Đông Nam Á phải làm gì để cân bằng giữa hai siêu cường Mỹ-Trung?
Không có khu vực nào trên thế giới có nguy cơ hứng chịu sự cạnh tranh kinh tế, chiến lược và quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều hơn Đông Nam Á. Sự cạnh tranh đó sẽ gia tăng trong năm 2021.
Một mặt, nhiều người trong khu vực lo ngại trước tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình là giành lại cho Trung Quốc vị trí trung tâm mà nước này từng đạt được ở Đông Á trước khi bị phương Tây và Nhật Bản hất văng trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20.
Theo cây bút bình luận Dominic Ziegler, điều này không chỉ thể hiện qua việc Trung Quốc thách thức các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và hàng hải của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam ở Biển Đông, nơi phần lớn hoạt động thương mại đường biển của Trung Quốc cũng đi qua.
Tham vọng còn thể hiện qua lời kêu gọi của ông Tập về “người châu Á điều hành các công việc của châu Á”, nghe như ám chỉ rằng Trung Quốc sẽ điều hành châu Á.
Mặt khác, dù các nước thành viên ASEAN hoan nghênh Mỹ như cường quốc thống trị quân sự trong khu vực để chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng họ hiểu rằng xung đột sẽ là thảm họa đối với mình.
Các nhà ngoại giao Đông Nam Á đã không lớn tiếng cổ vũ cho luận điệu chống Trung Quốc của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, điều khó có thể dịu đi nhiều dưới thời lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm Joe Biden. Ngoài ra, không có mấy chính phủ trong khu vực xem mô hình chính trị của Mỹ là hình mẫu để noi theo.
Ông Ziegler cho rằng, lí do trên hết là Trung Quốc quá gần và quá hùng mạnh để có thể chống lại. Cho đến nay, nước này là đối tác thương mại lớn nhất và là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Đông Nam Á sau Nhật. Sự thịnh vượng của ASEAN gắn liền với Trung Quốc cũng như các chuỗi cung ứng của đại lục.
Và như Sebastian Strangio, một nhà quan sát khu vực nhạy bén đã chỉ ra trong cuốn sách mới nhan đề “In the Dragon’s Shadow” (tạm dịch: "Dưới cái bóng của con rồng"), Đông Nam Á có một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và ổn định của Trung Quốc.
Do đó, làm thế nào để không bị mắc kẹt giữa hai gã khổng lồ? Các chiến lược gia của khu vực nhắc nhở bản thân rằng, khi các cường quốc đối đầu, mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn. Chuyên gia Ziegler tin, đối với năm 2021, trải nghiệm của khu vực trong việc ứng phó với sự cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ trở thành vấn đề nổi cộm.
Đông Nam Á đã sống dưới ảnh hưởng của Trung Quốc trong nhiều thiên niên kỷ và các nước thành viên ASEAN đã chứng kiến sự hiện diện của Mỹ kể từ sau Thế chiến thứ hai. Theo Bilahari Kausikan, người từng là nhà ngoại giao hàng đầu Singapore, cách tiếp cận của khu vực trong thời gian tới sẽ là “rào giậu, cân bằng và hợp lực” giữa hai bên.
Các sinh viên chuyên ngành quan hệ quốc tế thường được dạy rằng, chỉ có thể thực hiện một trong 3 cách tiếp cận trên vào bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, ông Kausikan lập luận, những người Đông Nam Á thực dụng có khả năng làm cả 3 việc này cùng lúc. Một ví dụ vào năm 2021 là, Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ tiếp tục tìm cách thu hút ông Tập tăng cường đầu tư của Trung Quốc nhưng đồng thời kỳ vọng sự cải thiện nhanh chóng mối quan hệ quân sự từng căng thẳng với Mỹ.
Đông Nam Á năm 2021 cũng sẽ làm nhiều hơn nữa để mời gọi các cường quốc khác, đặc biệt là Nhật, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ, cùng chia sẻ về cả sự thịnh vượng và an ninh trong khu vực.
Sự rào giậu, cân bằng và hợp lực được cho dựa trên một giả định lớn rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đều không thực sự có ý định tách rời hoàn toàn hai nền kinh tế của họ khỏi nhau. Tính toán đó có lẽ đúng và ngay cả khi cạnh tranh cũng như đàm phán cam go giữa hai cường quốc tái định hình các chuỗi cung ứng toàn cầu, người Đông Nam Á vẫn có ý định hưởng lợi từ đó.
Mặc dù vậy, đó là một canh bạc và các rủi ro khác luôn rình rập. Điều không kém phần quan trọng với họ là duy trì sự đoàn kết của ASEAN. Tuy nhiên, rủi ro đáng sợ nhất có lẽ là một cuộc đụng độ ngoài ý muốn giữa Trung Quốc và Mỹ về Biển Đông. Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, sự rào giậu, cân bằng và hợp lực rốt cuộc sẽ không giúp bên nào tiến xa được.
Tuấn Anh(theo The Economist)