Đông Nam Á chuyển hướng, thay đổi chiến lược đầu tư
Trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị gia tăng, khu vực Đông Nam Á đang nỗ lực thu hút đầu tư nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia.

Khu vực Đông Nam Á đang nỗ lực thu hút đầu tư nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia. (Nguồn: Getty)
Theo các cuộc thảo luận tại Diễn đàn khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, các quốc gia Đông Nam Á đang điều chỉnh lại cách tiếp cận đối với đầu tư nước ngoài, chuyển trọng tâm từ số lượng sang chất lượng và tác động bền vững.
Bà Ana Novik, Trưởng Bộ phận Đầu tư tại OECD cho rằng, quan niệm về một môi trường đầu tư lành mạnh đã có sự thay đổi đáng kể, và tổ chức này đang tập trung vào việc tăng cường tác động của đầu tư thay vì chỉ đơn thuần là tăng dòng vốn.
Sự thay đổi chiến lược này diễn ra khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên đang tăng cường hội nhập khu vực thông qua sáng kiến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nhằm giải quyết các rào cản phi thuế quan, cải thiện kết nối và tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Ông Rifki Weno, Giám đốc điều hành Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN, đã nêu bật đề xuất về khuôn khổ “Thực thể Kinh doanh ASEAN”, một sáng kiến sẽ khuyến khích đầu tư xuyên biên giới bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển nhân tài và vốn trong toàn khu vực. Ông Weno lưu ý rằng sự hội nhập kinh tế sâu rộng hơn là yếu tố then chốt để tăng cường sức hấp dẫn của ASEAN trong bối cảnh toàn cầu ngày càng phức tạp.
Theo ông Tetsuya Watanabe, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á, khu vực này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn trong bối cảnh động lực địa chính trị đang thay đổi. Do đó, ASEAN phải tăng cường khả năng phục hồi thông qua đa dạng hóa và hợp tác.
Ông Watanabe nhấn mạnh rằng khu vực này có nhiều cơ hội đáng kể để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, điện tử và năng lượng sạch, với điều kiện tiên quyết là tạo ra một môi trường hỗ trợ bằng cách cải thiện tính minh bạch của các quy định.
Đại diện thương mại Thái Lan Werapong Prapha cho biết, Thái Lan là một ví dụ điển hình cho việc chuyển hướng chiến lược đầu tư khi nước này đang xem xét sửa đổi Đạo luật Sở hữu Nước ngoài để cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực như công ty khởi nghiệp công nghệ và công nghệ sinh học, đồng thời khẳng định cam kết của Thái Lan đối với cải cách quy định.

Diễn đàn khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: OECD)
Trong khi đó, bà Whitney Baird, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Quốc tế Mỹ, cho biết, các công ty Mỹ vẫn quan tâm đến khu vực này, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thống nhất về mặt quy định, đặc biệt là đối với các công nghệ mới nổi. Bà Baird lưu ý rằng các quy trình minh bạch và có thể dự đoán được để sàng lọc đầu tư là điều cần thiết, đồng thời nói thêm rằng các cơ chế như vậy sẽ giải quyết các mối quan ngại hợp pháp về an ninh quốc gia mà không cản trở sự cạnh tranh hoặc các khoản đầu tư có giá trị.
Jens Arnold, Trưởng Bộ phận Kinh tế của OECD, nhấn mạnh tầm quan trọng của các cải cách cơ cấu trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nâng cao năng suất, hợp lý hóa quy định và tự do hóa lĩnh vực dịch vụ.
Ông lưu ý rằng Khảo sát Kinh tế của OECD đối với một số quốc gia Đông Nam Á đưa ra các khuyến nghị chính sách dựa trên bằng chứng bằng cách so sánh với các quốc gia có điều kiện tương đồng trên thế giới. Vị quan chức này cho rằng việc cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đảm bảo một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, và tối đa hóa lợi ích từ đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua các mối liên kết địa phương đều là những ưu tiên quan trọng.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-nam-a-chuyen-huong-thay-doi-chien-luoc-dau-tu-313197.html