Đông Nam Á kiếm bộn tiền nhờ nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc
Nhờ Trung Quốc, nhu cầu sầu riêng của thế giới tăng lên tới 400%. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu sầu riêng Đông Nam Á đang tìm kiếm thỏa thuận thương mại khu vực để giúp bán được nhiều sản phẩm hơn nữa.
Thị trường Trung Quốc chiếm 91% nhu cầu sầu riêng của thế giới, trong đó Trung Quốc đã nhập khẩu 6 tỷ USD trong hai năm qua, HSBC cho biết trong một báo cáo hôm thứ Hai.
Ngân hàng HSBC cho biết thêm, khoảng 90% sầu riêng được vận chuyển trên toàn thế giới có nguồn gốc từ khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên, tăng từ mức 60% cách đây 7 năm.
Báo cáo cho biết: “Xuất khẩu sầu riêng của ASEAN đang tăng trưởng… ngụ ý rằng hàng nghìn tàu vận chuyển sầu riêng có thể được ra khơi đi quốc tế”.
Hiệp định thương mại tự do Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia, bao gồm khối ASEAN cộng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, đã đẩy nhanh hoạt động buôn bán sầu riêng với mức thuế thấp hơn và thủ tục hải quan đơn giản hơn kể từ khi hiệp định có hiệu lực ở hầu hết các nước vào đầu năm ngoái.
Nhưng chỉ riêng RCEP có lẽ không giải thích được nhu cầu tăng trưởng 400%, Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc và Bắc Á tại Ngân hàng Standard Chartered, cho biết.
Ông nói thêm, các biện pháp ngăn chặn Covid-19 ở Trung Quốc năm ngoái có thể đã tạo ra cơ sở thấp để so sánh.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi nhiều gấp bốn lần so với năm 2017, đạt doanh thu 4 tỷ USD. Theo HSBC, Thái Lan chiếm 99% thị trường xuất khẩu sầu riêng của ASEAN.
Loại trái cây này đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc để làm quà tặng cho các cặp đôi mới cưới, lễ đính hôn và thậm chí cả mẹ chồng.
Bên cạnh đó, sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jnr ký thỏa thuận về tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật liên quan đến xuất khẩu sầu riêng với Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh vào tháng 1, nước này đã xuất khẩu những quả sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc vào tháng 4.
Bộ Nông nghiệp Malaysia cũng đang tìm kiếm sự chấp thuận để xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, theo báo cáo phương tiện truyền thông địa phương vào tháng 6, sầu riêng đông lạnh đã được chấp nhận.
Sam Sin, Giám đốc phát triển của S&F Produce Group ở Hồng Kông, cho biết người tiêu dùng ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông “sẵn sàng trả tiền” cho sầu riêng từ Thái Lan vì chúng có thời hạn sử dụng lâu hơn so với các khu vực khác ở Đông Nam Á.
Ông Sin cho biết: “Xu hướng tăng trưởng này chắc chắn có lợi cho những người trồng sầu riêng Thái Lan vì nó mang đến cho họ những cơ hội tuyệt vời để mở rộng kinh doanh”.
“Thị trường Trung Quốc đang mở rộng cung cấp cơ sở tiêu dùng rộng lớn, cho phép người trồng trọt tăng sản lượng và từ đó tăng doanh thu”, ông nhận định.
Nông dân ở tỉnh đảo nhiệt đới Hải Nam cũng đã bắt đầu thu hoạch vụ sầu riêng trồng tại nhà đầu tiên của Trung Quốc.
Lê Na (Theo SCMP)