Đông Nam Á tìm 'trăm phương nghìn kế' thoát khỏi bóng ma COVID-19
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, từ châu Âu tới châu Á và ngay cả các quốc gia Đông Nam Á bằng nhiều cách khác nhau đang gấp rút tìm cách ngăn chặn đại dịch, thoát khỏi 'cơn cuồng phong' mang tên COVID-19.
Dịch bệnh COVID-19 - nỗi khiếp sợ ở Đông Nam Á
Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đang chứng kiến sự tàn phá của dịch COVID-19. Chỉ trong 1 ngày, số ca mắc COVID-19 mới ở khu vực lên hơn 10.000 người, đưa tổng số người nhiễm COVID-19 ở khu vực lên hơn 1,3 triệu người, hiện tổng số ca tử vong gần chạm mốc 31.000 ca. Diễn biến dịch bệnh COVID-19 cực kỳ đáng lo ngại ở nhiều quốc gia như Indonesia, Philippines, Malaysia, Myanmar. Indonesia là ổ dịch nghiêm trọng nhất, toàn bộ 34 bang đã có người mắc bệnh, số nhân viên y tế tử vong vì COVID-19 cũng lên tới hàng trăm người. Trong 24 giờ, quốc đảo này ghi nhận số ca mắc mới và tử vong cao nhất khu vực với 6.000 ca mắc mới và hơn 100 ca tử vong. Malaysia đứng thứ 2 với gần 1300 ca mắc mới trong 1 ngày, quốc gia này đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực, thậm chí cuộc bầu cử địa phương cũng bị ngừng lại vì dịch bệnh. Philippines dù số tử vong đang đi xuống, nhưng số tổng số ca COVID-19 ở Phillipines đến nay vẫn đứng hàng thứ 2 khu vực.
Trong khi một số quốc gia Đông Nam Á chưa tìm được cách hữu hiệu để kìm hãm sự gia tăng của dịch bệnh thì có những quốc gia đang đứng vững trước những đợt “tấn công” của dịch bệnh với số ca mắc mới và tử vong không tăng hoặc tăng rất chậm như Việt Nam, Lào, Campuchia, Timor Leste. Người đứng đầu bộ phận y tế khẩn cấp của Hội Chữ thập đỏ Campuchia Hang Chansana nói với tờ The Guardian rằng, thành công trong phòng chống COVID-19 của Campuchia là nhờ tăng cường kiểm soát các trường hợp nhập khẩu, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, điều trị hiệu quả cho những trường hợp dương tính với virus. Hãng thông tấn Pháp (AFP) nhận định, Việt Nam đã xử lý tốt dịch COVID-19, từ đó giúp quốc gia này thoát khỏi cuộc suy thoái toàn cầu. Trong khi nhiều quốc gia phong tỏa, hạn chế đi lại thì Việt Nam vẫn cho phép các nhà máy mở cửa và người dân trở lại làm việc.
Săn lùng vaccin COVID-19
Cuộc chạy đua phát triển vaccine đang lan rộng, ngay cả các nước Đông Nam Á cũng nhập cuộc đua “nóng” nhất trên thế giới hiện nay. GS. Anucha Apisarnthanarak, trưởng bộ phận các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Thammasat, Thái Lan khuyên nước này chỉ nên mở cửa hoạt động trở lại khi các ca bệnh toàn cầu được kiểm soát và có vaccine, có thể vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm sau.
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Singapore đang có lợi thế hơn cả, nhưng tận cuối tháng 12 họ mới có lô vaccine đầu tiên, nước này dự kiến có đủ vaccine cho người dân vào quý 3 năm 2021. Singapore trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới có được vaccine COVID-19 sau khi cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) phê duyệt sử dụng vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech.
Đất nước đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực này là Indonesia cũng đã đặt hàng 155,5 triệu liều vaccine COVID-19, bao gồm 125,5 triệu liều từ Công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc và 30 triệu liều của Công ty Novavax của Mỹ. Chính phủ Indonesia đang thực sự gặp khó khăn để đáp ứng nhu cầu của quốc đảo có dân số lên tới 268 triệu người. Philippines cũng thông báo đã đặt mua được 2,6 triệu liều vaccine COVID-19 của hãng AstraZeneca (Anh), nhưng với số lượng hạn chế như vậy chỉ đủ tiêm cho khoảng hơn 1 triệu người, một con số quá nhỏ so với dân số khoảng 108 triệu người.
Trong khi đó, những quốc gia có nguồn tài chính hạn hẹp hơn phải tìm kiếm sự hỗ trợ của các chương trình như GAVI, COVAX như Mynamar, Brunei. Lào đã thử nghiệm vaccine Sputnik V của Nga và cũng đang thảo luận với Trung Quốc về việc mua lại nguồn cung cấp. Thái Lan cũng đã đạt thỏa thuận mua vaccine COVID-19 của hãng AstraZeneca (Anh). Campuchia dự kiến sẽ nhập khẩu vaccine từ cả Trung Quốc và Nga... Một khi nguồn cung vaccine chưa thể đáp ứng hết nhu cầu, cuộc chiến với đại dịch COVID-19 này sẽ chưa thể đi đến hồi kết...
Nguyễn Trần
((theo Bloomberg, The Guardian))