Đông Nam Á tăng cường các biện pháp mạnh ứng phó khi số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh
Các quốc gia Đông Nam Á đang khẩn trương các biện pháp mạnh phòng chống dịch bệnh khi số ca nhiễm Covid-19 ở khu vực này đang có chiều hướng gia tăng mạnh. Hiện tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều ghi nhận các ca nhiễm dịch bệnh chết người này.
Thái Lan áp dụng sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp toàn quốc
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 25-3 đã chính thức công bố việc áp dụng sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc từ 26-3 đến 30-4. Thông báo của Chính phủ Thái Lan nêu rõ sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp sẽ được thực thi tại tất cả các khu vực, có hiệu lực từ nửa đêm 25-3. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Prayut nói rằng tất cả các cửa hàng bán thực phẩm và hàng tiêu dùng vẫn có thể mở cửa, nhưng cảnh báo những kẻ lợi dụng việc áp dụng tình trạng khẩn cấp nhằm trục lợi cá nhân sẽ phải đối mặt với hành động nghiêm khắc.
Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trao quyền cho Thủ tướng Prayut đứng đầu Trung tâm chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 với sự hỗ trợ của các thư ký thường trực của các Bộ Y tế, Nội vụ, Thương mại và Ngoại giao. Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang được trao trách nhiệm về các vấn đề an ninh. Những biện pháp thực thi sắc lệnh khác sẽ được công bố tiếp theo.
Trước đó, trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp ngày 24-3, Thủ tướng Prayut nói rằng việc áp dụng Sắc lệnh Hoàng gia năm 2005 về các tình hình khẩn cấp là cần thiết để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Theo sắc lệnh này, Thủ tướng sẽ là người có quyền duy nhất trong việc thực hiện các chính sách được đưa ra để chống đại dịch Covid-19 thông qua Trung tâm xử lý tình hình khẩn cấp.
Cùng ngày 25-3, Bộ Y tế Thái Lan thông báo nước này đã ghi nhận thêm 107 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 934 người.
Philippines ban hành luật đặc biệt, Malaysia kéo dài lệnh hạn chế đi lại
Sáng 25-3, Thượng nghị sỹ Philippines Christopher Go cho biết Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký ban hành luật cho phép Tổng thống thực thi các biện pháp khẩn cấp đối phó với dịch Covid-19.
Người phát ngôn của Tổng thống Duterte cho biết luật này trao cho Tổng thống các quyền hạn sẵn sàng hành động để triển khai hiệu quả chính sách quốc gia ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, trao quyền cho Tổng thống tạm thời chỉ đạo các hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân phục vụ lợi ích chung khi cần thiết.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế Philippines ngày 25-3 đã ghi nhận thêm 84 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và 3 trường hợp tử vong do dịch bệnh này. Hiện tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Philippines hiện là 636 người, trong khi số ca tử vong hiện là 38.
Tại Malaysia, Thủ tướng nước này ông Muhyiddin Yassin ngày 25-3 đã gia hạn lệnh phong tỏa thêm hai tuần, đến ngày 14-4 tới trong bối cảnh các ca nhiễm virus Corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tiếp tục tăng tại quốc gia Đông Nam Á này. Lệnh hạn chế đi lại ban đầu dự kiến kéo dài đến ngày 31-3. Ông Muhyiddin Yassin cho hay nước này đã xác nhận thêm 172 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tính đến trưa 25-3, nâng tổng số ca nhiễm virus chết người này lên thành 1.796 người, với 17 ca tử vong. Bộ Y tế Malaysia cho hay khoảng 970 người trong tổng số các ca nhiễm có liên quan tới một buổi tụ tập tôn giáo hồi tháng trước gần Thủ đô Kuala Lumpur.
Campuchia cân nhắc khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp
Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen cho biết sẽ cân nhắc về khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp. Phát biểu tại cuộc gặp mặt 400 bác sỹ tình nguyện chống dịch Covid-19 vào sáng 25-3 tại Cung Hòa bình, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết ông đang cân nhắc khả năng trình Quốc vương Norodom Sihamoni ban bố tình trạng khẩn cấp đối phó với đại dịch này. “Nếu lời kêu gọi chống Covid-19 của tôi không hiệu quả, tôi sẽ cân nhắc Điều 22 của Hiến pháp, ban bố tình trạng khẩn cấp - Thủ tướng Hun Sen tuyên bố. Điều 22 Hiến pháp Campuchia quy định: “Khi quốc gia đối mặt với nguy hiểm, Quốc vương sẽ công bố tình trạng khẩn cấp sau khi có sự nhất trí từ Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Thượng viện”.
Theo ông Hun Sen, tính đến 11h ngày 25-3, Campuchia đã xác nhận 93 ca mắc Covid-19 với hai trường hợp mới nhất là công dân Pháp, được phát hiện tại tỉnh Preah Sihanouk. Kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại tỉnh Preah Sihanouk vào cuối tháng 1-2020, dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 13 tỉnh, thành ở Campuchia, trong đó có Thủ đô Phnom Penh.
Indonesia mở thêm nhiều bệnh viện dã chiến
Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia (BUMN) đang lên kế hoạch chuyển đổi các công trình hiện có thành bệnh viện dã chiến để chữa trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Một quan chức thuộc BUMN cho biết dự án biến một làng thể thao ở Thủ đô Jakarta thành bệnh viện chữa trị Covid-19 sẽ được nhân đôi tại các tỉnh, thành khác trong cả nước, trong đó có thành phố Bandung thuộc tỉnh Tây Java, thành phố Semarang thuộc tỉnh Trung Java và thành phố Surabaya thuộc tỉnh Đông Java. Ngoài ra, BUMN cũng sẽ hợp tác với Bộ Tôn giáo nhằm chuyển đổi một số ký túc xá của các cơ sở giáo dục Hồi giáo tại một số khu vực thành bệnh viện dã chiến.
Trước đó, ngày 23-3, BUMN đã phối hợp với Bộ Công chính và Nhà ở hoàn tất việc biến 4 tòa tháp căn hộ của làng thể thao Wisma Atay Kemayoran ở khu vực trung tâm Jakarta vốn từng được sử dụng trong Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2018 thành bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu chữa trị các bệnh nhân mắc Covid-19 dự kiến sẽ tăng mạnh trong những ngày tới.
Các nhà khoa học mới đây cảnh báo Indonesia có thể ghi nhận 71.000 ca mắc Covid-19 vào cuối tháng 4 nếu chính quyền không thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh. Số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng một tuần qua, từ mức 172 trường hợp hôm 17-3 lên 686 trường hợp trong ngày 24-3, trong đó có 55 ca tử vong.
Đại dịch cũng đã lan đến ít nhất 22 trong số 34 tỉnh thành của quốc gia này.