Đông Nam Á đua nhau trả rác về các nước giàu
Các nước trong khu vực Đông Nam Á đang thể hiện lập trường từ chối trở thành 'bãi rác' cho các quốc gia phát triển...
Thời gian gần đây, các nước ở khu vực Đông Nam Á bắt đầu trả lại rác nhập lậu từ các nước giàu. Sau Malaysia và Philippines, Indonesia và Campuchia đã có động thái tương tự.
Việc các nước Đông Nam Á đua nhau trả rác về các nước giàu diễn ra sau khi Trung Quốc - vốn trong nhiều năm là nước nhập khẩu nhiều rác nhất thế giới - quyết định cấm nhập "đồng nát" từ năm 2019. Ngay khi Trung Quốc thôi nhập rác, dòng rác từ các quốc gia giàu có bắt đầu chảy mạnh vào Đông Nam Á, nhưng các nước trong khu vực đang thể hiện lập trường từ chối trở thành "bãi rác" cho các quốc gia phát triển.
Tờ báo Nikkei Asian Review dẫn lời giới chức cảng Tanjung Perak ở Đông Java, Indoneisa cho biết nước này sẽ trả lại 8 container rác về Australia sau khi phát hiện số rác này trà trộn rác điện tử và các vật liệu nguy hiểm khác. Giới chức cảng Batam của Indonesia tuyên bố sẽ trả lại 49 container rác về nhiều nước như Mỹ, Pháp và Đức.
Việc Đông Nam Á mạnh tay với rác nhập khẩu bắt nguồn từ mối lo ngại ngày càng lớn của công chúng về những rủi ro về môi trường và sức khỏe.
Hồi tháng 6, Indonesia trả về Mỹ 5 container rác dán nhãn "giấy vụn", nhưng thực chất là nhựa, cao su và tã giấy.
"Indonesia sẽ "không ngại trả lại rác nhập lậu", Bộ trưởng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, ông Siti Nurbaya Bakar, tuyên bố.
Ở Campuchia, 83 container rác nhựa từ Mỹ từ Canada được dán nhãn sai là vật liệu tái chế khi chuyển tới cảng Sihanoukville. Đầu tháng 7, giới chức Campuchia cho biết sẽ trả lại số rác này về hai nước xuất phát.
Sri Lanka, một nước Nam Á, mới đây cho biết sẽ trả về Anh 111 container rác nhập lậu bị phát hiện hôm 22/7. Sau khi người dân phản ánh về mùi khó chịu bốc ra từ các container rác này, nhà chức trách đã vào cuộc vào tìm thấy rác thải y tế lẫn trong đó.
Lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa của Trung Quốc đã khiến các nền kinh tế giàu có như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản lâm vào tình thế loay hoay tìm thị trường xuất khẩu rác tái chế. Trong nhiều trường hợp, Đông Nam Á được chọn làm đích đến cho rác.
Nâm 2018, Trung Quốc chỉ nhập 51.000 tấn rác nhựa, bằng chưa đầy 1% so với năm 2017. Ngược lại, nhập khẩu rác nhựa vào Malaysia tăng 60%, lên 870.000 tấn, vào Thái Lan tăng gấp hơn 3 lần, lên 480.000 tấn.
Do lượng rác nhập vượt xa công suất xử lý và vì mối lo ô nhiễm môi trường, các nước Đông Nam Á không còn lựa chọn nào khác phải mạnh tay xử lý rác nhập lậu.
Cuối tháng 5, Malaysia tuyên bố sẽ trả lại hàng trăm tấn rác nhập lậu từ nhiều nước gồm Nhật Bản, Mỹ và Australia.
Cũng vào cuối tháng 5, Philippines trả lại 69 container rác từ Canada. Tổng thống Rodrigo Duterte của nước này thậm chí dọa Canada và đã triệu đại sứ của quốc gia Bắc Mỹ tới để phản đối. Sau đó, Ottawa chấp nhận nhận lại số rác và trang trải mọi chi phí.
Ông Duterte đã nhiều lần chỉ trích việc các nước đang phát triển phải trả giá cho tình trạng biến đổi khí hậu gây ra bởi sự phát triển kinh tế của các nước giàu hơn.
"Các nước đang phát triển đóng góp ít nhất vào sự nóng lên toàn cầu, nhưng lại là những nước phải chịu đựng nhiều nhất những hậu quả đáng sợ của tình trạng này", ông Duterte nói trong một bài phát biểu ở Nhật Bản hồi tháng 5. "Với mực nước biển dâng, hầu hết các quốc gia đều tính toán thiệt hại dựa trên đường bờ biển. Nhưng những nước quần đảo như Philippines phải đo thiệt hại bằng những hòn đảo và mạng sống của người dân".
Trong khi đó, các nước xuất khẩu rác vẫn đang loay hoay tìm giải pháp.
Hồi tháng 5, các nước tham gia Công ước Basel, một thỏa thuận về kiểm soát rác thải độc hại, đưa ra những quy định mới về phân loại nhựa bẩn là rác thải không phù hợp để tái chế. Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới G20 vào tháng 6 đã nhất trí đặt mục tiêu xóa rác thải nhựa ở các đại dương vào năm 2050.