắc Úc, cũng vừa yêu cầu người dân phải ở nhà hai ngày. TP Queensland, vùng Tây Úc, vùng lãnh thổ trung tâm Úc (ACT) và Nam Úc cũng thắt chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 như đóng cửa biên giới đối với những người đến từ vùng có dịch và bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/dong-nam-a-chong-dich-vua-phong-vua-tien-996356.html