Đông Nam Á đòi trả rác cho phương Tây

Chuyện các nước phương Tây tìm cách đổ hàng chục triệu tấn rác thải vào các nước Đông Nam Á đã diễn ra hơn 25 năm nay nhưng điều mới là nay không những các nước này từ chối tiếp nhận mà còn đòi gửi trả rác về cho cố nhân.

 Bộ trưởng Môi trường Malaysia, bà Yeo Bee Yin (giữa) trước các container rác từ Úc.

Bộ trưởng Môi trường Malaysia, bà Yeo Bee Yin (giữa) trước các container rác từ Úc.

Nhiều năm nay, các nước giàu có như Mỹ, Anh, Úc, Đức hay Canada thường xuất rác phế thải, chủ yếu là đồ điện tử và nhựa sang các nước Đông Nam Á, danh nghĩa là để tái chế nhưng thực chất... chỉ là tìm chỗ đổ rác. Nay đang có nhiều tiếng nói đòi các nước phải tiếp nhận trở lại hàng trăm container rác thải này.

Sòng phẳng mà nói, thủ phạm cũng chính là các doanh nghiệp ở các nước Đông Nam Á, lợi dụng các quy định còn thiếu chặt chẽ để nhập rác. Đồng phạm là các doanh nghiệp xử lý rác ở các nước phương Tây, được thuê để xử lý nhưng tìm cách tống khứ cho đối tác ở các nước nghèo. Nếu rác là đồ nhựa có thể tái chế thì còn đỡ; đằng này quan chức các nước Đông Nam Á cho biết hầu hết rác thải là không thể tái chế như tã lót người lớn.

Trước đây, Trung Quốc là nơi tiếp nhận rác nhiều nhất, năm cao điểm 2016 lên đến 600.000 tấn nhựa phế liệu được nhập khẩu. Năm ngoái nước này bắt đầu cấm nhập rác - thế là rác trôi nổi ào vào các nước Đông Nam Á, nhiều nhất là Malaysia. Theo số liệu của Greenpeace, nhập khẩu nhựa phế thải vào Malaysia tăng vọt từ 168.500 tấn vào năm 2016 lên 456.000 chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm 2018.

Nay Malaysia tuyên bố họ sẽ trả 3.000 tấn rác về cho chủ cũ. Theo Reuters, Bộ trưởng Môi trường nước này là bà Yeo Bee Yin cho biết Malaysia sẽ chở 60 container rác về trả cho các nước xuất khẩu vì chúng được nhập trái phép, khai báo gian dối. Theo điều tra của chính phủ Malaysia, rác xuất phát từ Úc, Anh, Mỹ và Đức. Hàng chục nhà máy chế biến rác, hầu hết là hoạt động lậu, mọc lên ở Malaysia gây tác hại đến môi trường khi đốt bỏ nhựa phế thải chứ không tái chế; 139 nhà máy như thế đã bị đóng cửa. Malaysia từng trả 5 container chứa rác nhập trái phép về cho Tây Ban Nha.

Trước đó, ồn ào nhất là vụ Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, đòi Canada phải chở 1.500 tấn rác về bằng không ông sẽ cho chở qua vất bỏ trên hải phận nước này. Canada đã đồng ý tiếp nhận số rác do các công ty tư nhân ký hợp đồng chở đi xử lý trong hai năm 2013 và 2014 nhưng chưa dàn xếp được việc vận chuyển. Thế nhưng vụ này cũng không ngăn được rác tuồn vào nước này: hải quan Philippines mới phát hiện nhiều thùng rác đô thị xay vụn được dán nhãn là nhiên liệu để qua mắt hải quan. Ở Indonesia, theo tờ Guardian, 60 container chứa chất thải độc hại vẫn đang nằm ở một cảng của đảo Riau cả 5 tháng nay.

Trong khi người dân ở các nước phương Tây đang có những phong trào bảo vệ môi trường như không dùng ống hút nhựa, có thể họ không biết nước họ lại đem rác thải, đầy chất độc hại qua đổ ở châu Á. Có thể các quan chức quản lý môi trường ở những nước này yên tâm là rác được tái chế nhưng làm sao họ có thể tin được công nghệ ở nước nghèo có thể tái chế loại rác mà chính họ cũng không muốn tái chế!

Thư Kỳ

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289704/dong-nam-a-doi-tra-rac-cho-phuong-tay-.html